Truyền thông Trung Quốc kêu gọi "không khoan nhượng" với biểu tình ở Hong Kong

Thứ ba, 02/07/2019, 14:04
Global Times lên án sự coi thường luật pháp của người biểu tình ở Hong Kong, trong khi China Daily nhấn mạnh mô hình "một quốc gia, hai chế độ".

Người biểu tình bên trong trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong đêm 1/7. (Ảnh: SCMP).

"Với sự giận dữ và ngạo mạn một cách mù quáng, những người biểu tình cho thấy họ hoàn toàn coi thường luật pháp và trật tự. Xã hội Trung Quốc đều nhận thức được rằng chính sách không khoan nhượng là biện pháp duy nhất cho hành vi phá hoại như vậy", tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay đăng bài xã luận về cuộc biểu tình ở Hong Kong ngày 1/7.

Hàng nghìn người Hong Kong hôm qua tổ chức biểu tình phản đối chính quyền đúng dịp kỷ niệm 22 năm ngày đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc đại lục. Sau khi đụng độ với cảnh sát, người biểu tình bao vây trụ sở Hội đồng Lập pháp và tràn vào chiếm giữ tòa nhà này, đập phá đồ đạc và xé ảnh lãnh đạo. Đến nửa đêm, cảnh sát chống bạo động được triển khai, sử dụng dùi cui và hơi cay để đẩy người biểu tình ra khỏi tòa nhà.

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam kịch liệt lên án cuộc biểu tình bạo lực này và khẳng định chính quyền "sẽ chống lại hành vi phạm luật đến cùng", nhưng sẵn sàng tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói của người dân từ mọi thành phần.

Theo Global Times, việc không thực hiện chính sách "không khoan nhượng" với biểu tình bạo lực sẽ giống như "mở hộp Pandora", chiếc hộp chứa bất hạnh và chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp.

Báo nhà nước Trung Quốc China Daily hôm nay cũng đăng xã luận nhấn mạnh về mô hình "một quốc gia, hai chế độ", khẳng định Hong Kong là phần lãnh thổ "không thể tước đoạt" của Trung Quốc. "Cách duy nhất để đặc khu duy trì tăng trưởng kinh tế và sự ổn định là làm cho quá trình phát triển của nơi đây gắn liền hơn nữa với sự phát triển chung của quốc gia", tờ báo viết.

Hong Kong trong hơn ba tuần qua chứng kiến các cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang xét xử ở các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ với đặc khu, trong đó có Trung Quốc đại lục. Nhiều người lo ngại dự luật này có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh với Hong Kong, đồng thời khiến họ bị điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác.

Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục từ ngày 1/7/1997, nhưng vẫn được phép duy trì hệ thống luật pháp, tư pháp riêng theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ". Trung Quốc hồi năm 2017 khẳng định Tuyên bố chung Trung - Anh về phương án quản lý Hong Kong sau khi đặc khu này được trao trả là "tài liệu lịch sử" và không còn nhiều giá trị thực tế.

Theo VNE

Các tin cũ hơn