|
Trong ảnh là bà Nguyễn Thị Kim Phượng, một người dân Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM). Bà Phượng có nhà đất thuộc diện giải tỏa để xây dựng Thủ Thiêm, nhưng trong nhiều năm qua, bà vẫn còn khiếu nại. Bà nhiều lần bật khóc, mỗi khi nhắc lại "câu chuyện Thủ Thiêm"
|
Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm rộng 930ha. Trong đó, 770ha vùng lõi với chức năng trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ; 160ha tái định cư... Từ đó, TP.HCM chính thức bắt tay vào xây dựng siêu dự án này với giấc mơ sớm có "phố Đông bên hông quận Nhất"
|
TP.HCM đã giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Đã có khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu (ở các phường: Thủ Thiêm, An Lợi Đông, An Khánh, Bình Khánh và Bình An) đã di dời để nhường chỗ cho "siêu dự án" này, với khoảng 99% diện tích đất đã được bồi thường, giải tỏa
|
Hơn 10 năm qua, nhiều khiếu nại, tố cáo phát sinh liên quan đến vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải tỏa. Thanh tra Chính phủ từng có nhiều kết luận, trong đó thông báo kết luận kiểm tra về "ranh quy hoạch Thủ Thiêm" vào tháng 9.2018, khẳng định khiếu nại của người dân "là có cơ sở"
|
Quá trình giải tỏa Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều đợt. TP.HCM nhiều đợt điều chỉnh chính sách bồi thường, và thực tế có phần lớn hộ dân trong tổng số khoảng 14.600 hộ đã nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, một số hộ vẫn không đồng ý, có hộ bị cưỡng chế di dời, và cũng có hộ kiên trì bám trụ ở Thủ Thiêm đến tận bây giờ để đòi quyền lợi về nhà đất
|
Chính sách bồi thường không được 100% hộ dân đồng thuận, việc xây dựng Thủ Thiêm sau 23 năm vẫn còn dở dang, và việc tái định cư cho người dân cũng còn dở dang. Trong nhiều năm, nhiều hộ dân Thủ Thiêm sống cảnh tạm cư, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do không đủ điều kiện tái định cư. Cuộc sống tạm cư không ít khó khăn, trong khi thành phố cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề giải quyết
|
Thông báo kết luận thanh tra mới nhất của Thanh tra Chính phủ vào ngày 26.6 vừa qua, tiếp tục khẳng định có nhiều sai phạm về quản lý đất đai, triển khai dự án, đầu tư từ vốn ngân sách... ở Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi nộp vào ngân sách hơn 26.315 tỉ đồng; nếu sai phạm kinh tế không khắc phục trước 31.12.2019, sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra; kiến nghị xem xét xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý...
|
Theo tìm hiểu của PV, để "giấc mơ Thủ Thiêm" thành hình, trong nhiều nhiệm kỳ, TP.HCM tập trung nguồn lực, có những nỗ lực để xây dựng hạ tầng, kêu gọi đầu tư... Song, trên thực tế, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Hạ tầng vẫn còn dở dang, nhiều công trình cũng dở dang và đang trong "trạng thái bất động". Nếu những khó khăn của Thủ Thiêm được hóa giải rốt ráo, có cơ chế sử dụng đất đai, thu hút đầu tư rõ ràng, minh bạch..., sẽ không thiếu nhà đầu tư tham gia, bởi đất Thủ Thiêm bây giờ là "đất kim cương"!
|
23 năm "dang dở Thủ Thiêm", nhiều người ví thời gian đó bằng 1 thế hệ con người. Ví như mọi chuyện suôn sẻ theo đúng quy hoạch, có thể bây giờ, diện mạo Thủ Thiêm đã thành hình trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, và người dân có thể thụ hưởng tiện ích và nguồn lợi từ khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vòng luẩn quẩn "làm sai - khiếu nại - sửa sai - khiếu nại" chưa có dấu hiệu được "hóa giải" rốt ráo
|
Vào thời điểm này, và thời gian sắp tới, vẫn sẽ còn quá nhiều việc về trách nhiệm, về tiền bạc... phải giải quyết rốt ráo theo kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Trên thực tế, Thủ Thiêm vẫn ngổn ngang. Bao giờ hiện thực "giấc mơ Thủ Thiêm", vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể. Đặc biệt, khiếu nại của một số hộ dân về quyền lợi nhà đất vẫn còn dai dẳng, thậm chí có lúc vẫn rất gay gắt...
Theo Thanh Niên