|
Nhà giàn DK1 giữa sóng dữ, năm 2005 |
Đầu năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng một số bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của nước ta. Ngày 18.8.1988, Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân gửi báo cáo lên Bộ Chính trị, nêu nhận định tình hình và đề nghị “Bố trí ngay lực lượng bảo vệ và khai thác cụm bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam ở về phía Tây Nam quần đảo Trường Sa”.
Sau đề nghị này, những nhà giàn trên các bãi cạn thềm lục địa phía Nam bắt đầu hình thành.
Đi không dấu
“Trên thế giới, duy nhất chúng ta có những nhà giàn và bộ đội nhà giàn”, PGS-TS Phạm Ngọc Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật công binh, khẳng định như vậy và kể: Ý tưởng xây dựng nhà giàn cắm trên các bãi cạn thềm lục địa phía Nam do Đô đốc - Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương nghĩ ra và được cấp trên đồng ý, triển khai xuống Bộ Tư lệnh công binh. Ông Nam được giao làm chủ nhiệm thiết kế công trình. Cuối tháng 10.1988, một số cán bộ Viện Kỹ thuật công binh nhận lệnh theo Viện phó Phạm Ngọc Nam vào miền Nam công tác. Nhiệm vụ của họ gói gọn trong mấy chữ “bí mật quân sự”.
Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra nhà giàn Tư Chính A (DK1/1) - nhà giàn đầu tiên trên thềm lục địa phía Nam |
Đại tá Nguyễn Hải Đường, Phó chủ nhiệm chính trị Vùng 2 Hải quân, là cán bộ tham gia chuyến khảo sát đầu tiên dựng nhà giàn. Ngày 5.11.1988, ông nhận lệnh chuẩn bị đi biển. Chiều 6.11.1988, ông Đường cùng đồng đội hành quân xuống quân cảng 171, thấy rất nhiều gương mặt mới nên nghĩ: “Lại chi viện Trường Sa”. Chỉ đến khi biên đội tàu HQ-711 và HQ-668 chở đoàn công tác ra đến phao số 0, mọi người phải thay quân phục bằng đồ dân sự, lúc ấy mới rõ: “Đi khảo sát dựng nhà trên bãi cạn”.
Thực ra, ngay sau khi được Bộ Chính trị đồng ý với đề nghị cho đóng quân trên thềm lục địa phía Nam, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 bảo vệ các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam bằng “bất cứ giá nào”.
Gần 1 tháng trời, đoàn khảo sát đi trên 2 tàu HQ-711, HQ-668 do trung tá Nguyễn Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng 171, chỉ huy, đã chống chọi với sóng to gió lớn cuối năm, làm việc ngày đêm trong điều kiện thiếu dụng cụ hàng hải để khảo sát đo đạc, xác định được sơ bộ vị trí, địa hình của các bãi ngầm Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Qụế Đường và Ba Kè. “Mãi mới xác định được chính xác vì từ trước đến nay, có ai dám nghĩ đến chuyện dựng cái nhà như chòi canh giữa biển đâu”, đại tá Đường nhớ lại.
Bộ đội nhà giàn bảo quản rau quả trên giá tự làm, năm 2012 |
Tiếp đó, cuối tháng 11.1988, Đô đốc Giáp Văn Cương lệnh cho biên đội của Lữ đoàn 171 gồm 2 tàu HQ-713, HQ-668 do trung tá Hoàng Kim Nồng, Lữ đoàn phó Chính trị, chỉ huy và biên đội của Hải đoàn 129 gồm 2 tàu HQ-727, HQ-723 do trung tá Trần Xuân Vọng, Hải đoàn trưởng, chỉ huy ra làm nhiệm vụ trực bảo vệ và tiếp tục khảo sát các bãi đá ngầm Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè, Quế Đường, Phúc Nguyên, Huyền Trân.
Dựng nhà cấp tốc
Ngay từ đầu năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã chỉ đạo Bộ GTVT, Tổng cục Dầu khí (nay là Tập đoàn dầu khí quốc gia VN) tập trung thiết kế thi công, xây dựng và lắp đặt nhà giàn tại 3 vị trí quan trọng ở các bãi ngầm Tư Chính, Phúc Tần và Ba Kè, sau đó sẽ xây dựng nhà trên các bãi ngầm còn lại.
PGS-TS Phạm Ngọc Nam kể: Để xây dựng được nhà giàn trên nền san hô cũng như nền có lớp bùn rất dày, các kỹ sư đã dùng phương án móng cọc thép mà không dùng móng trọng lực. Từ ngày 10 - 15.6.1989, Bộ GTVT phối hợp với Binh chủng Công binh hoàn thành nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Phúc Tần (DK1/3) với diện tích sử dụng gần 150m2, cách mặt nước biển lúc triều cường là 10,5m. Ngày 16.6.1989, hoàn thành nhà giàn Ba Kè A (DK1/4), thiết kế theo kiểu khung nhà liên kết với chân đế pông tông bơm bê tông đánh chìm, định vị bằng các cột bê tông chôn sâu xuống thềm san hô. Từ 22 - 27.6.1989, hoàn thành nhà giàn Tư Chính A (DK1/1) theo cách thức chôn cột dàn khoan, đặt ở vùng nước sâu 23m.
Với các nhà giàn sau đó, những người thiết kế đã rút kinh nghiệm để tránh bị rung lắc khi sóng to và có bãi đáp máy bay trên nóc nhà. Khi thi công thêm 2 nhà giàn ở Tư Chính B (DK1/5), Phúc Nguyên (DK1/6), những người thợ đã vượt qua rất nhiều khó khăn do bão gió và cả sự quấy phá, ngăn cản của tàu nước ngoài. Đêm 26.10.1990, tàu nước ngoài xông thẳng vào đội hình ta đang thi công khiến tàu bảo vệ phải dùng biện pháp mạnh cảnh cáo, đuổi ra xa. Đêm 19.8.1993, tàu nước ngoài không cờ hiệu lại đâm thẳng vào công trường nhà giàn Phúc Nguyên (DK1/6) khiến hư hại nặng, phải kéo dài thi công...
Thế hệ lính nhà giàn đầu tiên
Đầu năm 1989, đang ở Quân khu 3 thì thượng úy Nguyễn Văn Hùng được chuyển sang Quân chủng Hải quân (QCHQ). Tháng 5.1989, ông Hùng vào Vũng Tàu, đến Lữ đoàn 171 Hải quân để chuẩn bị “ra nhà lô”. Hồi ấy, ngay trong hải quân cũng rất ít người biết đến đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa, những người biết thì gọi tiếng lóng là “nhà lô, nhà chòi”, nên ông Hùng nghĩ: “Chắc là đảo chìm ngoài Trường Sa”. Mãi đến khi ra “đơn vị mới” làm Chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính B (DK1/5), đến nơi mới biết đó chỉ là cái nhà làm bằng sắt nằm trên 4 trụ thép cao, cắm trên bãi đá ngầm giữa biển, nhìn xa như cái chòi nên bộ đội gọi là “nhà chòi”.
Ông Hùng là thế hệ “lính nhà giàn đời đầu”, nhưng không phải đầu tiên. Ngày 6.6.1989, QCHQ thành lập 3 khung đơn vị chốt giữ bảo vệ các trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ (gọi tắt là nhà giàn DK1) Tư Chính A, Phúc Tần và Ba Kè A trực thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân. Ngày 4.7.1989, tàu HQ-727 chở một số cán bộ chiến sĩ ra tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ canh giữ bảo vệ nhà giàn Tư Chính A (DK1/1). Đây là đơn vị đầu tiên đứng chân trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, do đại úy Tạ Ngô Quyền làm chỉ huy trưởng, đại úy Nguyễn Đình Thịnh làm phó chỉ huy về chính trị (nay là chính trị viên).
Hai khung nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) do đại úy Nguyễn Văn Nam làm chỉ huy trưởng và Ba Kè A (DK1/4) do đại úy Lê Văn Lập chỉ huy, đang chuẩn bị ra làm nhiệm vụ thì QCHQ yêu cầu ngừng lại. Lý do: Các nhà mới dựng không đảm bảo an toàn (giàn Phúc Tần bị nghiêng từ 4° - 5°, rung lắc mạnh khi sóng to; nhà Ba Kè bị sóng làm hỏng).
Ngày 20.7.1989, Đô đốc - Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đi tàu HQ-01 ra thềm lục địa phía Nam kiểm tra việc xây dựng các nhà giàn và tình hình ăn ở, sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội nhà giàn Tư Chính A (DK1/1). Đô đốc Cương nhấn mạnh: “Phải bảo vệ tuyệt đối an toàn nhà trạm trong mọi tình huống, dù có phải hy sinh”.
Nhắc đến chuyện nhà giàn ngày xưa, ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính B (1/5), hiện đang nghỉ hưu tại P.11, TP.Vũng Tàu, cười: “Suốt 20 năm từ 1989 - 2009, chúng tôi cứ như làm nhiệm vụ bí mật. Cứ xuống tàu ra nhà giàn là cất quân phục, mặc bộ quần áo dân sự được phát có tên gọi là Bình Minh”.
Ngày 5.7.1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT chính thức công bố việc xây dựng Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1), thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương được phân công làm Trưởng ban Chỉ đạo của nhà nước về nghiên cứu, xây dựng Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (DK1). Từ đó, ngày 5.7 cũng được xem là ngày truyền thống bộ đội nhà giàn. |
Theo Thanh Niên