Lý do Trung Quốc "im lặng bất thường" sau cuộc gặp Trump - Tập

Thứ tư, 03/07/2019, 16:04
Trung Quốc dường như đang có cách tiếp cận khá thận trọng với kết quả cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước hôm 29/6.

Trung Quốc có một cách tiếp cận khá thận trọng trong phản ứng sau cuộc gặp cuối tuần trước giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, giữ im lặng trước những tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ tại Nhật Bản rằng một số hạn chế sẽ được dỡ bỏ đối với nhà sản xuất viễn thông Huawei.

Sau cuộc họp kín kéo dài 80 phút giữa ông Tập và ông Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, chính phủ Trung Quốc chỉ ra một tuyên bố ngắn tóm tắt cuộc hội đàm, cho biết hai nhà lãnh đạo đồng ý "đình chiến", tạm dừng việc áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Tuy nhiên, tuyên bố được công bố bởi Tân Hoa Xã và Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến Huawei. Các tuyên bố này chỉ nói rằng ông Tập Cận Bình đã yêu cầu ông Trump đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc.

Huawei được đưa vào danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ, cấm các công ty Mỹ bán thiết bị và linh kiện cho nhà sản xuất có trụ sở tại Thâm Quyến, trong khi Washington cũng ngừng hợp tác với công ty này trong việc phát triển mạng 5G của Mỹ.

Nhưng trong cuộc họp báo diễn ra sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, ông Trump tuyên bố các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán hàng cho Huawei miễn là các sản phẩm liên quan không đe dọa đến an ninh quốc gia.

Mặc dù vậy, Tổng thống Trump cho biết quyết định về việc có đưa Huawei ra khỏi danh sách thực thể hay không sẽ được để lại xem xét sau.

"Chúng tôi sẽ để Huawei đến cuối cùng. Chúng tôi đang xem những gì sẽ diễn ra với thỏa thuận thương mại", ông Trump nói, đề nghị rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm đối với Huawei sẽ dựa trên một thỏa thuận được thực hiện để chấm dứt chiến tranh thương mại.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng việc nới lỏng các hạn chế bán hàng đối với Huawei không phải là một "lệnh ân xá" và Huawei sẽ vẫn nằm trong danh sách thực thể, nơi kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và sẽ không có giấy phép nếu nảy sinh bất cứ vấn đề gì với an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, phái đoàn Trung Quốc vẫn im lặng về vấn đề này. Ông Vương Tiểu Long (Wang Xiaolong), Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tổ chức một cuộc họp báo cùng thời điểm cuộc họp báo của Tổng thống Trump hôm thứ Bảy nhưng không bình luận trực tiếp về cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ-Trung hay những diễn biến liên quan đến Huawei.

"Tôi biết tất cả các bạn quan tâm đến hội nghị thượng đỉnh song phương Trung Quốc - Mỹ nhưng tôi hy vọng các câu hỏi của bạn sẽ tập trung vào G20", ông Vương nói với các nhà báo ở Osaka. "Tôi đã không tham gia hội nghị thượng đỉnh, vì vậy tôi không thể chia sẻ với bạn những gì đã được thảo luận", ông Vương cho biết.

"Đối với thông tin rằng phía Mỹ có thể dỡ bỏ các hạn chế đối với Huawei, nếu họ có thể làm điều đó, chúng tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh điều đó", ông Vương nói thêm.

Phản ứng này trái ngược với tình hình sau hội nghị thượng đỉnh tại Buenos Aires tháng 12/2018, khi Ngoại trưởng Vương Nghị và Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn (Wang Shouwen) báo cáo ngắn với truyền thông Trung Quốc và nước ngoài chỉ vài giờ sau.

Bản thân Huawei cũng chỉ đưa ra một tuyên bố đơn giản khi được hỏi về khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm thương mại với công ty. “Chúng tôi công nhận các tuyên bố của Tổng thống Mỹ và hiện tại chưa có bình luận gì thêm” – phát ngôn của Huawei nói.

Các trang báo chính thức của Trung Quốc cũng tìm cách “hạ tông” những kỳ vọng xung quanh cuộc gặp được mong chờ nhất cuối tuần qua.

Theo Su Xiaohui, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế, một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Hội nghị thượng đỉnh đã cho cả hai bên cơ hội để quản lý thiệt hại. Tuy nhiên, xem xét một số vấn đề phức tạp, chúng ta vẫn cần có những kỳ vọng hợp lý cho mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ trong tương lai. Sau tất cả, phía Mỹ đã nhiều lần phủ nhận sự đồng thuận, lật lại những lời hứa của chính mình, coi thường uy tín và cố tình tạo ra những trở ngại trong vòng đàm phán trước đó".

Một bài xã luận được tờ Thời báo Hoàn cầu thực hiện vào ngày Chủ nhật, cũng lập luận rằng vẫn có thể còn nhiều giai đoạn "lên xuống" cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington trong tương lai.

"Vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề này. Chúng tôi phải nói rằng Mỹ có lịch sử lật sang bên nọ bên kia - cấu trúc quyền lực phức tạp trong chính trị Mỹ, tranh chấp trong chính quyền hiện tại và các chiến thuật bầu cử chỉ là một vài yếu tố có thể làm Mỹ thay đổi lập trường" - Thời báo Hoàn cầu viết.

"Trung Quốc phải đứng vững", bài báo nói thêm, nhấn mạnh rằng tín hiệu tích cực từ hội nghị thượng đỉnh Osaka là kết quả của việc Trung Quốc thể hiện sự can đảm và quyết tâm chiến đấu vài tuần sau khi cuộc đàm phán bị đình trệ vào đầu tháng Năm.

Jian Chang, nhà kinh tế Trung Quốc tại Barclays, nói rằng "thỏa thuận đình chiến" ở Osaka không nhất thiết làm tăng khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng. "Đây có lẽ là lợi ích tốt nhất của cả hai bên khi duy trì các cuộc đàm phán miễn là họ có thể."

Michael Taylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Moody, cho biết, những trở ngại đáng kể vẫn là đạt được thỏa thuận dài hạn do thiếu một cơ chế thỏa thuận để giải quyết tranh chấp và các lỗ hổng về các vấn đề cốt lõi, như công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, chính sách công nghiệp và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

"Như vậy, các cuộc đàm phán vẫn có thể phải chịu những thất bại hơn nữa và nguy cơ thuế quan chưa được gỡ bỏ."

Theo VTC

Các tin cũ hơn