Khu vực khai thác của MP Materials tại Mountain Pass. (Ảnh: CNN)
Chỉ cách Las Vegas chưa đầy một giờ lái xe, các thợ mỏ tại Mountain Pass (California) đang hồi sinh một ngành công nghiệp gần như đã biến mất khỏi nước Mỹ. Đây là mỏ duy nhất tại Mỹ hiện còn khai thác đất hiếm - nguyên liệu cần cho mọi thiết bị điện tử hiện đại.
"Nếu Mỹ sau này có ngành công nghiệp đất hiếm, chúng tôi sẽ là người dẫn dắt", James Litinksy - đồng chủ tịch MP Materials - công ty sở hữu mỏ ở Mountain Pass (California) cho biết. Hoạt động khai thác ở Mountain Pass bị dừng lại sau khi chủ cũ phá sản năm 2015. Nhưng hai năm qua, MP Materials đã nỗ lực tái thiết. 200 người làm việc tại mỏ, thực hiện đủ các công đoạn, từ cho nổ, dùng xe tải chở khoáng sản ra khỏi mỏ, đến xay thành bột và đóng gói thành bao tại công trường.
MP Materials cho biết họ cung cấp khoảng 10% đất hiếm trên thế giới. Phần còn lại là từ Trung Quốc - nơi chi phí nhân công rẻ hơn và các tiêu chuẩn về môi trường cũng thấp hơn.
Thị trường đất hiếm được kỳ vọng tăng trưởng chóng mặt trong thập kỷ tới, khi thế giới ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ cao. Khi Mỹ và Trung Quốc còn mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại, một số giới chức và chuyên gia cho rằng Mỹ nên có nguồn cung thay thế khoáng sản cần thiết này. Đầu tiên là tăng khai thác, sau đó đến phát triển việc chế biến.
Việc Trung Quốc thống trị đất hiếm đã dấy lên hồi chuông cảnh báo trong chính quyền Mỹ, đặc biệt là bộ quốc phòng. Cơ quan này cần đất hiếm để chế tạo các sản phẩm như máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa và vệ tinh. Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 5 ám chỉ nước này có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm, coi đây là vũ khí trong chiến tranh thương mại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng đến thăm một cơ sở sản xuất đất hiếm của nước này.
"Người Trung Quốc muốn duy trì sự phụ thuộc này và coi nó là đòn bẩy. Vì thế, tôi không ngạc nhiên nếu họ tính đến việc dùng nó nhiều hơn nữa", Eugene Gholz - Giáo sư tại Đại học Notre Dame nhận xét.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ làm việc với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Quốc hội và các đại diện ngành này để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc với đất hiếm. Hiển nhiên, Mountain Pass sẽ là tâm điểm của nỗ lực này. Các chuyên gia cho biết khu vực này chứa loại đất hiếm chất lượng hàng đầu thế giới.
Một công nhân của MP Materials đang kiểm tra thiết bị. (Ảnh: CNN)
Rắc rối ở đây là Mountain Pass hiện chưa thể tách đất hiếm thành các dạng sản phẩm khác cho chuỗi cung ứng. Tất cả sản phẩm sau đó sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến.
Các chuyên gia cho rằng đây là thách thức thực sự trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. "Khai thác và cô đặc thực ra là các công đoạn dễ", Roderick Eggert - giáo sư kinh tế tại Trường mỏ Colorado nhận định, "Cái khó nằm ở quá trình phân tách".
James Litinsky cho biết Mountain Pass sẽ có cơ sở phân tách riêng năm tới, cho phép họ làm ra oxide đất hiếm để bán trực tiếp cho các công ty trên toàn cầu. Chủ cũ của khu khai thác này đã chi tới 1,7 tỷ USD để nâng cấp cơ sở vật chất và tăng tính thân thiện với môi trường. Nhưng sau đó, chúng bị bỏ hoang vì công ty phá sản. Nhà máy phân tách khổng lồ ở đây hiện cũng không được sử dụng.
Litinsky hy vọng một ngày nào đó công ty có thể thực hiện toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khai thác đến sản xuất nam châm, động cơ và các sản phẩm đất hiếm khác sử dụng trực tiếp trong các sản phẩm tiêu dùng. Hiện tại, gần như mọi công đoạn cuối cùng đều được thực hiện ở Trung Quốc hoặc Nhật Bản.
Litinsky cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh là lực đẩy cho công ty hoàn thành mục tiêu này. "Rất nhiều người nghi ngờ chúng tôi. Vì thế, chúng tôi cũng cảm thấy khá áp lực. Nhưng từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra, chúng tôi càng ý thức được mình phải làm gì", ông nói.
Litinsky tiết lộ một số quan chức chính phủ đã đến thăm Mountain Pass. Dù có chiến tranh thương mại hay không, ông tin rằng mình cũng đang gây dựng một ngành công nghiệp có tính khả thi về kinh tế và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ông hy vọng các quan chức và doanh nghiệp nhìn thấy tầm quan trọng chiến lược của công ty, nhận ra lợi thế mà các hãng sản xuất Trung Quốc có được nhờ trợ cấp từ chính phủ và các quy định lỏng lẻo về môi trường.
"Chúng tôi không cần hỗ trợ. Chỉ cần sân chơi công bằng để cạnh tranh thôi", Litinsky kết luận.