Tại sao Iran chuyển từ “chịu đựng” sang “đối đầu” với Mỹ?

Thứ sáu, 05/07/2019, 11:15
Cách tiếp cận mang tính đối đầu của Iran nhằm khiến cho phía Mỹ phải hao tốn thêm nhiều chi phí và công sức trong nỗ lực gây áp lực tối đa lên Iran, ngoài ra nó còn bởi Iran đang quá khó khăn về kinh tế.

Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ mới áp dụng với Iran gây ra nhiều tác động tồi tệ hơn so với kỳ vọng của những người đứng đầu đất nước này, điều đó buộc Iran phải phản công lại bằng các hành động quân sự cũng như phá vỡ một số hạn chế mà Iran từng áp dụng với chương trình hạt nhân của nước này, theo nhận định của bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Cách tiếp cận mang tính đối đầu của Iran nhằm khiến cho phía Mỹ phải hao tốn thêm nhiều chi phí và công sức trong nỗ lực gây áp lực tối đa lên Iran và đẩy chính phủ nhiều nước Tây Âu phải hỗ trợ cho nước này, theo cựu quan chức chính quyền Iran cũng như chuyên gia phân tích ngành chính trị.
Tình thế nguy nan tại Iran có thể khiến cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng vận động chống lại việc can thiệp của Mỹ vào xung đột tại Trung Đông, đối đầu với nhiều câu hỏi khó liên quan đến chiến tranh và hòa bình khi mà ông chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử Mỹ năm 2020.
Trong ngày thứ Tư, Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani, cho biết Tehran sẽ tiếp tục làm giàu uranium lên trên ngưỡng 3,67% - ngưỡng này sẽ cao hơn so với ngưỡng được áp vào năm 2015 theo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký giữa Iran và một số nước lớn khác của thế giới nhằm ngăn Iran có được vũ khí hạt nhân. Vào năm ngoái, Washington đã rút khỏi thỏa thuận này.
Iran đã phá vỡ mức trần theo thỏa thuận trên tính đến ngày thứ Hai tuần này. Trong tháng trước, Iran bắn hạ chiến đấu cơ của Mỹ. Washington đồng thời cáo buộc Iran đứng đằng sau hàng loạt vụ tấn công vào các tàu chở dầu cũng như đường ống vận chuyển dầu của Saudi Arabia.
Trong ngày thứ Tư tuần này, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố trên Twitter: “Hãy cẩn thận với những mối hiểm họa, Iran. Chúng sẽ gây ra nhiều tác động ngược trở lại Iran tồi tệ chưa từng thấy”.
Đằng sau việc Iran trở nên cứng rắn với Mỹ chính là việc doanh số bán dầu giảm trong khi dầu giữ vị thế vô cùng quan trọng trong kinh tế Iran. Do có lệnh trừng phạt, Iran hiện xuất bán được chỉ 230 nghìn thùng dầu/ngày – mức giảm đáng kể nếu so với con số 2,5 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 5/2018.
Quan chức chính phủ Iran đã không ngừng tin rằng họ sẽ vẫn xuất bán được 800 nghìn thùng dầu/ngày – mức mà họ cảm thấy đủ để giúp cho kinh tế phát triển tạm ổn giống như dưới thời câng thẳng nhất của các biện pháp trừng phạt do cựu Tổng thống Mỹ Obama đưa ra, quan chức chính phủ Iran cảnh báo. Hiện nay, phần lớn dầu của Iran được bán sang Trung Quốc.
Toàn bộ kinh tế Iran đã chấn động khi doanh số bán dầu và giá dầu thế giới giảm. Lạm phát tại Iran hiện đã tăng đến 35% so với cùng kỳ, đồng nội tệ Iran giảm khoảng 70% tính từ đầu năm 2018.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn