Viện Hải quân Hoa Kỳ khẳng định chiếc tàu ngầm hạt nhân nước sâu AS-31 Losharik của Nga được lên kế hoạch triển khai ở Bắc Đại Tây Dương.
Bình luận về vụ tai nạn xảy ra với thiết bị nghiên cứu nước sâu của Nga, tổ chức chuyên gia Mỹ cho rằng “vụ tai nạn xảy ra trong giai đoạn vận hành mùa Hè của chiếc tàu thuộc biên chế Tổng cục Nghiên cứu Nước sâu, Bộ Quốc phòng Nga, trước khi nó được triển khai đến Bắc Đại Tây Dương để thực hiện nhiệm vụ”.
Nga sử dụng AS-31 Losharik cho tham vọng mở rộng lãnh thổ dưới đáy biển Bắc Băng Dương? (Ảnh: dni24.com) |
Tờ The Barents Observer của Na Uy nhấn mạnh rằng chiếc AS-31 Losharik có khả năng “mang theo một số thiết bị cỡ nhỏ phục vụ cho mục đích quân sự và được thiết kế để đặt dưới đáy biển”. “Các thiết bị này sẽ được sử dụng để đánh lạc hướng chú ý của các tàu ngầm nước ngoài vào thời điểm tàu ngầm Nga rời Bán đảo Kola để di chuyển đến Bắc Đại Tây Dương. Các thiết bị nghe lén kèm theo sẽ có nhiệm vụ phát hiện các âm thanh do tàu địch tạo ra”, tờ báo Na Uy viết.
Hơn nữa, khi đề cập đến các mục tiêu cụ thể trong nhiệm vụ của AS-31 Losharik, Viện Hải quân Hoa Kỳ nhận định rằng “chính phủ Nga dự tính lợi dụng khả năng lặn sâu của chiếc tàu này để mở rộng tham vọng lãnh thổ dưới đáy biển Bắc Băng Dương”.
Trước đó, ngày 1/7, một trong những thiết bị nghiên cứu khoa học nước sâu của Bộ Quốc phòng Nga đã gặp nạn trong quá trình tiến hành đo độ sâu, khiến 14 thủy thủ thiệt mạng. Theo thông báo của giới truyền thông Nga, đám cháy trong vụ tai nạn xuất phát từ chiếc tàu ngầm hạt nhân nước sâu thuộc dự án 10831- AS-31 Losharik.
Vào năm 2012, trong chuyến thám hiểm Bắc Cực mang tên “Sevmorgeo”, cũng chính chiếc AS-31 Losharik đã thu thập được những mẫu trầm tích dưới đáy biển ở độ sâu hơn 2km. Từ những gì thu thập được, các nhà địa chất Nga khẳng định quyền sở hữu của Matxcơva đối với dải núi ngầm Alpha-Mendeleev ở vùng Bắc Cực, nơi theo ước tính tập trung 1/4 trữ lượng tài nguyên thiên nhiên của thế giới.
Theo VTC