|
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, trả lời báo chí về luật Giáo dục sửa đổi sáng 4.7 |
Sáng 4.7, tại họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 đạo luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 7, Quốc hội XIV, trong đó có luật Giáo dục sửa đổi, phóng viên Thanh Niên nêu câu hỏi về phương án cụ thể của lộ trình miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở, cũng như lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên được quy định trong luật.
Trả lời vấn đề này, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho hay việc đưa các quy định về miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở, cũng như nâng chuẩn trình độ giáo viên, đều là pháp điển hóa Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Đối với vấn đề miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở, theo ông Độ, Nghị quyết 29 của T.Ư quy định thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020 cho nên việc miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở (lớp 6 đến lớp 9 - PV) là phù hợp.
“Chính phủ sẽ quy định miễn học phí đối với học sinh trung học phổ thông sau khi chúng ta công bố Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm”, ông Độ cho hay, và khẳng định thời gian tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động để tham mưu cho Chính phủ xây dựng lộ trình cụ thể.
Đối với quy định nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, ông Độ cho biết điều này đã có chủ trương từ Nghị quyết 29 của T.Ư.
Về lộ trình, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho hay, ban đầu Bộ đã làm phép toán để tính lộ trình tới năm 2026 có thể chính thức thực hiện việc chuẩn hóa trình độ giáo viên ở các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
“Tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình cần căn cứ vào thực tiễn, cho nên sau đây sẽ phải đánh giá tác động, khảo sát, từ đó mới xây dựng lộ trình để tham mưu với Chính phủ hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, trong luật không ghi thời gian Chính phủ có văn bản cụ thể về lộ trình, để có thời gian cho cơ quan soạn thảo thẩm định, đánh giá tác động để đưa ra lộ trình khả thi”, ông Độ cho hay.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật Giáo dục sửa đổi cũng cho biết, ban đầu, dự án Luật chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, tuy nhiên, sau đó Quốc hội quyết định nâng lên thành luật Giáo dục sửa đổi để sửa toàn diện hơn, do vậy, yêu cầu cũng cao hơn.
Vì thế, để đảm bảo sự chặt chẽ, khả thi của các quy định, hướng dẫn của luật cần phải có thời gian để nghiên cứu, đánh giá tác động.
Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 sẽ có hiệu lực từ 1.7.2020
Ít nhất 20% chi tiêu ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo
Một điểm mới trong luật Giáo dục sửa đổi lần này là luật hóa quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (khoản 1 điều 96).
Trước đó, quy định "tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đảm bảo 20% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm” được ghi trong Nghị quyết 37 năm 2004 của Quốc hội.
Ngoài ra, luật Giáo dục đã sửa đổi quy định quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi tài chính, quản lý tài sản theo quy định của luật Ngân sách Nhà nước và luật Quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục công lập; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật (điều 95, điều 101…)
|
Theo Thanh Niên