"Đình chiến" Mỹ-Trung: Cơn gió thoảng giữa trưa Hè oi bức

Thứ năm, 04/07/2019, 09:42
Một thỏa thuận dù nhỏ đạt được giữa hai nước vẫn được coi là cơn gió thoảng mang lại cảm giác dễ chịu cho tất cả giữa trưa hè oi bức, chuyên gia Phạm Phú Phúc nhận định

Chuyên gia tin rằng tuyên bố đình chiến với Bắc Kinh là minh chứng cho đối sách ngoại giao “ngẫu hứng” nhưng không phải không có dụng ý của nhà lãnh đạo Mỹ.

Trong bối cảnh cả thế giới đang hết sức lo lắng về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và sự lo lắng đó thể hiện rất rõ ở hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, thì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau và có được một “thỏa thuận nhỏ” khiến cho cả thế giới có thể thở phào, cảm thấy “tương đối nhẹ nhõm”.

Cụ thể, sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hôm 29/6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ngừng áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, song những khoản áp thuế trước đó vẫn được giữ nguyên, đồng thời cho phép các công ty Mỹ bán trở lại các sản phẩm cho tập đoàn công nghệ Huawei, để đổi lại Bắc Kinh sẽ mua thêm hàng nông sản của Mỹ. Hai bên cũng nhất trí sẽ nối lại tiến trình đàm phán thương mại bị đổ vỡ hồi tháng 5 vừa qua.

Cuộc đàm phán Mỹ-Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. (Ảnh: AP)

Cơn gió thoảng giữa trưa hè oi bức

Trước cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhật Bản, rất ít người tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại nào đó. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo lên từng nấc thang sau những đòn áp thuế ăn miếng trả miếng kể từ tháng 3/2018. Với một loạt bất đồng trong đàm phán, khả năng hai bên có thể đưa mối quan hệ thương mại trở về trạng thái bình thường chỉ trong một, hai ngày ở thượng đỉnh G20 là rất thấp.

Kể cả khi chứng kiến những kết quả có thể nói là tích cực sau cuộc gặp tại Nhật Bản, nhiều người đã ngay lập tức nhớ lại những gì đã xảy ra ở Argentina tháng 12/2018, khi mà cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cũng bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 hạ màn trong tiếng vỗ tay tán thưởng với một thỏa thuận đình chiến - hoãn áp thuế lên hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày. Tất cả đã nghĩ về việc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến và một “con đường quang hơn” cho thương mại toàn cầu cho đến khi Tổng thống Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Vậy thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua cho thấy được điều gì? Giải đáp cho câu hỏi này, nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, nguyên phóng viên TTXVN từng nhiều năm lăn lộn tại các địa bàn Trung Đông, Nam Tư cũ và Mỹ, cho biết: “Rõ ràng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang căng như dây đàn sau khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tiếp bị đẩy lên cao, một thỏa thuận dù là nhỏ đạt được giữa hai nước vẫn được coi là cơn gió thoảng mang lại cảm giác dễ chịu cho tất cả giữa trưa hè oi bức”.

Hơn lúc nào hết, Tổng thống Donald Trump hiện giờ đang muốn là một nhân vật 'bồ câu' trong tất cả các mối quan hệ quốc tế, bởi ông đã chính thức bước vào cuộc tranh cử Tổng thống 2020.

Chuyên gia Phạm Phú Phúc

Theo chuyên gia, “thỏa thuận nhỏ” giữa Mỹ và Trung Quốc vừa qua chỉ trở nên đặc biệt có ý nghĩa khi được đặt cạnh “tin vui”: cuộc đàm phán Mỹ-Triều về vấn đề hạt nhân cũng chính thức được nối lại. Hai cuộc đàm phán này tưởng chừng như chỉ có một điểm chung duy nhất là cùng được đặt lên bàn đàm phán tại Nhật Bản, tuy nhiên, trên thực tế, kết quả của chúng lại có tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm lẫn nhau. Bởi nếu xem xét kỹ chúng ta sẽ thấy vấn đề hạt nhân của Triều Tiên không thể không có vai trò của Trung Quốc.

Từ những hứa hẹn giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un, cũng như không khí cởi mở của cuộc gặp tại Khu phi quân sự (DMZ) giữa biên giới Hàn-Triều tạo cho người ta cảm giác rằng cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ sớm có những tiến triển tích cực. Và từ đó, với mối quan hệ thân thiết giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un, có cơ sở để tin rằng cuộc đàm phán Mỹ-Triều rồi sẽ thúc đẩy ngược lại cuộc đàm phán Mỹ-Trung.

Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 và hình ảnh “bồ câu” của ông Trump

Một “thỏa thuận nhỏ” với Trung Quốc có thể chỉ là một đối sách ngoại giao “ngẫu hứng” khác của nhà lãnh đạo Mỹ, tuy nhiên, để đi đến một quyết định như vậy, đối với ông Trump, không thể không có sự cân nhắc. Chuyên gia Phạm Phú Phúc nhận định: “Hơn lúc nào hết, Tổng thống Donald Trump hiện giờ đang muốn là một nhân vật 'bồ câu' trong tất cả các mối quan hệ quốc tế, bởi ông đã chính thức bước vào cuộc tranh cử tổng thống 2020. Do đó, việc ông Trump tuyên bố dừng đánh thuế với Trung Quốc và đối thoại hạt nhân với Triều Tiên được coi là món quà dành tặng cho các cử tri, giới chính trị Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần”.

Ông Donad Trump đang muốn thay đổi hình ảnh trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, Trung Quốc, để có được sự nhượng bộ của ông Trump, phải chấp nhận đẩy mạnh hơn nữa việc nhập khẩu hàng nông sản của Mỹ. Đây được xem là điểm cộng không nhỏ của ông Trump trong mắt các cử tri, khi mà thỏa thuận với Trung Quốc của ông đã thực sự cởi bỏ gánh nặng cho một bộ phận không nhỏ giới doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khi Mỹ đánh thuế các mặt hàng Trung Quốc thì chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ đánh thuế đáp trả hoặc dừng mua một số mặt hàng Mỹ, mà rõ nhất là các mặt hàng nông sản như bông, ngô, đậu nành, cao lương, thịt heo..., khiến các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực này phải “điêu đứng”. Trong khi những doanh nghiệp như vậy lại chiếm một bộ phận không nhỏ trong số cử tri tại Mỹ, và do đó sẽ là những lá phiếu quyết định đến cơ hội dành chiến thắng của bất cứ ứng viên nào muốn trở thành Tổng thống.

Nhận thức được cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ đang cận kề, ông Trump đã nhanh chóng thay đổi bộ mặt của mình. Bởi nếu cứ giữ nguyên bộ mặt “gây chiến” như những gì thể hiện trong thời gian qua, ông Trump sẽ khó lòng có được sự ủng hộ của cử tri và giới chính trị Mỹ.

Thời gian qua, cả thế giới giới dường như đã dần hiểu được phong cách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump: mọi quyết định được đưa ra rất nhanh và ngẫu hững. Có lúc nó làm cho hình ảnh của ông xấu đi một cách tệ hại sau khi “chọc ghẹo” cả thế giới với những tuyên bố “gây sốc” liên quan đến Nga, Trung Quốc, Venezuela, Iran, hay thậm chí cả Việt Nam. “Nhưng giờ đây là một thời điểm nhạy cảm, khi mà cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đang tới gần. Và ông Trump là một người thông minh, ông ta hiểu được điều đó. Đó là lý do tại sao ông cần hình ảnh ‘bồ câu’ vào lúc này”, - chuyên gia Phúc kết luận.

Theo VTC

Các tin cũ hơn