Chuyện chưa kể về trái tim "bay" ghế thương gia, có CSGT hộ tống

Thứ bảy, 06/07/2019, 17:07
Báo Lao Động đã thông tin về một quả tim vừa được vận chuyển bằng máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép tim. Việc vận chuyển quả tim này qua đường hàng không được thực hiện nghiêm ngặt, với sự hỗ trợ của lực lượng CSGT và ngành hàng không.

Không được phép sơ suất

16h 30.6, chuyến bay chở theo quả tim người đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Các ekip nhanh chóng được an ninh sân bay đưa vào làm nhiệm vụ, chỉ hơn 10 phút quả tim được đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy với sự hỗ trợ dẫn đoàn của lực lượng CSGT.

Trái tim chỉ có thể bảo quản được trong 6 giờ đồng hồ tính từ lúc lấy ra khỏi lồng ngực người cho đến khi ghép vào được người nhận. Vì vậy, bằng mọi giá phải bảo quản và đem được món quà thiêng liêng này đến với bệnh nhân kịp thời.

Các bộ phận liên quan đến việc vận chuyển quả tim ở cả 2 đầu cầu Hà Nội và Sài Gòn phải tuân thủ theo hướng dẫn của điều phối, mọi thao tác phối hợp đều phải nhịp nhàng, vì mỗi một giây là quý giá như vàng đối với bệnh nhân.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, việc vận chuyển quả tim đạt ngưỡng an toàn thường trong vòng bán kính 500km. Trong khi đó, quả tim được chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn phải vượt quãng đường dài hơn 1.700km là một thách thức rất lớn đối với các bộ phận được giao nhiệm vụ. Nếu có những sơ xuất nào đó hoặc máy bay trễ giờ thì món quà thiêng liêng đấy coi như đổ bể.

Một ca ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một ca ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ghế thương gia

Theo nguồn tin của PV Báo Lao Động, quả tim trên được chứa đựng trong hộp y tế đặc biệt và đặt ở trên ghế hạng C (hạng thương gia). Ngồi kế bên thùng đựng quả tim 1 bác sĩ chuyên khoa. Bộ phận tiếp viên hàng không phải thực hiện các thao tác để cố định chiếc hộp này được chắc chắn, đảm bảo không bị ảnh hưởng trong quá trình máy bay cất cánh, hạ cánh hoặc gặp rung lắc khi gặp thời tiết nhiễu động.

Chuyến bay chở quả tim trên được ví như đang “chạy đua” từng phút với thời gian. Khi tiếp nhận vận chuyển quả tim, từ bác sĩ đến nhân viên an ninh, bộ phận phục vụ mặt đất, nhân viên làm thủ tục, tiếp viên trưởng và phi hành đoàn của chuyến bay đều có ý thức là mình đang thực hiện một chuyến bay đặc biệt, nên luôn đặt trách nhiệm cao nhất trong mọi tình huống.

Vị bác sĩ ngồi cùng với quả tim trên chuyến bay cho biết, bản thân cảm thấy rất áp lực về thời gian vận chuyển từ Hà Nội tới TP.HCM. Bởi vì, mỗi phút trôi qua là gắn liền với một cơ hội sống của bệnh nhân đang chờ đợi ghép tim, đồng thời cũng tâm nguyện của người hiến tặng trái tim đến được với người cần.

 

Xe bệnh viện và CSGT vào tận chân cầu thang máy bay để tiếp nhận quả tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sự hỗ trợ của ngành hàng không và CSGT

Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam xác nhận, trong ngày 30.6 đã cấp phép cho một trường hợp đưa phương tiện và những người liên quan vào tận chân cầu thang máy bay để nhận quả tim được vận chuyển trên chuyến bay của Vietnm Airline.

Theo vị lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam, đây không phải là trường hợp đầu tiên Cảng vụ cấp phép, mà trước đó đã có 3 lần cấp phép cho phương tiện y tế vào khu vực sân bay để thực hiện công tác tiếp nhận tạng từ Hà Nội và các nơi khác chuyển đến.

"Cảng vụ cấp phép cho đoàn xe cứu thương và nhân sự liên quan vào khu vực sân đỗ để kịp thời nhận tạng là việc làm đúng quy định cho phép và mang đậm tính nhân văn. Khi nhận được văn bản, công văn đề nghị của các đơn vị liên quan, thì Cục nhanh chóng cấp phép với thủ tục được tạo thuận lợi tối đa." - lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam nói.

Khu vực thực hiện ca ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM. Ảnh: Huân Cao

Khu vực thực hiện ca ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ảnh: Huân Cao

Trong khi đó, Trung tá Trương Tiến Sỹ - Phó Đội trưởng Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn - Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, khi nhận được chỉ đạo từ cấp chỉ huy, đơn vị lập tức điều động hai xe mô tô, cùng các đồng chí nhanh chóng có mặt tại sân bay để thực hiện công tác dẫn đường.

"Nguyên tắc là chúng tôi phải có mặt đúng giờ, đồng thời phối hợp cùng các đơn vị bạn để lên kế hoạch và lộ trình cụ thể. Anh em trong lực lượng phải tính toán đi đường nào để từ sân bay về bệnh viện là ngắn nhất, thời gian di chuyển phải nhanh nhất để kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân". - ông Sỹ nói.

Một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, lực lượng CSGT đã nhiều lần hỗ trợ dẫn đường cho việc vận chuyển nội tạng từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là việc nhân đạo, việc bố trí phương tiện, cán bộ chiến sĩ tham gia công tác này dựa trên đề nghị của tổ chức, cá nhân liên quan và được thực hiện đúng với quy định ngành.

Theo LĐO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích