Ngày 6/7, cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ khẩn cấp một người đàn ông họ Kim, 36 tuổi, với cáo buộc đánh người gây thương tích nghiêm trọng và vi phạm luật bảo vệ trẻ em. Đoạn video cảnh nghi phạm đánh đập tàn nhẫn cô vợ người Việt trước đó được phát tán trên mạng làm rúng động dư luận Hàn Quốc.
Nạn nhân, 30 tuổi, bị đánh nứt xương sườn và chịu nhiều chấn thương khác sau trận đòn gần 3 tiếng. Cảnh sát phải cách ly cô và đứa con trai 2 tuổi đến một cơ sở lánh nạn trong thời gian điều tra.
Theo tường trình ban đầu, vụ bạo hành khiến dư luận Hàn Quốc sục sôi xảy ra vào 21h ngày 4/7 tại Yeongam, tỉnh Jeolla Nam, một tỉnh nông thôn ở phía Nam nước này.
Tên chồng vũ phu đấm, đá và đập cả chai rượu soju vào người vợ mình. Trong video, người chồng có đoạn hét lớn “cô không còn ở Việt Nam nữa”.
Người chồng Hàn Quốc đánh đập vợ gốc Việt suốt 3 tiếng vào đêm 4/7 tại Yeongam khiến dư luận nước này sục sôi. (Ảnh: Korea Times). |
Trang Hankyoreh cho biết đây không phải là lần đầu tiên cô dâu Việt bị Kim đánh đập. Sau nhiều lần bị bạo hành, nạn nhân đã lén ghi lại hình ảnh vụ việc bằng chiếc điện thoại di động đặt trên túi tã trẻ em trong phòng khách. Cô gửi bằng chứng về hành vi tàn độc của chồng mình đến người quen vào ngày 5/7. Người này sau đó trình báo vụ việc cho cảnh sát địa phương và phát tán đoạn video lên mạng xã hội.
Cơ quan cảnh sát Yeongam kiểm tra đoạn video vào khoảng 17h ngày 6/7. Chỉ 3 tiếng sau, họ triệu tập người chồng đến thẩm vấn phục vụ điều tra rồi tiến hành bắt giữ khẩn cấp để bảo vệ nạn nhân. Họ cũng xin lệnh bắt giữ chính thức “vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc và lo ngại về khả năng tái diễn hành vi phạm pháp”.
Không chỉ riêng vụ việc tại Yeongam, nhiều cô dâu ngoại quốc cũng mắc kẹt trong tình cảnh bị bạo hành khi cưới chồng Hàn Quốc. Họ bị kẹt lại trong vòng xoáy của văn hóa gia trưởng và những ràng buộc pháp lý với chồng mình.
Bạo hành gia đình đang là thực trạng phổ biến đối với nhiều phụ nữ ngoại quốc nhập cư đến Hàn Quốc dưới diện kết hôn. Theo số liệu của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) về điều kiện lưu trú của cô dâu ngoại quốc, trong 920 phụ nữ ngoại quốc được khảo sát vào tháng 6/2018 thì có đến 387 trường hợp thừa nhận bị bạo hành, đạt tỉ lệ đến 42,1%.
Họ bị ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong số cô dâu ngoại quốc xác nhận bị bạo hành với NHRCK, 81,1% nói họ bị quấy rối về tinh thần và chịu những lời chửi rủa trong gia đình. Có 67,9% nạn nhân tham gia khảo sát cho biết họ bị cưỡng bức hoặc quấy rối tình dục ngay trong nhà mình. Ít nhất 77 cô dâu ngoại quốc thừa nhận họ từng bị đe dọa mạng sống bằng vũ khí.
Nhiều cô dâu ngoại quốc thừa nhận họ phải chịu đựng sự bạo hành về tinh thần hoặc thể xác sau khi cưới chồng Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap). |
Sokha, một cô dâu gốc Campuchia, cưới chồng Hàn Quốc vào năm 2007. Thời gian đầu sau khi kết hôn, người chồng vũ phu nhiều lần chửi mắng cô, nói ông đã trả tiền để đưa cô sang Hàn Quốc làm ruộng.
Những trận đòn bắt đầu xuất hiện 3 năm sau khi Sokha về làm dâu xứ người. Cô nhiều lần bị chồng nắm tóc xô vào tường hoặc ném đồ đạc vào người. Nhiều lần, đứa con chưa đến tuổi vào tiểu học khóc lóc van xin cha mình đừng đánh mẹ nữa. Khi đó, chồng của Sokha lại vặn lớn âm thanh TV rồi tiếp tục đánh đập nạn nhân, không một mảy may lo sợ bị phát hiện.
Sokha từng cầu cứu nhiều người trong làng, nhưng câu trả lời mà cô nhận được chỉ là “tiếp tục chịu đựng đi”. Khoảng 10 năm sau khi kết hôn và về làm dâu, Sokha thuyết phục được chồng mình nộp đơn xin quốc tịch Hàn Quốc. Khi Sokha lén trốn đến một cơ sở lánh nạn dành cho phụ nữ ngoại quốc, người chồng đã rút lại đơn xin nhập tịch của vợ.
Nhiều chuyên gia cho rằng văn hóa gia trưởng tại Hàn Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn bạo hành trong các gia đình có cô dâu ngoại quốc.
Theo Kang Hye Sook, thành viên Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Nhập cư, Hàn Quốc vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa hai giới, khi người vợ được xem là không có quyền ngang hàng với chồng trong gia đình. Những cuộc hôn nhân mang yếu tố quốc tế còn có khoảng cách thứ bậc nghiêm trọng hơn khi độ tuổi của người chồng thường lớn hơn vợ đến 10 năm.
Những cô dâu là người nhập cư tháng 6/2011 biểu tình trước trụ sở Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) phản đối bạo hành gia đình. (Ảnh: Hankyoreh). |
“Hệ quả là chồng Hàn thường không xem cô dâu ngoại quốc trẻ tuổi là một thành viên của gia đình, hoặc họ nghĩ là người mang tiền về nuôi nhà thì có thể đối xử với vợ thế nào cũng được”, bà Kang cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng quy trình xét nhập tịch tại Hàn Quốc khiến vấn nạn bạo hành gia đình đối với cô dâu ngoại quốc thêm trầm trọng. Các điều khoản pháp lý đặt người chồng Hàn Quốc vào vị trí toàn quyền quyết định đơn xin nhập tịch của vợ, làm bóp méo mối quan hệ vợ chồng thành sự lệ thuộc và phục tùng.
Những cô dâu ngoại quốc chưa nhập tịch phải kèm theo sự đảm bảo của chồng mình nếu xin gia hạn thị thực hoặc xin trở thành thường trú nhân. Nếu người chồng đơn phương rút lại giấy tờ đảm bảo này, người vợ ngoại quốc sẽ gặp khó khăn để tiếp tục ở lại Hàn Quốc.
“Thường thì những người chồng Hàn Quốc sẽ cố tình từ chối giúp đỡ vợ mình lấy quốc tịch. Họ sợ vợ bỏ trốn khỏi gia đình sau khi nhập tịch”, Ko Myeong Sook, Giám đốc Cơ sở lánh nạn Phụ nữ Nhập cư Daegu, cho biết.
“Hệ thống này cần được cải cách. Ít nhất là đến khi con cái của những gia đình này đến tuổi đi học, tính xác thực của cuộc hôn nhân nên được thừa nhận và cô dâu ngoại quốc được quyền tự xin quốc tịch”, ông nhận định.
Theo Zing