Chịu đựng. Thương lượng. Đối đầu. Chạy trốn. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các trang mạng. Nhờ đến những nơi có thẩm quyền.
Đó là 6 phản ứng phổ biến của phụ nữ Việt Nam khi bị chồng Hàn Quốc bạo hành ở đất khách, theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Park Suyeon thuộc Đại học bang New York (Mỹ). Trong số này, chịu đựng là phản ứng phổ biến nhất.
Ngày 7/7, cảnh sát Hàn Quốc xác nhận bắt giữ một người đàn ông nước này vì hành vi đánh đập vợ Việt tàn nhẫn đến gãy xương sườn.
Đoạn video hơn một phút ghi lại cảnh người đàn ông 36 tuổi liên tục đá, đấm vợ trước mặt đứa con 2 tuổi lan truyền trên mạng xã hội, gây rúng động dư luận xứ củ sâm.
Bên cạnh những bình luận xót thương cho người phụ nữ và đứa trẻ, nhiều dân mạng đặt câu hỏi vì sao nạn nhân bị đánh đập dã man như vậy lại không có hành động chống trả, hay thoát khỏi người chồng vũ phu bằng cách ly hôn.
Trong nghiên cứu trên (công bố năm 2018), TS Park đã phỏng vấn sâu 22 phụ nữ Việt Nam trên 18 tuổi, kết hôn với đàn ông Hàn Quốc và có tiền sử bị bạo lực gia đình bởi chồng hoặc gia đình chồng.
Nghiên cứu cũng thừa nhận: Kết quả này không thể khái quát cho tất cả phụ nữ Việt kết hôn với đàn ông Hàn Quốc. Đó là do một số hạn chế: Đối tượng khảo sát không được chọn ngẫu nhiên và hầu hết được giới thiệu bởi nhà tạm trú, cơ quan dịch vụ xã hội, người tham gia nghiên cứu khác.
Mặc dù vậy, những kết quả từ nghiên cứu cũng phần nào trả lời câu hỏi đặt ra ở trên: Các cô dâu Việt - những nạn nhân bị bạo hành - không phải không muốn cứu lấy bản thân, mà do quanh họ có quá nhiều rào cản.
Người đàn ông Hàn Quốc đánh đập vợ dã man ngay trước mặt con nhỏ. (Ảnh: Korea Times). |
Theo Korea Times, khoảng 160.000 phụ nữ nước ngoài hiện sống tại Hàn Quốc theo diện kết hôn. Trong đó, 42% đến từ Việt Nam, 29% từ Trung Quốc, còn lại chủ yếu đến từ một số nước Đông Nam Á như Philippines và Campuchia.
Trong năm 2017, cứ 20 cuộc hôn nhân ở xứ kim chi thì có một cặp là kết hôn giữa đàn ông Hàn Quốc và phụ nữ nước ngoài. Tuy nhiên, không phải cô dâu nào cũng có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc nơi xứ người.
Cũng trong năm này, theo Ủy ban nhân quyền quốc gia Hàn Quốc, 42% người vợ ngoại quốc cho biết mình bị bạo hành thể xác và 68% từng bị lạm dụng tình dục.
Trước khi nghĩ tới việc chạy trốn hay tìm cách ly hôn, phản ứng đầu tiên của các nạn nhân là chịu đựng.
Khi bị chồng bạo hành, không phải người phụ nữ nào cũng dám đứng lên phản kháng. (Ảnh: Yonhap). |
Theo nghiên cứu của TS Park, trong khi chịu đựng sự lạm dụng, những người phụ nữ này sẽ quan sát tâm trạng của chồng - những kẻ bạo hành - rồi từ đó hạn chế thực hiện những hành động gây trái ý để tránh bị đánh đập.
“Tôi thực sự muốn chạy khỏi gia đình đó nhưng vẫn phải chịu đựng vì ở đây (Hàn Quốc) tôi không có ai quen biết. Tôi chỉ nghĩ rằng việc chịu đựng và chờ đợi sẽ khiến mọi chuyện khá hơn”, Cúc - một trong 22 người phụ nữ trong nghiên cứu của TS Park - chia sẻ.
Hậu quả của sự chịu đựng này là những người vợ đáng thương luôn phải sống trong lo lắng, sợ hãi. Cảm giác này được miêu tả là “bước đi trên những vỏ trứng, xung quanh là chồng và gia đình chồng”, chỉ cần làm “vỏ trứng vỡ”, đó sẽ là cái cớ để họ bị “ăn đòn”.
Theo nghiên cứu của TS Park, gần 73% phụ nữ bị bạo hành chọn cách tạm thời trốn khỏi những trận đòn roi của chồng bằng cách tới chỗ khác lánh nạn, ít nhất là trong một đêm để tìm kiếm sự bảo vệ.
Những nơi họ thường đến là nhà người quen, hàng xóm hoặc trốn ở phòng khác trong nhà.
“Có lần, tôi ở lại qua đêm tại nhà một người bạn đồng hương. Tối hôm đó, chồng tôi say rượu, cầm theo búa đến đòi đập phá nhà bạn tôi. Sau lần đó, gia đình chồng kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của tôi, việc ra ngoài càng trở nên khó khăn hơn”, cô gái tên Lý chia sẻ trong nghiên cứu của TS Park.
Trong số 22 phụ nữ tham gia khảo sát, chỉ có gần 32% dám phản ứng cứng rắn lại chồng và gia đình chồng bằng lời nói hoặc hành động. Tuy nhiên, lựa chọn này chỉ khiến tình hình trở nên xấu hơn và thường kết thúc bằng những trận đòn roi giáng lên họ.
Thay vào đó, khoảng hơn 18% cố gắng thương lượng với chồng hoặc gia đình chồng. Ví dụ, trong những lần “lánh nạn” tạm thời sang nhà người khác, 4 trong số 22 người phụ nữ được phỏng vấn chỉ đồng ý trở về nhà khi chồng họ hứa không bạo hành nữa.
“Chồng tôi đã xin lỗi, thuyết phục tôi xé đơn ly hôn và quay lại nhà. Anh ta hứa sẽ tôn trọng tôi và không bao giờ đánh tôi”, người phụ nữ tên Thúy chia sẻ.
Bên cạnh đó, số khác xin phụ cấp sinh hoạt hoặc đề nghị chồng đi đến trung tâm tư vấn hôn nhân.
Chỉ có số ít phụ nữ đàm phán được với chồng và gia đình chồng khi bị bạo hành. (Ảnh: Korea Herald). |
Gần 80% phụ nữ bị bạo hành cho biết họ đã chia sẻ hoàn cảnh của mình cho bạn bè, người thân hoặc hàng xóm và mong muốn nhận được sự an ủi, hỗ trợ về mặt cảm xúc như lời khuyên hay kêu gọi nguồn lực giúp đỡ.
Trong vài trường hợp, họ tìm đến các nhà môi giới hôn nhân, giáo viên dạy tiếng Hàn hay mục sư. Những nguồn trợ giúp này là cách nhanh và hiệu quả nhất mà họ có thể tìm đến để thoát khỏi tình cảnh tệ hại.
“Tôi không dám nghĩ là mình phải chạy trốn khỏi ngôi nhà đó. Nhưng những lần động tay chân của chồng tôi diễn ra ngày càng nhiều và tôi nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào. Khi người bạn Việt ở cùng khu phố hỏi tôi có chuyện gì xảy ra, tôi đã kể mọi chuyện cho cô ấy”, người phụ nữ tên Huyền nhớ lại.
Sau đó, người bạn này đã giúp Huyền liên lạc tới Trung tâm hỗ trợ người nhập cư để được hỗ trợ.
Tuy nhiên, không phải cô gái nào cũng may mắn như Huyền. Một số nhà môi giới chỉ khuyên những người phụ nữ bị bạo hành tiếp tục nhẫn nại chịu đựng và cho biết họ sẽ không thể được gặp con nếu ly dị chồng.
Phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn nếu muốn ly hôn. (Ảnh: Korea Herald). |
Bên cạnh đó, những cơ quan có thẩm quyền như Hội Phụ nữ hay cảnh sát cũng là nơi được nhiều nạn nhân của bạo hành gia đình tìm đến.
Sau khi xác minh hoàn cảnh, những người vợ ngoại quốc được đưa tới các trung tâm xã hội và học tiếng Hàn.
“Khi ở trung tâm, tâm trí tôi thoải mái hơn rất nhiều so với khi ở nhà chồng. Bên cạnh đó, tôi biết được có những chuyện bản thân không thể tự giải quyết nếu không nhờ đến các cơ quan thẩm quyền như các vấn đề liên quan đến quyền công dân, lưu trú và quyền nuôi con nếu ly hôn”, cô gái tên Oanh chia sẻ.
Đương nhiên, nhiều cô gái rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành đều muốn kết thúc cuộc “hôn nhân địa ngục” song đây không phải là chuyện dễ dàng. Chưa kể, họ có khả năng bị trục xuất nếu không chứng minh được nguyên nhân ly hôn là do bị chồng bạo hành.
Bà Kang Hye-sook, giám đốc Trung tâm nhân quyền phụ nữ di cư tại thành phố Daegu, nói với Korea Times: “Những người vợ nước ngoài khó thu thập bằng chứng bị bạo hành gia đình. Họ không sõi tiếng, không quen thuộc đường đi lối lại ở địa phương hay thậm chí không thể nhớ được bệnh viện nào mình đã đến điều trị để lấy kết quả. Các đồn cảnh sát địa phương thường thiếu phiên dịch viên để phục vụ việc lấy lời khai, những thứ rất quan trọng khi ra tòa xét xử”.
Tuy nhiên, kể cả khi ly hôn thành công, những cô dâu Việt cũng gặp khó khăn không kém nếu muốn ở lại Hàn Quốc. Nếu không có con với chồng cũ, cơ hội được ở lại là rất mong manh.
Theo Zing