|
Nhân viên cứu hỏa chữa cháy ở Ridgecrest hôm 5/7. (Ảnh: AP). |
"Sau rung chấn, mọi hoạt động của chúng tôi trở lại bình thường. Nhưng tôi vẫn lo sợ vì không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", Vũ Thị Hoàng Anh, một người Việt ở Santa Ana, California, Mỹ nói với VnExpress sau khi khu vực này hứng chịu liên tiếp hai trận động đất mạnh. Thành phố Santa Ana cùng với khu Little Sài Gòn ở Wesminter và Garden Grove nằm cách hai khu vực bị động đất cuối tuần qua từ 80km đến hơn 260km.
Trận động đất đầu tiên mạnh 6,4 độ diễn ra ở vùng sa mạc rộng lớn của thung lũng Searles ở San Bernardino vào hôm 4/7. Một ngày sau, khu Ridgecrest hứng chịu trận động đất mạnh 7,1 độ. Đây là hai trận động đất mạnh hơn 6 độ đầu tiên trong vòng 20 năm qua ở bang California. Vài giờ sau động đất ở Ridgecrest, các nhà khoa học ghi nhận hơn 600 dư chấn.
Chị Hoàng Anh cho biết khi động đất xảy ra, trụ sở công ty của chị rung lên khá mạnh vào tối 5/7 khiến mọi người đều hoảng hốt. Tuy nhiên, mọi người đều cố trấn tĩnh không chạy ra ngoài vì không thấy có chuông báo động. Trước đó, ngày 4/7, Hoàng Anh đang cùng gia đình đến bờ biển Huntington Beach xem diễu hành mừng Quốc khánh Mỹ thì thấy mặt đất rùng lên như có xe tăng chạy qua.
"Trong hai ngày liên tiếp, tôi lần đầu tiên biết đến dư chấn động đất. Tôi cũng khá hoảng nhưng thấy mọi người xung quanh bình tĩnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nên cũng đỡ lo hơn", Hoàng Anh nói, cho biết thêm mình mới đến Mỹ định cư được 4 năm.
Ở nhà, ông xã Hoàng Anh kiểm tra tất cả các thiết bị dùng gas để tránh bị rò rỉ và cháy nổ. Hầu hết các ngôi nhà và công trình ở California đều được xây thấp tầng để tránh thiệt hại do động đất.
Tại thành phố Del Mar, cách tâm chấn động đất Rigdecrest hơn ba tiếng lái xe, Derek Phạm, người sáng lập kiêm phóng viên kênh tin tức tiếng Việt "Nửa vòng Trái đất TV", cho biết anh có thể cảm nhận được rung lắc nhẹ trong khoảng 10 giây.
"Dù không có thiệt hại gì nhưng hầu như ai cũng hoang mang khi có tới hai trận động đất lớn xảy ra hai ngày liên tiếp", Derek nói. Nhiều người bạn của anh ở Little Saigon, nơi có rất đông người Việt sinh sống và cách Rigdecrest hai tiếng lái xe, cũng cảm nhận được rung lắc.
Derek cho hay người dân California đều biết Ridgecrest là "thủ đô của động đất thế giới" bởi nơi này thường xuyên xảy ra các cơn địa chấn, tuy nhiên cường độ các trận động đất hầu như rất thấp nên không gây thương vong và thiệt hại gì cho người dân.
"Trận động đất lần này mạnh 7,1 độ nhưng xảy ra ở vùng sa mạc, ít dân cư nên thiệt hại không quá lớn", anh nói thêm.
Ở thành phố San Diego, cách Ridgecrest khoảng ba tiếng lái xe, Minh Phượng, chủ một tiệm nail, đang tưới cây ngoài vườn khi xảy ra động đất.
"Chồng tôi ở trong nhà đã hỏi rằng sao hôm nay tôi tưới cây mạnh thế, cứ như tưới cả vào tường nhà. Tối đến, cả nhà xem TV mới biết có động đất lớn ở thành phố Ridgecrest. Sáng hôm sau, ai cũng bàn tán về hai trận động đất lớn ở California", bà Phượng kể.
Một số khách còn chia sẻ với bà Phượng ý định mua thêm bảo hiểm động đất cho nhà của họ. Theo luật California, người dân không bắt buộc phải mua bảo hiểm động đất có giá khoảng 3.000 USD một năm.
Hôm 6/7, Thống đốc bang California Gavin Newsom tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn bang và đề nghị người dân cảnh giác với những trận động đất mới. Ông Newson cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp để sử dụng ngân sách liên bang hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Các chuyên gia cảnh báo miền Nam California có thể hứng chịu thêm nhiều trận động đất lớn hơn trong tương lai gần.
Khoảng 3.000 người ở Ridgecrest bị cắt điện, nhiều người chọn ngủ ngoài đường vì lo sợ. Hiện chưa có báo cáo thiệt hại về người. Lực lượng cứu hộ ở bang California, Mỹ đang đánh giá thiệt hại các tòa nhà bị hư hỏng, hỏa hoạn, các tuyến đường nứt vỡ, nước và đường ống khí đốt rò rỉ.
Theo Hoàng Anh, trong những ngày này, chị luôn chuẩn bị gói thực phẩm dành cho trường hợp khẩn cấp. Mọi người trong gia đình cũng nhắc nhở nhau về các kỹ năng ứng phó như nấp dưới gầm bàn, chạy ra khỏi nhà nếu có động đất. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ cảnh báo về tình trạng mất điện.
"Các thông tin về thiên tai được gửi đến người bằng tin nhắn, trên biển chỉ dẫn giao thông, trên radio, truyền hình rất nhanh. Vì thế tôi cũng bớt lo lắng hơn", Hoàng Anh nói.
Theo VNE