Chính sách quyền lợi của người dân Thủ Thiêm sắp được trình HĐND TP

Thứ hai, 08/07/2019, 14:11
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân Thủ Thiêm sẽ được trình HĐND TP trong thời gian tới.

Ngày 8/7, Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết sắp tới, TP.HCM sẽ trình HĐND thông qua chính sách liên quan tới quyền lợi của những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

"Trong lúc chờ Trung ương kết luận về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM đã tiếp xúc người dân, xây dựng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, sắp tới sẽ trình HĐND TP thông qua", Bí thư Nhân thông tin.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ quan ngại với tình trạng vi phạm xây dựng kéo dài. Trong 6 tháng đầu năm 2019, TP phát hiện hơn 1.600 trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó có 616 trường hợp là xây dựng không phép.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các quận, huyện có cần gấp rút chấn chỉnh tình trạng trên trong tháng 7/2019.

"Ở đâu có Đảng, ở đó cần có trật tự xây dựng", người đứng đầu Thành ủy TP.HCM khẳng định.

Ngày 7/9/2018, Thanh tra Chính phủ có kết luận việc UBND TP.HCM quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án tại Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. UBND TP cần rà soát những trường hợp dân khiếu nại, đặc biệt các trường hợp nằm trong khu vực 4,3ha.

Ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.

Những sai phạm chính được Thanh tra Chính phủ chỉ ra gồm: Toàn bộ quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 221,68ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, UBND TP.HCM đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư mà không qua đấu thầu.

Điều này vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai. Với dự án BT 4 tuyến đường chính, TP.HCM chỉ định Công ty cổ phần Đại Quang Minh làm nhà đầu tư khi chưa lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm, chưa đánh giá năng lực tài chính… là sai quy định.

UBND TP đã phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là hơn 12.000 tỷ cho dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan. Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ.

Từ hàng loạt sai phạm được chỉ ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ và UBND TP.HCM chấn chỉnh việc quản lý và cơ chế chính sách.

UBND TP.HCM phải thu hồi và hoàn trả ngay 26.300 tỷ đồng đã tạm ứng không đúng quy định từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến ngày 30/9/2018. Bên cạnh đó, TP sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm là hơn 4.200 tỷ.

Theo kết luận thanh tra, việc UBND TP.HCM và các sở, ngành lấy mức 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định.

Theo báo cáo của UBND TP về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết quả thanh tra, tổng chi phí phải trả là hơn 83.300 tỷ (gồm hơn 72.800 tỷ chi phí đầu tư và hơn 10.500 tỷ lãi tiền tạm ứng từ ngân sách). Tổng thu dự kiến đến hiện nay là hơn 74.600 tỷ. Như vậy, việc đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng hơn 8.700 tỷ.

Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra này.

“Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản Nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Zing

Các tin cũ hơn