Từ bệnh viện tỉnh Jeolla Nam, cô gái L.G. (sinh năm 1989, quê gốc Ninh Thuận) vẫn còn bàng hoàng với những gì xảy ra sau trận đánh đập tàn nhẫn của người chồng Hàn. Người vợ trẻ mới sang Hàn Quốc với chồng từ ngày 16/6 và đã bị đánh đập tàn nhẫn tới hai lần.
“Lần đầu em chịu đựng nhưng lần này nặng quá nên báo cảnh sát”, cô gái kể với PV.
“Em bị nứt xương sườn và gãy ngón tay. Lúc đầu anh ta bảo em lấy cái gì đó mà em không hiểu. Em đi lấy nhầm thì anh ta bắt đầu tát tai em rồi đánh đập liên tục”.
“Sau đó mới từ từ đánh vừa lôi chuyện này nọ ra nói rồi đánh đập tiếp. Chuyện trong clip là một phần nhỏ xíu nên mọi người nghe cứ tưởng là do em không nghe lời nên bị đánh”, chị G. chia sẻ.
“Thực tế thì không phải vậy. Anh ta đánh em trong phòng ăn cả tiếng rồi”.
Cảnh sát tại Yeongam, tỉnh Jeolla Nam, quyết định tạm giam 8 ngày đối với người chồng sau khi clip nghi phạm đánh vợ bị phát tán trên mạng. Giới chức cho biết nạn nhân phải nhập viện 4 tuần để điều trị gãy xương sườn và nhiều chấn thương nghiêm trọng.
Tường trình vụ án cho thấy nghi phạm đấm, đá và đập cả chai rượu soju vào người vợ mình.
Vụ việc xảy ra ngay trước mặt đứa con 2 tuổi của hai vợ chồng. Trong đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội Hàn Quốc, đứa trẻ liên tục gào khóc gọi mẹ, sau đó bỏ chạy khỏi phòng.
Chị G. kể đã quen chồng từ tháng 12/2014 khi cả hai đang làm công nhân một nhà máy đóng tàu. Người chồng lúc đó đang làm thủ tục ly dị với người vợ cũ (người Hàn). Lúc được anh này giới thiệu với gia đình, cả anh trai và mẹ ruột anh đều không nói mà giấu chị. Quen một thời gian, chị thấy anh này tính tình nóng nảy, vũ phu nên đã muốn chia tay nhiều lần. Chị đã từng tìm cách chuyển chỗ làm và chỗ ở nhưng anh này vẫn tìm tới và đe dọa chị.
“Anh ta kêu thợ mở khóa đến nhà mở cửa rồi xông vào đánh và đe dọa em. Nên từ đó em mới chấp nhận quen. Sau đó, khi có bầu, em nói anh ta thì anh ta bảo bỏ đi. Em không chịu nên em bỏ về Việt Nam và nuôi mà không cần anh ta”, G. nói.
Cảnh sát cho biết nghi phạm vụ bạo hành tại Yeongam say xỉn và đánh đập vợ mình trước mặt đứa con trai 2 tuổi. (Ảnh: Korea Times). |
Năm 2016, khi có bầu 4 tháng, chị quyết định về Việt Nam và chấm dứt liên hệ với anh này. “Một năm trời em với anh ta không liên lạc gì”.
Đến khi chị G. sinh con thì người chồng liên lạc, nói đã ly hôn rồi. “Anh ta nói ngày nào cũng ăn cơm một mình, vừa nói vừa buồn nên em thấy tội. Anh ta cũng hứa không uống rượu, không đánh em nữa nên em mới tin”.
Sau lời hứa đó, chị G. mới chấp nhận qua Hàn để làm giấy tờ. Vì người chồng không có đủ tài chính, gia đình chị G đã phải vay 100 triệu để làm giấy, người chồng hứa sẽ dành dụm để trả khoản tiền này. Tới tháng 3, hai người mới chính thức xong thủ tục giấy tờ kết hôn. Ngày 16/6 vừa rồi, chị với cùng con bay sang Hàn để sống chính thức với chồng.
“Vậy mà qua được bao nhiêu ngày đâu mà lại xảy ra chuyện này. Gia đình em phải gánh nợ đó”, cô gái kể. “Mẹ em khóc lo cho em với con nhiều lắm”.
“Chồng em ngày xưa tập đấm bốc nên anh ta đánh em như bao cát vậy. Mỗi lần anh ta đánh em thì em đều chịu chứ phản ứng thì chắc không toàn mạng rồi”.
Theo chị G, trước giờ bạn bè chị lấy chồng bị đánh nhiều nhưng rất ít người báo cảnh sát phần vì ngoại ngữ kém, phần vì lo ngại cảnh sát chỉ bênh người Hàn.
“Bạn bè em họ toàn nhịn cho qua chuyện… Em quay được cảnh đánh đập nên mọi chuyện mới rùm beng thế này”, cô gái nói. Cô chia sẻ cũng không muốn chuyện rùm beng vì không muốn mẹ cô và người thân ở nhà buồn. Chị G. nói cố gắng chữa bệnh xong sẽ tới ở trung tâm cách ly bên ngoài rồi chờ cho xong giấy tờ.
“Nếu mẹ con ở lại thì em sẽ đi làm để nuôi con, cho bé đi học và điều trị bệnh”, cô gái kể về việc đứa con hai tuổi mắc trầm cảm từ nhỏ.
"Không riêng vụ này, cảnh sát Hàn Quốc rất coi nhẹ các vụ bạo lực gia đình. Họ luôn cho rằng chưa có vấn đề nghiêm trọng khi nhận khai báo", bà Lê Thị Anh Thư, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, nói với PV.
"May mắn là nạn nhân quay được clip", bà nói.
Tháng 10/2018, một cuộc tranh cãi nổ ra trong dư luận Hàn Quốc về cách cảnh sát phản ứng lại các lời trình báo về bạo lực gia đình. Một người đàn ông đã đâm vợ cũ đến chết sau khi ly hôn 4 năm, và 3 con gái của họ đã khởi xướng một kiến nghị thư trên mạng yêu cầu trừng phạt bố mình.
Nhiều nhóm hoạt động vì quyền lợi phụ nữ nói rằng cái chết của người mẹ có thể được ngăn chặn nếu như chính phủ Hàn Quốc làm tốt hơn công việc ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình. Theo một báo cáo của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Loại bỏ Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (CEDAW), gần 45% trong số 16.868 vụ việc "bảo vệ gia đình" ở Hàn Quốc trong năm 2015 không dẫn tới sự xử lý hình sự.
"Bảo vệ gia đình" là các vụ bạo lực gia đình có sự can thiệp của nhà nước, với biện pháp xử lý từ giáo dục người bạo hành đến tạm giữ nghi phạm.
Phụ nữ Việt Nam trong một lớp học tiếng Hàn dành cho các cô dâu nước ngoài tại Seoul vào năm 2008. (Ảnh: Reuters). |
Korea Herald dẫn số liệu của cảnh sát cho biết trong hơn 16.000 ca bạo lực gia đình được trình báo vào năm 2017, cảnh sát chỉ bắt giữ nghi phạm trong 1% số vụ đó. Ngoài ra, 35% người bạo hành thoát khỏi truy tố hình sự, và chỉ phải tham gia các chương trình giáo dục.
Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ tại Hàn Quốc đang kêu gọi sửa đổi Đạo luật về Các trường hợp Đặc biệt liên quan đến Trừng phạt Bạo lực Gia đình. Điều 1 của đạo luật nói rằng mục đích chính của nó là "duy trì và khôi phục gia đình", và thường được hiểu là việc ly hôn chỉ là lựa chọn cuối cùng để giải quyết các vụ bạo lực gia đình.
Những người chỉ trích nói rằng Điều 1 này thường ép nạn nhân phải "tha thứ" và "hòa giải" với người bạo hành mình thay vì cắt đứt quan hệ với họ.
"Ủy ban quan ngại việc quy trình hòa giải là bắt buộc ngay cả khi vụ ly hôn là bởi bạo lực gia đình, và ý thức hệ về việc bảo vệ toàn vẹn gia đình trao quyền pháp lý và cả quyền giữ con cho người cha bạo hành", ủy ban của Liên Hợp Quốc tuyên bố trong báo cáo vào tháng 3/2018.
Ủy ban kiến nghị chính phủ Hàn Quốc ngăn cấm việc sử dụng biện pháp hòa giải với các vụ việc bạo lực gia đình, ngăn trì hoãn việc truy tố các trường hợp "bảo vệ gia đình", đảm bảo người bạo hành phải bị trừng trị.
Ngoài ra, các nạn nhân nữ trong những vụ bạo hành gia đình, đặc biệt là bạo lực tình dục, còn thường phải đối mặt với chỉ trích và làm nhục từ gia đình.
Theo Zing