Iran thề đáp trả vụ Anh bắt “siêu tàu” chở dầu

Thứ hai, 08/07/2019, 17:10
Bộ trưởng Quốc phòng Iran xem việc Anh bắt tàu dầu là hành vi cướp biển và Tehran sẽ không bỏ qua.

"Siêu tàu" chở dầu Grace 1 ngoài khơi Gibraltar hôm 6/7. (Ảnh: AFP).

"Chúng ta sẽ không tha thứ vụ bắt tàu dầu và sẽ không bỏ qua chuyện này mà không có động thái đáp trả. Động thái này trái với quy định quốc tế và là một loại hành vi cướp biển", Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami hôm nay phát biểu tại một buổi lễ ở cảng Bandar Abbas, miền Nam nước này.

"Siêu tàu" chở dầu Grace 1 dài 330m với tải trọng hơn 300.000 tấn, có thể chở hai triệu thùng dầu, bị cảnh sát và hải quan Gibraltar bắt sáng sớm 4/7 dưới sự hỗ trợ của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh. Gibraltar là một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở mũi phía Nam của Tây Ban Nha.

Grace 1 treo cờ Panama, do công ty IShips Management, có trụ sở tại Singapore, quản lý. 28 thuyền viên trên tàu chủ yếu là người Ấn Độ và một số người Pakistan, Ukraine. Iran xác nhận sở hữu số dầu trên con tàu treo cờ Panama nhưng khẳng định tàu của họ đang chở dầu thô tới cảng Basra của Iraq.

Trong khi đó, nhà chức trách ở Gibraltar cáo buộc tàu Grace 1 vận chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu Banyas ở Syria, vốn đang chịu lệnh trừng phạt của EU. Iran phủ nhận điều này và tuyên bố tàu đã bị chặn ở vùng biển quốc tế.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton gọi việc Anh bắt tàu dầu Grace 1 là "tin tuyệt vời" và cho biết Mỹ sẽ cùng các đồng minh "tiếp tục ngăn chặn chính quyền Tehran và Damascus thu lợi từ các hoạt động buôn bán bất hợp pháp này".

Tòa án tối cao Gibraltar hôm 5/7 phán quyết tàu chở dầu có thể bị giữ thêm 14 ngày dựa trên Quy định của Liên minh châu Âu (EU) về lệnh cấm vận đối với Syria. Mohsen Rezai, chỉ huy cấp cao của Vệ binh Cách mạng Iran, cảnh báo nếu Anh không thả Grace 1, Tehran sẽ bắt tàu dầu của London.

Việc bắt tàu dầu xảy ra vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ Iran - EU khi khối này đang tìm cách đối phó việc Tehran phá bỏ giới hạn làm giàu uranium mà nước này đã cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Anh, Đức và EU hôm 7/7 kêu gọi Iran không làm giàu uranium vượt mức cho phép đồng thời cho biết đang liên lạc với những bên tham gia Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) để xác định cần làm gì tiếp theo để ngăn chặn Tehran.

Theo VNE

Các tin cũ hơn