Chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump đang mềm mỏng lại

Thứ hai, 08/07/2019, 15:12
Mặc dù cách tiếp cận cứng rắn đã trở thành biểu tượng của chính quyền Trump, nhưng Tổng thống Mỹ được cho là rất mềm mỏng khi gặp riêng các nhà lãnh đạo thế giới.

Khi Tổng thống Donald Trump bước vào cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng trước, nhiều ánh mắt hướng về một cách tiếp cận cứng rắn trong đàm phán thương mại, gây áp ực khiến Trung Quốc phải chấp thuận một thỏa thuận sâu rộng.

Tuy nhiên, cuộc gặp đã kết thúc mà không có một thỏa thuận thuận nào, thay vì cứng rắn, người ta lại thấy một ông Trump mềm mỏng hơn khi tuyên bố sẽ nới lỏng các giới hạn kinh doanh cho gã khổng lồ viễn thông Huawei. Đồng thời, ông tạm hoãn các biện pháp thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc, với hy vọng bắt đầu lại các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp bên lề tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka hôm 29/6, hai bên đồng ý quay trở lại bàn đàm phán. (Ảnh: AFP).

"Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều vấn đề, và chúng tôi đã trở lại quỹ đạo. Chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra", ông Trump phát biểu sau cuộc gặp.

Nói nhiều, hiệu quả ít

Các cuộc họp của ông Trump với ông Tập và với các nhà lãnh đạo thế giới khác ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 cho thấy mặc dù Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng các mối quan hệ cá nhân và hiểu biết về đàm phán để đạt được những nhượng bộ từ đối thủ hoặc các đồng minh không chịu hợp tác, ông Trump thường bước ra khỏi cuộc gặp mà không có một thỏa thuận chắc chắn nào trong tay.

Ông Trump rời cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không có cam kết công khai cụ thể nào, mặc dù cả hai quốc gia trước đó đã thống nhất các nguyên tắc để xây dựng một hiệp ước mới về kiểm soát vũ khí. Bất chấp lo ngại của Washington về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ của Nga, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết ông Trump nói với ông rằng Mỹ sẽ không trừng phạt Ankara vì quyết định này.

Và trong khi ông Kim Jong Un trở về nước với một chiến thắng về mặt tuyên truyền sau cuộc gặp ngắn ngủi với ông Trump ở Khu Phi quân sự, Tổng thống Mỹ không đạt được gì thêm ngoài việc đảm bảo nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân mà cho đến nay không mang lại đột phá.

"Trong trường hợp của Putin, Erdogan và những người khác, tôi không thấy ông Trump gây sức ép đủ mạnh. Ông ấy gây sức ép mạnh hơn với đồng minh hơn là với đối thủ", ông Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) - một tổ chức nghiên cứu về chính sách ngoại giao tại New York, nhận định. "Trong một số trường hợp khác, thậm chí là Triều Tiên hay Iran, không rõ là liệu có sự sẵn sàng để làm theo những hăm dọa hay không", ông Haass cho biết.

Ông Trump và các trợ lý từng phê bình hệ thống các cuộc đối thoại ngoại giao trước đây, coi đó là một diễn đàn cho các nhà lãnh đạo nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, để đưa ra những lời hứa phóng khoáng mà không làm theo.

Tổng thống cũng bác bỏ những chỉ trích cho rằng ông không thực hiện được các thỏa thuận lớn, cho rằng sự kiên nhẫn và việc xây dựng các mối quan hệ của ông sẽ mang lại lợi ích cho đất nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Khu vực An ninh Chung ở Khu Phi quân sự (DMZ) hôm 30/6. (Ảnh: AFP).

"Thật là tuyệt vời khi gặp Chủ tịch Kim Jong Un của Triều Tiên hồi cuối tuần. Chúng tôi đã có một cuộc gặp tuyệt vời, ngài ấy trông thật sự rất tốt và khỏe mạnh - Tôi mong được gặp lại ngài ấy sớm. Cùng thời điểm đó, các đội ngũ của chúng tôi sẽ họp để tìm ra giải pháp cho các vấn đề rất dài hạn và cố chấp. Không cần vội vàng, nhưng tôi chắc chắn cuối cùng chúng ta cũng sẽ làm được điều đó!", ông Trump đăng dòng tweet sau cuộc gặp.

Trung Quốc - bài kiểm tra của ông Trump

Cách tiếp cận của ông Trump với Trung Quốc dường như là bài kiểm tra lớn nhất cho khả năng đàm phán của Tổng thống Mỹ, nhưng những gì diễn ra trong cuộc gặp song phương bên lề hội nghị G20 diễn ra lại thể hiện một sự pha trộn của hô hào cứng rắn, những lời đường mật và sự nhượng bộ - những thứ đánh dấu nhiệm kỳ Tổng thống của ông cho đến lúc này.

Sau nhiều tuần gia tăng căng thẳng và đe dọa tiếp tục tăng thuế nếu cuộc gặp không đạt được kết quả như mong đợi, ông Trump có vẻ như đã từ bỏ cách tiếp cận cứng rắn của mình trong cuộc gặp.

Mục tiêu là nối lại các cuộc đàm phán thương mại đang bế tắc. Những đàm phán này bắt đầu từ tháng 12/2018 tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires. Tại đó, ông Trump đồng ý hoãn tăng thuế tiếp trong vòng 90 ngày trong khi chờ đợi các nhà ngoại giao hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại.

Tuy nhiên, khi thời hạn 1/3 trôi qua mà vẫn không có thỏa thuận nào được đưa ra, ông Trump một lần nữa hoãn lại các biện pháp thuế quan từng đe dọa trước đó, đặt cược vào việc đàm phán bổ sung.

Quá trình đàm phán này sụp đổ vào đầu tháng 5, sau khi các quan chức Mỹ cho rằng chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ những điều khoản mà họ đã chấp nhận trước đó.

Tức giận, ông Trump phản ứng bằng cách tăng gấp đôi thuế quan với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Vài ngày sau đó, Bộ Thương Mại Mỹ đưa Huawei - gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc - vào danh sách đen, cấm các nhà cung cấp Mỹ bán chip và các linh kiện khác cho công ty này.

Trong những tuần trước G20, Tổng thống Mỹ khẳng định Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ. "Trung Quốc sẽ muốn đạt được thỏa thuận vì họ sẽ phải đạt được một thỏa thuận", ông Trump nói với các phóng viên vào ngày 10/6, nhắc tới nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.

Khung cảnh cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka. Con gái kiêm cố vấn của ông Trump là Ivanka cũng có mặt trong cuộc họp này. (Ảnh: New York Times).

Thế nhưng, khi gặp ông Tập hôm 29/6, Tổng thống Mỹ ca ngợi chủ tịch Trung Quốc là "một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất 200 năm qua". Hai nguyên thủ đồng ý quay lại đàm phán, nhưng không giải quyết được mâu thuẫn lớn nào. Sau đó, ông Trump cho biết "quá trình đàm phán đã bắt đầu", nhưng không rõ ý của ông là gì.

Tổng thống Mỹ cũng chấp nhận một nhượng bộ lớn khi cho phép Huawei tiếp tục mua linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ. Ông Trump cho biết để đổi lại, Trung Quốc đã đồng ý về việc thu mua trở lại các nông sản của Mỹ ngay lập tức, nhưng chính phủ Trung Quốc chưa xác nhận kế hoạch này.

"Đặt lên bàn cân, Trung Quốc có được nhiều thứ từ Osaka hơn là Mỹ. Tổng thống đồng ý không tăng thuế với lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD và giúp Trung Quốc linh hoạt hơn trong vấn đề Huawei", bà Wendy Cutler, nhà đám phán thương mại kỳ cựu của Mỹ, cho biết.

Đảng Cộng hòa không hài lòng

Ông Daniel Drezner, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Tufts, cho rằng những giao tiếp giữa ông Trump với ông Tập tuân theo một quy luật.

"Khi đối phương giữ vững lập trường, ông ấy sẽ bớt giọng sau những đe dọa mạnh mẽ và nói rằng 'Tôi không vội'. Ông ấy muốn tạo cảm giác rằng mình vẫn đang kiểm soát", ông Drezner nhận định.

Quyết định của ông Trump về Huawei mang tới những rủi ro chính trị nhất định, với một đảng Cộng hòa mặc dù rất ủng hộ Tổng thống nhưng hiếm khi đồng ý với các chiến lược ngoại giao của ông.

Nhiều nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa - mặc dù không hài lòng về lập trường bảo hộ thương mại của ông Trump nhưng lại rất ủng hộ những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc mà Tổng thống thể hiện, họ cho thấy sự thất vọng với động thái mới nhất của ông.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn (bang Tennessee) đăng dòng tweet: "Chúng ta cần ít Huawei hơn, chứ không phải nhiều Huawei hơn". Bình luận của bà Blackburn cũng tương đồng với một số nghị sĩ Cộng hòa khác như Rick Scott và Jim Banks. Ông Banks (bang Indiana) gọi tin tức này là "vô cùng phiền muộn" và tự hỏi tại sao ông Trump lại "đầu hàng".

"Tôi không hiểu tại sao vì chúng ta đang coi vấn đề này như một mối đe dọa an ninh quốc gia, và vì thế chúng ta không cần phải đàm phán với họ, vậy thôi", ông Banks cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Nghị sĩ này cũng cho biết những người không đồng ý với ông Trump về cách xử lý vấn đề Huawei sẽ không dừng lại, và sẽ tìm cách đưa ra một dự luật mới từ Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Banks cũng nhìn thấy những mặt tích cực từ cuộc đàm phán mới nhất của ông Trump. "Tôi mừng vì thấy ông ấy trở lại bàn đàm phán với Trung Quốc, điều đó sẽ rất quan trọng với các nông dân ở phía Đông Bắc Indiana, và nó hoàn toàn cần thiết cho nền kinh tế ở quận của tôi phát triển. Ông ấy sẽ được đánh giá bằng điều đó và bằng thỏa thuận mà ông ấy đàm phán với ông Tập", ông Banks chia sẻ.

Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa trong đó có ông Marco Rubio cho rằng Quốc hội sẽ đưa ra dự luật để hạn chế hoạt động của Huawei nếu chính quyền Trump rút lại những hạn chế này. (Ảnh: Reuters).

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, một đồng minh của ông Trump từ bang Florida, đã cảnh báo chính quyền Trump về việc nếu Tổng thống nhượng bộ những hạn chế gần đây với Huawei trong quá trình đàm phán, các nghị sĩ sẽ tìm cách đưa những hạn chế đó trở lại bằng một dự luật từ Quốc hội. Ông Rubio cũng khẳng định dự luật sẽ được thông qua với đa số tới mức có thể chống phủ quyết (của Tổng thống).

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, đã tìm cách trấn an những người Cộng hòa. Phát biểu trên chương trình Face the Nation của kênh CBS, ông Kudlow cho biết chính quyền Trump hiểu rõ những nguy cơ an ninh liên quan đến Huawei.

Khoảng cách giữa hùng biện và thực tế

Cách tiếp cận của ông Trump với Trung Quốc hoàn toàn khác biệt so với những người tiền nhiệm, phản ánh những lợi ích cá nhân của ông trong thương mại và sự sẵn sàng trong việc bỏ qua các quy ước.

Ông Warren Maruyama, cựu cố vấn tại văn phòng đại diện thương mại Mỹ, nhận định: "Cách làm việc của chính quyền Trump là một phong cách từ trên xuống. Hầu như không có quy trình liên ngành nào về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề thương mại lớn nào khác. Tất cả quyết định lớn đều được đưa ra ở văn phòng Tổng thống cùng một số ít những cố vấn chủ chốt".

Ông Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Obama, cho rằng chính sách ngoại giao của ông Trump với ông Tập cho thấy khoảng cách rộng lớn giữa hùng biện và tính chất sân khấu của việc thực hiện chính sách đối ngoại, so với thực tế.

"Tổng thống có vẻ như đặt cược rất nhiều vào quan hệ cá nhân và có một niềm tin rằng các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ bị thu hút bởi chính sách gây cảm tình nhưng thật sự thì không phải vậy. Đến cuối ngày, một cuộc thảo luận như thế này sẽ phụ thuộc vào đánh giá của mỗi bên về lợi ích quốc gia", ông Donilon cho biết.

Ông Haass, chủ tịch CFR, cho rằng cách tiếp cận độc đáo của ông Trump cũng mang lại những tiến bộ nhất định, khi những quan chức Mexico gần đây đã đồng ý làm nhiều hơn để giúp giảm dòng người di cư đến biên giới với Mỹ.

"Nhưng điều đó đến với một cái giá cao. Bạn có thể nói đó là lợi ích trong ngắn hạn nhưng là nỗi đau trong dài hạn với Mỹ. Nó khiến bạn bè xa lánh và khía cạnh thu hút công chúng của cách tiếp cận này sẽ khiến những người khác gặp khó khăn hơn để thỏa hiệp", ông Haass nhận định.

Theo Zing

Các tin cũ hơn