Trong bối cảnh cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump đang nóng lên từng ngày, câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc hơn cả là liệu nó sẽ kết thúc như thế nào. Hiện không ai biết chắc chắn kết cục nhưng một số kịch bản đã được đưa ra.
Đầu tiên, Trump có thể không bị luận tội. Hạ viện đến giờ chưa bỏ phiếu luận tội ông. Thay vào đó, những người ôn hòa tại Hạ viện chỉ ủng hộ việc khởi động một "cuộc điều tra luận tội" chứ không phải luận tội Trump. Dù cuộc điều tra luận tội đang dần nhận được sự ủng hộ từ công chúng, nó vẫn chưa chạm tới ngưỡng chiếm đa số trong các cuộc khảo sát và tỷ lệ phản đối Trump vẫn chỉ ở mức trên 50%, chưa biến động quá đáng kể.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi lễ ký kết văn kiện tại Nhà Trắng ngày 7/10. (Ảnh: Reuters). |
Khi không bị luận tội, Trump sẽ có cớ để thúc đẩy nhận thức rằng ông là nạn nhân của một chiến dịch bôi xấu do đảng Dân chủ phát động. Từ đây, tiếng nói của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff hay Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ mất đi sức nặng.
Thất bại trong việc luận tội tiềm ẩn nguy cơ tạo nên những làn sóng giận dữ bên trong đảng Dân chủ và gây ra một cuộc đấu tranh nội bộ. Cơ hội chiến thắng cho các ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 cũng vì thế mà hẹp lại bởi uy tín của đảng bị tổn hại.
Đây rõ ràng không phải một kịch bản hấp dẫn với phe Dân chủ nhưng cho đến khi một cuộc bỏ phiếu luận tội diễn ra, nó chắc chắn chưa thể bị loại bỏ.
Kịch bản thứ hai được nghĩ tới là viễn cảnh Trump bị ép phải từ chức. Richard Nixon là Tổng thống Mỹ duy nhất buộc phải từ chức vì scandal, nhưng ông không phải một trong hai Tổng thống bị Hạ viện luận tội.
Thay vào đó, một nhóm các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội, bao gồm cả lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện và Hạ viện cùng tiếng nói bảo thủ tiêu biểu Barry Goldwater, đã tới Nhà Trắng, nói với Nixon rằng sự ủng hộ của ông ở Quốc hội đã bốc hơi. Các lãnh đạo của đảng Cộng hòa và phong trào bảo thủ lúc bấy giờ đang tìm cách bảo vệ lợi ích lâu dài của chính mình và không muốn chìm theo con thuyền Nixon. Đối diện với thực tế, Nixon chọn từ chức.
Thỏa thuận ngầm này phù hợp với tất cả các bên liên quan. Nixon được miễn tội trong vụ Watergate, bê bối bị phanh phui sau khi 5 kẻ đột nhập vào trụ sở quốc gia đảng Dân chủ trong khu phức hợp khách sạn nhà ở Watergate ngày 17/6/1972 bị bắt. Ông sau đấy nhanh chóng lấy lại được hình ảnh của một chính trị gia. Năm 1980, Ronald Reagan trở thành Tổng thống, củng cố tầm kiểm soát của phong trào bảo thủ đối với đảng Cộng hòa và mở ra một thời kỳ dài tư tưởng bảo thủ chiếm lĩnh chính trường Mỹ.
Nixon là một người khôn ngoan và luôn để tâm tới những thứ như tương lai lâu dài của chính trị bảo thủ và vị thế cá nhân của ông trong xã hội thượng lưu. Không rõ Trump có chia sẻ tầm nhìn với cựu Tổng thống Nixon không và bối cảnh chính trị hiện nay cũng rất khác so với cách đây 45 năm.
Tuy nhiên, khả năng Trump chọn từ chức vẫn có thể xảy ra nếu cuộc điều tra luận tội tiếp tục phơi bày những bằng chứng gây sốc khiến giới tinh hoa đảng Cộng hòa buộc phải ra tay.
Về lý thuyết, Thượng viện với phe Cộng hòa chiếm đa số có thể quyết định kết quả cuộc điều tra luận tội bằng một cuộc bỏ phiếu mà kết quả chắc chắn nghiêng về phía Trump. Nếu đúng như vậy, Trump sẽ tiếp tục là Tổng thống và phe Dân chủ nhiều khả năng rơi vào một cuộc đấu đá nội bộ trước câu hỏi liệu kết quá có khác đi không nếu lãnh đạo đảng theo đuổi cách tiếp cận chiến thuật khác.
Cũng tồn tại một kịch bản là những tiết lộ về cuộc điện đàm giữa Trump và Tổng thống Ukraine ngày 25/7 hay các phát hiện mới về những cuộc thảo luận giữa Trump với các lãnh đạo thế giới khác sẽ đưa hệ thống chính trị Mỹ trở lại thời điểm mùa Đông năm 2015 - 2016.
Khi đó, Trump nổi tiếng đối với các cử tri Cộng hòa ở những vòng bầu cử sơ bộ nhưng không áp đảo. Hàng loạt thành viên đảng Cộng hòa (bao gồm cả những người như Lindsey Graham và Rick Perry, hiện là người ủng hộ trung thành của Trump) đã lên tiếng chỉ trích ông. Hầu hết những nhà quyên góp cho đảng Cộng hòa và lãnh đạo các tổ chức liên minh với đảng Cộng hòa đều cho rằng việc Trump được đề cử sẽ dẫn tới bất ổn chính trị. Truyền thông bảo thủ ủng hộ ông ít hơn nhiều so với hiện nay.
Trong hoàn cảnh như vâky, Trump sẽ vẫn giữ vững được lượng ủng hộ cần thiết nhưng sẽ không được lòng công chúng đến mức phải chịu sự đào thải của các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, dẫn tới việc ông phải rời Nhà Trắng.
Cơ hội viễn cảnh trên thành hiện thực tương đối hiếm hoi. Phe Cộng hòa có thể không thích Trump và không thích việc ông làm nhưng về cơ bản, ông vẫn thực hiện gần như tất cả các ưu tiên chính của họ, vì vậy, họ khó có thể quay lưng với Trump. Trong trường hợp nổ ra một cuộc đảo chính bên trong đảng Cộng hòa, Trump vẫn có khả năng quay lại tranh cử Tổng thống một lần nữa. Nhưng Thượng viện cũng có thẩm quyền lập hiến để chặn đứng việc một Tổng thống bị luận tội tái tranh cử.
Theo VNE