Mỹ muốn cố thủ kiểu "Pháo đài Apache" ở Syria để giữ mỏ dầu

Thứ ba, 22/10/2019, 17:30
Tổng thống Mỹ cân nhắc duy trì một lực lượng nhỏ quân đội tiếp tục ở lại vùng Đông Bắc Syria bảo vệ các mỏ dầu, gợi ý công ty Mỹ sẽ hỗ trợ người Kurd khai thác và xuất khẩu.

"Tôi luôn nhấn mạnh nếu chúng ta đến đó thì phải giữ được dầu. Chúng ta sẽ thảo luận với người Kurd để họ kiếm thêm được một khoản tiền. Có thể một trong những công ty dầu mỏ lớn của chúng ta sẽ đến và làm ăn cho đúng cách", Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc họp nội các ngày 21/10.

Trước đó, quyết định rút quân của ông Trump, "bật đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào Syria, bị chỉ trích là "bán đứng" đồng minh từng sát cánh trong cuộc chiến chống khủng bố kéo dài gần 5 năm qua.

Trả lời Wall Street Journal, nhiều cựu quan chức Mỹ cảnh báo kế hoạch của ông Trump có thể dẫn đến một loạt vấn đề về pháp lý, kỹ thuật và ngoại giao. Giới phân tích ngành dầu khí cũng hoài nghi khả năng thành công của kế hoạch khi hiếm có công ty nào đủ can đảm để tham gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp nội các ngày 21/10 ở Nhà Trắng. (Ảnh: AP).

Có mỏ dầu nên Mỹ sẽ ở lại

Dù tuyên bố đưa 1.000 thành viên lực lượng đặc biệt khỏi Syria từ ngày 7/10, Nhà Trắng không công khai chi tiết kế hoạch rút quân. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 21/10 khẳng định gần 300 quân sẽ tiếp tục đóng ở phía Đông Bắc Syria, phần còn lại được tái bố trí ở miền Bắc Iraq. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố lực lượng này sẽ "trở về nhà".

Một số cựu quan chức cho biết kế hoạch của ông Trump bao gồm một công ty Mỹ thông qua sự kết nối của Iraq để khai thác và xuất khẩu dầu từ Syria. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Iraq Fuad Hussein nói Washington chưa từng chính thức liên hệ. Ông cho rằng kế hoạch của ông Trump cần được thảo luận kỹ lưỡng tại Baghdad và thủ phủ của vùng tự trị người Kurd ở Erbil.

Giới quan sát nhận định ý tưởng "bảo vệ mỏ dầu" là cách để Washington duy trì được mối quan hệ với tổ chức Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), giữ động lực cho cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ý tưởng này có thể tạo cho người Kurd thêm một lựa chọn khác bên cạnh việc bán rẻ dầu cho trung gian, vốn cuối cùng sẽ về tay chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Việc quân đội Mỹ không chấm dứt hoàn toàn hiện diện ở Syria cũng ngăn viễn cảnh cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ giữa Mỹ và người Kurd.

Tổng thống Trump từ lâu luôn ủng hộ việc kiểm soát, khai thác và bán tài nguyên ở nước ngoài. Ông từng chỉ trích chính phủ Tổng thống George W. Bush không khai thác dầu ở Iraq sau cuộc chiến năm 2003. Ông cho rằng đây là mô hình giúp việc triển khai quân đội Mỹ ở nước ngoài tự giải quyết chi phí.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, đội ngũ Nhà Trắng nghiên cứu nhiều phương án tại các vùng xung đột trên khắp thế giới. Nơi được nghiên cứu nhiều nhất là Afghanistan. Một phần lớn trữ lượng khoáng sản tiềm năng chưa ai tiếp cận vì nhiều rào cản như xung đột, cơ sở hạ tầng yếu kém và quản trị thiếu hiệu quả.

Tuy nhiên, những thách thức này cũng khiến giới doanh nhân Mỹ không quá mặn mà với Afghanistan. Mô hình này trở nên thiếu thực tế vì Mỹ không có công ty năng lượng hoặc khai thác khoáng sản nhà nước. Chính phủ phải tìm cách thuyết phục giới tư nhân chấp nhận rủi ro tại vùng xung đột, trong khi giá dầu toàn cầu tuột dốc còn môi trường an ninh không ổn định.

Phần lớn lực lượng đặc biệt của Mỹ được tái bố trí sang Iraq, chỉ còn khoảng 300 quân đóng lại khu vực Đông Bắc Syria. (Ảnh: AFP).

"Số dầu đó thuộc về Syria"

Rex Tillerson, cựu giám đốc điều hành gã khổng lồ năng lượng Exxon, từng cân nhắc ý tưởng này khi ông còn lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Tillerson cuối cùng phải bỏ cuộc khi nhận ra có quá nhiều rào cản pháp lý, theo tiết lộ của Brett McGurk, cựu đặc phái viên Mỹ chuyên trách liên minh chống IS.

"Số dầu đó thuộc về chính phủ Syria, dù thực tế đó có vừa lòng chúng ta hay không. Việc công ty Mỹ bỗng đến chiếm quyền kiểm soát và khai thác số tài sản đó hiển nhiên là hành động bất hợp pháp", McGurk khẳng định tại một sự kiện của Quỹ Phòng vệ Các nền dân chủ, một tổ chức cố vấn chính sách ở Washington.

Theo ông McGurk, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Tillerson kết luận cách duy nhất để hiện thực hóa ý tưởng là thỏa thuận có sự tham gia của Nga và chính phủ Tổng thống Assad. Trong viễn cảnh này, dòng tiền từ Mỹ được đầu tư vào Syria cho việc khai thác dầu sau khi nội chiến kết thúc.

Sản lượng dầu thô của Syria từng đạt mức cao nhất là 600.000 thùng/ngày. Con số này giảm còn 400.000 khi nội chiến nổ ra, theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ. Trong giai đoạn IS kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria, sản lượng dầu thô giảm còn 40.000 thùng/ngày và tiếp tục giảm mạnh khi liên quân Mỹ can thiệp. Thống kê năm 2018 cho thấy con số này dần hồi phục đạt khoảng 30.000 thùng/ngày .

Những đường ống dẫn dầu duy nhất của Syria hướng về phía tây, nằm trong vùng đất được kiểm soát bởi quân đội và chính quyền Tổng thống Assad. Xuất khẩu dầu khí sang phía Bắc là chuyện không tưởng vì mối quan hệ thù địch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

Giới chức Mỹ tiết lộ dầu có thể bán qua Iraq. Dầu nặng, chất lượng thấp từ Syria sẽ được trộn với dầu thô chất lượng cao hơn ở Iraq trước khi bán ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, giới chuyên gia về thị trường dầu quốc tế cho rằng ý tưởng đó thiếu thực tế và khó sinh lời.

Các mỏ dầu giàu trữ lượng nhất ở Syria bị tàn phá nặng nề do xung đột kéo dài nhiều năm và cuộc chiến chống khủng bố IS. (Ảnh: WSJ).

Những tính toán đầy mâu thuẫn

Các mỏ dầu và khí đốt do người Kurd quản lý từ lâu đã nằm trong những hoạch định chiến lược của Washington nhằm gia tăng ảnh hưởng ở khu vực.

Nhiều quan chức Mỹ từng kỳ vọng Washington cùng người Kurd có thể duy trì kiểm soát một vùng lãnh thổ giàu tiềm năng dầu khí, từ đó có thêm lá bài mặc cả cho đàm phán chính trị ở Syria trong tương lai. Mục tiêu ngắn hạn là đảm bảo các mỏ dầu này không rơi vào tay IS và lực lượng thân Nga.

Tuy nhiên, ý tưởng của Tổng thống Trump về việc đưa công ty Mỹ vào khai thác các mỏ dầu Syria lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Ẩn số lớn nhất trong toàn kế hoạch là liệu có công ty nào tại Mỹ dám đầu tư và khai thác dầu trong khu vực người Kurd kiểm soát, đặc biệt khi có quá nhiều rào cản pháp lý, ngoại giao và an ninh.

Những cam kết nửa vời của Tổng thống Trump duy trì quân đội Mỹ tại Syria chỉ khiến ý tưởng thêm thiếu thuyết phục.

"Những mỏ dầu lớn nhất đều trong tình trạng tồi tệ nhất. Chúng ta có thể tốn hàng triệu USD đầu tư nhưng không thu hồi vốn trong nhiều năm. Đó là với kịch bản IS không quay trở lại hay ông Assad không chiếm luôn những mỏ này", Matthew Reed, nhà phân tích tại hãng tư vấn chiến lược Foreign Reports, nhận định.

Người Kurd phẫn nộ, ném khoai tây và chặn xe quân sự Mỹ trên đường rút khỏi Syria. (Ảnh: AP).

Một số quan chức Mỹ tự tin rằng một đơn vị đặc nhiệm vài trăm người vẫn đủ sức giám sát vùng lãnh thổ giàu tiềm năng dầu khí này. Điều kiện đặt ra là họ phải hợp tác chặt chẽ với SDF và được bọc lót bởi hỏa lực hùng mạnh của không quân Mỹ.

Tuy nhiên, bức tranh chung về đảm bảo an ninh dài hạn cho công ty nước Mỹ chen chân vào khu vực vẫn rất mơ hồ sau những quyết sách vừa qua của ông Trump.

"Chúng ta đã từ bỏ phần lớn vành đai phía đông bắc Syria. Giờ đây, chúng ta lại muốn cố thủ kiểu 'Pháo đài Apache' chỉ với vài trăm lính Mỹ", McGurk nhận định quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump mâu thuẫn với ý tưởng bảo vệ mỏ dầu mà ông vừa công bố.

"Đừng tiếp tục hoang tưởng về sức ảnh hưởng của chúng ta với cục diện tại Syria. Sức ảnh hưởng đó đã bốc hơi hết cả rồi", cựu đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh.

Theo Zing

Các tin cũ hơn