Nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xúc tiến kế hoạch này, người thay thế Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam sẽ được bổ nhiệm vào tháng 3/2020 và đảm đương vai trò quyền trưởng đặc khu đến hết nhiệm kỳ của bà vào năm 2022, tờ Financial Times có trụ sở tại London, Anh hôm 22/10 dẫn các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Các ứng viên hàng đầu thay thế bà Lam là ông Norman Chan, cựu giám đốc cơ quan tiền tệ Hong Kong và ông Henry Tang, người từng đứng đầu cơ quan tài chính và cơ quan hành chính của chính quyền đặc khu. Các nguồn tin nói rằng giới chức Trung Quốc muốn tình hình đặc khu Hong Kong ổn định hơn trước khi ra quyết định cuối cùng về thay thế lãnh đạo vì họ không muốn bị xem là nhượng bộ bạo lực.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam công bố sáng kiến về nhà đất ở Hong Kong trong cuộc họp nội các hôm 16/10. (Ảnh: Reuters). |
Hồi tháng 9, phản ứng trước báo cáo của Reuters về đoạn ghi âm rằng bà sẽ từ chức nếu có thể, bà Lam cho biết bà chưa bao giờ yêu cầu chính phủ Trung Quốc để bà từ chức nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại thành phố.
Hàng trăm nghìn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử ở những khu vực tài phán thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Biểu tình ban đầu ôn hòa nhưng sau đó ngày càng bạo lực khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát.
Bà Lam hồi tháng 9 tuyên bố rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, song động thái này không thể xoa dịu người biểu tình. Họ cho rằng quyết định của bà Lam đưa ra quá muộn và tiếp tục xuống đường để yêu cầu chính quyền đặc khu đáp ứng những yêu sách còn lại. Biểu tình khiến kinh tế Hong Kong lao đao và đối mặt với nguy cơ suy thoái đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua.
Theo VNE