"Ra mắt" đài phun nước nghệ thuật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ trung tâm Sài Gòn

Thứ bảy, 02/11/2019, 11:59
Đài phun nước nghệ thuật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) sau khoảng 8 tháng thi công, vừa chính thức "ra mắt" khiến nhiều người thích thú khi đến đây tham quan.

Nhiều người thích thú khi chụp hình lưu niệm cùng đài phun nước nghệ thuật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Đài phun nước nghệ thuật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Q.1), nằm ngay trước trụ sở UBND TP.HCM và Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu vực này là điểm tập trung du khách trong và ngoài nước, thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của TP.HCM

Đài phun nước với hình tượng chính là tượng hoa sen ở vị trí trung tâm được cách điệu từ nụ hoa sen đang nở, đồng thời kết hợp với các vòi phun nước hướng vào tâm thể hiện tinh thần đoàn kết cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung của TP.HCM

Đài phun nước nghệ thuật với kế hoạch chỉnh trang, thiết kế lại cảnh quan khu vực vùng lõi trung tâm TP.HCM, vào tháng 3.2019 được UBND TP.HCM đồng ý xây tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Q.1). Vị trí này trước đây là vòng xoay Cây Liễu cũng có đài phun nước. Khi xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, vòng xoay này bị phá bỏ

Đài phun nước được xây dựng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sau khi nghiên cứu trên cơ sở kết hợp giữa sự gia tăng các hệ thống giao thông công cộng và sự hình thành phát triển của không gian đi bộ, đô thị một cách hài hòa

Thiết kế mang tính hiện đại thân thiện và tôn trọng kiến trúc đặc trưng của trụ sở UBND TP.HCM và Nhà hát Thành phố qua những chi tiết gờ chỉ, màu sắc trên thành hồ, ghế đá, bồn cây và lối đi bộ xung quanh đài phun nước, khiến nhiều du khách thích thú chụp hình lưu niệm

Ngày cuối tuần, nhiều gia đình dẫn con em ra chụp hình lưu niệm khu vực đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cùng với tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, công viên trước Nhà hát Thành phố..., đài phun nước nghệ thuật tại giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi bước đầu sẽ đóng góp thêm các không gian công cộng và điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố, du khách

Sở QH-KT đã cùng với một đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế nghiên cứu và đề xuất ý tưởng cảnh quan và không gian các tuyến đường trong khu vực trung tâm thành phố (thuộc địa bàn Q.1) với mục tiêu định hướng tổ chức không gian đi bộ, tổ chức giao thông và các khu vực đỗ xe, hướng dẫn thiết kế đô thị và thiết kế cảnh quan đường phố

Định hướng tổ chức không gian cảnh quan chung khu trung tâm TP.HCM, bao gồm: các giải pháp tăng cường các đặc trưng về cảnh quan, những nét riêng có tính hấp dẫn về lịch sử, truyền thông và cả hiện đại; tối ưu hóa các tiện ích, chức năng cho người dân thành phố về sự tiện nghi, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nhiều mưa và nắng nóng

Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhìn từ trụ sở UBND TP.HCM (86 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1) trước khi chưa có đài phun nước. Trước đó, đường Nguyễn Huệ dài 670m, rộng 64m, bắt đầu từ công viên Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng) đến trước trụ sở UBND TP.HCM (đường Lê Thánh Tôn) được đầu tư thành phố đi bộ đầu tiên của TP.HCM, mặt đường lót toàn bộ bằng đá granit với tổng kinh phí đầu tư khoảng hơn 430 tỉ đồng; hoàn thành đưa vào hoạt động từ tháng 4.2015

Mạng lưới kết nối không gian công cộng tại trung tâm Q.1, TP.HCM

Đài phun nước nghệ thuật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Q.1) thuộc giai đoạn 1 của kế hoạch chỉnh trang khu vực trung tâm TP.HCM. Vị trí điểm giao giữa trục Lê Lợi và Nguyễn Huệ còn nằm ngay phía trước không gian của Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, là không gian có ý nghĩa chính trị quan trọng của thành phố.
Giai đoạn 2 sẽ hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của toàn bộ trục đường Lê Lợi, hướng tới việc nghiên cứu đề xuất giải pháp thiết kế không gian cảnh quan đảm bảo việc kết nối định hình toàn bộ không gian công cộng, trong đó có phố đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp với không gian ngầm, thương mại dịch vụ theo định hướng quy hoạch được duyệt.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn