Làn sóng nông dân Trung Quốc đổ về vùng Viễn Đông nước Nga

Thứ bảy, 02/11/2019, 10:52
Sau khi Liên Xô tan rã, người Trung Quốc bắt đầu sang vùng Viễn Đông của Nga thuê đất làm nông nghiệp. Làn sóng nông dân Trung Quốc sang nước láng giềng ngày càng mạnh mẽ.

Nông trường ở Maksimovka được bao quanh bởi hàng rào kim loại cao. Những người nhập cư từ Trung Quốc làm việc tại đây chỉ rời đi mua sắm vào cuối tuần.

Nông trường từng hỗ trợ việc làm cho gần 400 người Nga lại không thể tiếp tục tồn tại. Thay vào đó, đất được các doanh nhân Trung Quốc thuê lại và tổ chức canh tác. Làn sóng người Trung Quốc dần thay thế hợp tác xã của người Nga.

Từ làn sóng hậu Liên Xô

Giống nhiều hợp tác xã nông nghiệp tại những vùng nông thôn của Nga, mô hình hoạt động của nông trường Mayak sụp đổ cùng với Liên Xô. Đó cũng là thời điểm những lao động Trung Quốc đổ vào vùng Viễn Đông của Nga.

"Làm việc ở Nga thì cũng chẳng khác mấy ở Trung Quốc. Bạn cứ phải thức dậy thật sớm và bắt đầu làm thôi", Chom Vampen chia sẻ.

Anh là một trong hàng nghìn người Trung Quốc đã dọn đến vùng đất thưa dân phía Đông nước Nga vào đầu thập niên 1990. Phần lớn người nhập cư làm việc tại những nông trang do người Nga hoặc người Trung Quốc sở hữu, hoặc mua lại quyền thuê đất để làm nông.

Phần lớn nông dân Trung Quốc sang các tỉnh thuộc vùng Viễn Đông của Nga làm việc thời vụ. (Ảnh: BBC).

Khi quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày một sóng gió, Tổng thống Vladimir Putin ngày một hoan nghênh sự hiện diện của người Trung Quốc tại vùng đất này.

Chủ tịch của Mayak, ông Yevgeny Fokin, cho thuê lại hàng nghìn ha đất nông nghiệp cho những nhà khởi nghiệp đến từ Trung Quốc. Họ bị thu hút bởi giá thuê rẻ và quỹ đất lớn.

"Chúng tôi gom đất gửi cho ông Fokin, nghĩ rằng hợp tác xã giữ đất thi sẽ tốt hơn. Nhưng rồi ông đem bán hết cho người Trung Quốc, còn chúng tôi chỉ còn tay trắng", Tatyana Ivanova, một người sống tại làng Maksimovka, chia sẻ.

Người dân địa phương không phải lúc nào cũng hoan nghênh những hàng xóm mới. Lãnh đạo hiệp hội nông dân vùng Birobidzhan, Alexander Larik, cho rằng các chủ nông trang người Trung Quốc chuộng thuê đồng hương làm việc hơn. Lao động người Nga chỉ được nhận những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp.

"Lao động Trung Quốc không nhậu nhẹt, và họ cũng không có nơi nào để bỏ trốn. Họ chỉ đến đây theo thời vụ. Người Nga thì đến làm được một tuần đã đòi tiền, sau đó lại say khướt", một chủ nông trang người Nga chia sẻ về "tai tiếng" của các đồng hương.

Thâu tóm đất nông nghiệp

Những công ty Trung Quốc xuất hiện đầu tiên tại vùng Viễn Đông vào đầu thập niên 2000, nhưng phải đến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 thì Bắc Kinh mới gia tăng mức độ quan tâm đến khu vực.

"Giữa bầu không khí hoảng loạn đó, người Trung Quốc muốn tìm những nơi mới để đầu tư", một lãnh đạo nông trường người Trung Quốc tiết lộ.

Những khoản đầu tư của các doanh nghiệp nhanh chóng kéo theo một làn sóng người nhập cư mới tại vùng.

Các nông trường do người Trung Quốc quản lý tại Nga phần lớn chuộng thuê lao động là người đồng hương. (Ảnh: BBC).

Dựa trên số liệu được công bố bởi cơ quan đăng ký đất đai địa phương, BBC ước tính công dân Trung Quốc đang sở hữu hoặc thuê lại ít nhất 350.000 ha ở vùng Viễn Đông của Nga. Vào năm 2018, khoảng 2,2 triệu ha đất tại vùng được sử dụng cho mục đích nông nghiệp.

Diện tích đất thực được quản lý bởi người Trung Quốc có thể còn cao hơn. Theo BBC, nông dân Trung Quốc có thể đang hoạt động ở gần 40% diện tích đất nông nghiệp ở vùng Viễn Đông, đặc biệt vùng tự trị Do Thái Birobidzhan. Thống đốc vùng Alexander Levintal nói nhiều trường hợp đất cho người Nga thuê trên giấy tờ, nhưng thực tế do người Trung Quốc quản lý.

"Gần như toàn bố đất thuộc các hợp tác xã đều được chuyển tay cho người Trung Quốc", lãnh đạo hiệp hội nông dân địa phương Alexander Larik cho biết.

Lo ngại sức ảnh hưởng

Tại nông trường ở làng Opitnoye Polye, ông chủ người Trung Quốc là Xin Jie thuê cả lao động từ quê nhà và người Nga. Như nhiều người nhập cư trong vùng, Xin Jie cũng lấy tên Nga và giờ được người dân gọi là ông Dima "Trung Quốc".

Dima đến Nga vào thập niên 1990 và thuê hơn 2.500ha đất để trồng đậu nành. Ông tích cực tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, mua quà tặng cho trường mẫu giáo và sẵn lòng gửi xe kéo giúp dọn tuyết cho những ngôi làng hẻo lánh lân cận vào mùa đông.

Nhiều nông trường của người Trung Quốc được rào kín, khép kín với cộng đồng địa phương. (Ảnh: BBC).

Tuy nhiên, không phải ai cũng hòa đồng được như Dima. Nhiều nông trại mà người Trung Quốc quản lý nhìn không khác gì pháo đài. Nông trường Hữu Nghị tại Babstovo, cách biên giới Nga - Trung gần 30 phút đi xe, được bao quanh bởi tường rào cao và treo cờ màu đỏ.

Phần lớn người Trung Quốc sang vùng Viễn Đông nhận những công việc thời vụ, gieo trồng hoặc thu hoạch rồi lại trở về quê nhà. Dù vậy, nhiều người địa phương vẫn thiếu thiện cảm với người Trung Quốc.

Trong cuộc khảo sát của Học viện Khoa học Nga vào năm 2017, gần 1/3 người tham gia nhìn nhận chính sách của Trung Quốc tại Nga mang tính bành trướng.

Trong khi đó, gần 1/2 người phản hồi khảo sát cảm thấy sự toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa bởi các hoạt động của người Trung Quốc, còn 1/3 người tham gia cho rằng thực trạng đang đe dọa sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích