Sáng 5/11, phát biểu trước Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm, các hoạt động của cơ quan tư pháp, thi hành án năm 2019, đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, việc xử lý vi phạm về môi trường còn “xuề xòa”, chưa đủ mạnh để răn đe.
Tội phạm về môi trường chưa bị xử lý triệt để nên môi trường vẫn bị hủy hoại |
Trong năm 2019, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; qua đó, đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm, khởi tố 355 vụ, 395 bị can, xử lý hành chính 19.600 trường hợp, phạt trên 243,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến, với nhiều hoạt động như xả thải vượt quy chuẩn, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác khoáng sản trái phép, hủy hoại rừng, khai thác trái phép lâm sản...
“Tôi đồng tình với nhận định rằng, việc xử lý vi phạm về môi trường đã được quan tâm hơn, nhưng theo tôi, vẫn chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được, chiếm 1,58%. Tại sao vậy? Có phải do một số tội danh về môi trường khó xác định thiệt hại như báo cáo đã nêu, hay còn có nguyên nhân nào khác? Tôi cho rằng, nội dung này cần được đánh giá sâu hơn để có các giải pháp hữu hiệu hơn” - đại biểu này đặt vấn đề.
Theo đại biểu Ngô Sách Thực, trong xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường, vẫn chưa có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các lực lượng chức năng; có nơi xử lý nghiêm, có nơi còn né tránh; có hiện tượng nhờn luật, coi thường pháp luật và chấp nhận “phạt cho tồn tại”, sau đó vẫn tái phạm. Ngoài ra tại một số nơi, các cơ quan chức năng chậm vào cuộc dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp nhiều nơi còn thấp.
Ông Thực cũng đặt vấn đề, tội phạm về môi trường không được xem là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, vì không có tội danh nào có khung hình phạt cao đến 20 năm, chung thân, tử hình. Trong khi đó, hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường và sức khỏe con người trong thực tế là rất lớn.
Hiện tại, các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường còn thiếu hoặc chưa được sửa đổi kịp thời. Lĩnh vực môi trường dễ bị các thế lực xấu lợi dụng, nên các vi phạm ít được các địa phương công khai, thông tin đầy đủ. Chính sự mập mờ và không đầy đủ, kịp thời dẫn đến nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng.
Để giải quyết các vấn đề nói trên, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền môi trường; tăng cường năng lực quản lý và thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường; thường xuyên cập nhật các thông tin về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; tạo điều kiện để người dân phản ánh, tố giác các vi phạm về môi trường tới cơ quan có thẩm quyền, cung cấp các thông tin về ô nhiễm môi trường để cho cơ quan thanh tra, kiểm tra kịp thời xem xét, công khai kết quả xử lý.
Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ; kiên quyết không để tình trạng nể nang, tiêu cực và không để lợi ích nhóm chi phối. Cần phải xây dựng, bổ sung hệ thống chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Phụ nữ