"Đời rác"... Sài Gòn: Ly hương, mẹ mưu sinh nghề ve chai nuôi con học đại học

Thứ tư, 06/11/2019, 14:01
Rời vùng quê nghèo khó ở Bình Định, chị Đức chấp nhận cảnh vợ chồng đôi người đôi ngả, vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề lượm ve chai để nuôi hai con học đại học.
Chị Đức đến vựa ve chai để cân bán khi xe đã đầy
Đi về mỗi ngày trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tôi thường gặp một nhóm người nhặt ve chai mà theo bảo vệ của một công ty sửa chữa ôtô trên đường Điện Biên Phủ miêu tả: “Mấy bả ở đây suốt, ngày nào cũng đẩy xe qua lại riết quen”.

Tài sản lớn nhất khi vào Sài Gòn là... xe đẩy ve chai

Nhóm người nhặt ve chai có 3 người phụ nữ, dáng người nhỏ nhắn, nói giọngmiền Trung đặc sệt. Trong nhóm, người phụ nữ được gọi là Sáu, đã gắn bó với nghề lượm ve chai 8 năm qua để nuôi hai con học đại học. Chị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Đức (47 tuổi) quê ở Phù Cát (tỉnh Bình Định), hiện ở trọ cùng 2 con gái tại một con hẻm trên đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Họ tâm sự nếu chăm chỉ làm lụng thì ở quê cũng đủ ăn đủ mặc nhưng khó mà dư ra được để nuôi con học đại học. Để có thêm thu nhập, chị Đức theo những người phụ nữ cùng quê khác vào Sài Gòn, mưu sinh bằng nghề lượm ve chai. Vợ chồng chị Đức đôi người đôi ngả, người vào Sài Gòn cố gắng kiếm thêm chút tiền gửi về quê, người ở nhà chăm lo con cái.
Chị Đức vỗ vỗ tay vào chiếc xe đẩy nhỏ màu xanh đã khá cũ và khoe rằng đây là tài sản lớn nhất của chị. Vào Sài Gòn chỉ với một ít lộ phí và vài bộ quần áo, những ngày đầu chị Đức ở tập thể tại vựa ve chai cùng với... đồng nghiệp. Chiếc xe đẩy cũng do chủ vựa giúp đỡ. Thế rồi, chị Đức bắt đầu những tháng ngày rong ruổi khắp Sài Gòn. Chị mua lại ve chai từ nhà dân, nhặt chai lọ thấy trên đường rồi cân bán lại cho vựa ve chai kiếm tiền.
Đi dọc đường gặp chai lọ hay thứ gì bán ve chai được chị đều nhặt để kiếm thêm thu nhập
Chị Đức và đồng nghiệp uống nước, nghỉ ngơi và tán gẫu trong lúc chờ chủ quán bán ve chai
Mỗi ngày chị Đức cân khoảng hai chuyến ở vựa ve chai, ngày nhiều lời cũng được vài trăm nghìn đồng, ngày ít thì vài chục nghìn đồng
“Ở tập thể phòng cả hơn chục người. Phía trước nhà người ta là vựa ve chai, dãy phía sau thì để cho người nhặt ve chai ở. Ở một thời gian tôi cùng một vài chị em chuyển ra ở trọ trên đường Bùi Đình Túy thuê phòng ở chung cho tiện”, chị Đức nói.
Còn bà Nguyễn Thị An (56 tuổi), một người trong nhóm, chia sẻ: “Chị em đều quê ở Bình Định rồi có con đi học đại học mới vào đây làm luôn. Tôi cũng làm được mười mấy năm để nuôi con”.

Nuôi hai con học đại học

Ở Sài Gòn được hai năm, con gái đầu của chị Đức thi đậu vào trường Đại học Mở TP.HCM. Con gái khăn gói vào Sài Gòn, chị Đức chuyển ra ở chung với con trong căn phòng trọ cách phòng trọ cũ mười phút đi bộ. Giờ thì cô con gái lớn của chị Đức đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định và phụ giúp chị nuôi con gái thứ hai đang là sinh viên năm hai trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.
Suốt 8 năm qua, cứ 7 giờ 30 sáng chị Đức đẩy xe ve chai quanh quận Bình Thạnh (TP.HCM) và quận 1 (TP.HCM) cho đến khi xe đầy ve chai mới trở về nhà. Mỗi ngày chị cân khoảng hai chuyến ở vựa ve chai, ngày nhiều lời cũng được vài trăm nghìn đồng, ngày ít thì vài chục nghìn đồng.
Cuộc sống mưu sinh bằng nghề ve chai gắn liền với những bữa cơm bụi ven đường. Thứ không thể thiếu với chị Đức là gô trà đá để gọn gàng một góc trên xe đẩy. Lúc nào mệt quá thì nghỉ tay uống miếng nước, tán gẫu vài câu.
Công việc không gò bó thời gian nhưng chỉ trừ những ngày bị bệnh không đi nổi chị Đức mới nghỉ ở nhà. Với chị, những chiếc xe ve chai và khói bụi thành phố là những thứ mà chị quen thuộc hơn là căn phòng trọ nhỏ hẹp trên tầng 4 của khu nhà trọ. “Ở Sài Gòn mưa đó rồi tạnh đó chứ có mưa dầm như ở quê mình đâu nên mưa thì mình vào đâu đó trú tạm. Đi ngoài đường thấy cái chai cũng nhặt, thấy cái lon cũng nhặt”, chị nói.
Nghèo khổ nhưng chị Đức chưa bao giờ có ý cho con nghỉ học, chắt chiu từng đồng cố gắng nuôi hai con gái học Đại học. “Những ngày cân có tiền mình gom lại, còn đóng tiền học phí thì mượn những chị em khác rồi cân ve chai trả lần lần. Mình đã cực khổ rồi không muốn con cũng khổ giống mình”, chị bộc bạch.
Những người mua ve chai trong nhóm chị Đức không chỉ là đồng nghiệp còn là đồng hương giúp đỡ nhau khi khó khăn bệnh tật
Chị Đức cân ve chai ở một vựa ve chai trên đường Đinh Bộ Lĩnh
Chị Đức chỉ trở về nhà khi trời đã tối hẳn, để xe đẩy ở phòng trọ cũ và đi bộ về phòng trọ với con gái cách đó không xa
Con gái thứ hai của chị Đức đi học về sẽ lo cơm nước để chờ mẹ về cùng ăn tối
Bữa cơm gia đình ba người ấm áp
Hằng ngày chị Đức về nhà khi trời đã tối hẳn, con gái đi học về chuẩn bị sẵn thức ăn. Sau một ngày dài với chiếc xe ve chai, chị nghỉ ngơi tắm rửa rồi ăn cơm, bữa cơm ba người đơn sơ mà ấm áp giữa Sài Gòn tấp nập.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn