|
Màu trắng đục xuất hiện ở bầu trời TP.HCM |
Thời gian gần đây, tình hình ô nhiễm không khí được người dân đặc biệt quan tâm, nhất là tại 2 TP lớn là TP.HCM và Hà Nội. Sáng 19.11, hiện tượng trên lại tiếp tục tái diễn ở TP.HCM khi bầu trời xuất hiện lớp màu trắng đục làm giảm tầm nhìn.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, theo ứng dụng AirVisual, sáng 19.11, chất lượng không khí ở TP.HCM nằm trong mức nguy hại cho sức khỏe. Nhiều vị trí quan trắc các chỉ số ở màu đỏ, vài điểm ở màu cam, thậm chí có nơi chuyển sang màu tím (rất hại sức khỏe).
Kết quả từ máy đo bụi mịn đặt trong nhà |
Đến 12h25 phút trưa, chỉ số AQI tại một số điểm như sau: Cát Lái là 184; Đại học Bách Khoa là 179; Thảo Điền, Q.1 là 153.
Đáng lưu ý, ông Bằng cho biết, theo kết quả máy đo bụi mịn Air Quality Analyzer đặt trong nhà cũng thể hiện chỉ số bụi PM2.5 là 111, PM10 là 163. Đây đều là mức nguy hại cho sức khỏe.
Điều kiện thời tiết tác động hình thành lớp mù
Ở góc độ khác, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mấy ngày qua buổi sáng sớm trời mù mịt giảm tầm nhìn tại TP.HCM. Hiện tượng này gọi là mù. Mù cũng có bản chất tương tự như sương mù, nhưng mức độ làm giảm tầm nhìn ngang thấp hơn, có thể nhìn thấy cảnh vật trên 1km nhưng dưới 10km.
Các chỉ số không khí vào lúc 12 giờ 30 ngày 19.11.2019 tại TP.HCM |
Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng Không khí Xung quanh (QCVN05:2013) của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, bụi PM2,5 là tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet.
Đây là những hạt bụi có kích thước rất nhỏ. Đường kính của bụi PM2,5 nhỏ chưa đến 1/30 lần đường kính của sợi tóc.
|