Bolivia nguy cơ thêm khủng hoảng vì Tổng thống lâm thời

Thứ ba, 19/11/2019, 11:57
Bà Jeanine Anez hứa đoàn kết Bolivia giữa bối cảnh hỗn loạn, nhưng những chính sách ban đầu của bà có nguy cơ khiến đất nước chia rẽ sâu sắc hơn.
Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô La Paz hôm 15/11. (Ảnh: AFP).

Phó Chủ tịch Thượng viện Bolivia Jeanine Anez, một nghị sĩ ít danh tiếng, tuyên bố giữ chức Tổng thống lâm thời hôm 12/11 sau khi cựu Tổng thống Evo Morales, lãnh đạo người bản địa đầu tiên của đất nước, rời nhiệm sở và sang Mexico tị nạn do áp lực từ các cuộc biểu tình và lời kêu gọi từ chức của quân đội.

Dù mang lại nhiều thay đổi tích cực cho Bolivia khi còn tại vị, Morales vẫn hứng chỉ trích vì cố tình "bẻ cong" các quy tắc bầu cử nhằm duy trì quyền lực. Bất chấp kết quả trưng cầu dân ý hồi năm 2016, trong đó đa số người dân Bolivia phản đối việc xóa bỏ giới hạn về nhiệm kỳ tổng thống, Morales vẫn ra tranh cử lần thứ tư. Các cuộc biểu tình nổ ra cuối tháng trước sau khi ông tuyên bố tái đắc cử, nhưng kết quả kiểm phiếu bị tố gian lận.

Ngay trước khi tuyên thệ nhậm chức, Anez trả lời báo chí rằng mục đích duy nhất của bà là thống nhất và khôi phục đất nước theo con đường dân chủ. Tuy nhiên, giới phê bình đánh giá những hành động của bà cho tới nay đang có tác động trái ngược với mục tiêu đề ra.

Tổng thống lâm thời gốc châu Âu tối 12/11 phát biểu trước đám đông ủng hộ với một cuốn Kinh thánh cỡ lớn trên tay, cùng một phụ tá cầm thánh giá đứng cạnh. Việc những hình ảnh Công giáo xuất hiện dày đặc hoàn toàn đối lập với các nghi lễ bản địa mà Morales từng tổ chức trong dinh tổng thống. Ông cũng đã cải tổ hiến pháp và công nhận nữ thần Pachamama (hay còn gọi là Mẹ Đất) thay vì Giáo hội Công giáo Roma.

Theo giới phân tích, bà Anez đang cố gắng vận động sự ủng hộ của các nhóm tôn giáo bảo thủ tại Bolivia, quốc gia mà hầu hết người dân coi mình là Kitô hữu, nhằm che giấu sự thiếu tín nhiệm của mình.
Tại cuộc vận động chính trị do Luis Fernando Camacho, đồng minh thân cận của bà Anez, tổ chức hôm 13/11, một diễn giả lớn tiếng miệt thị văn hóa của người bản địa mà Morales từng bênh vực: "Chúng ta đã trói tất cả ác quỷ của tà thuật và đẩy chúng xuống địa ngục. Quỷ Satan, hãy cút khỏi Bolivia ngay bây giờ".
Bà Anez còn hồi sinh các nghi lễ Công giáo tại những sự kiện công cộng, khiến nhiều người cảm thấy khó chịu bởi hiến pháp quy định Bolivia là một quốc gia thế tục, có nghĩa là trung lập về các vấn đề tôn giáo. Điều này cũng làm dấy lên quan ngại trong một số cộng đồng bản xứ, bởi việc chính trị kết nối với Công giáo khiến họ liên tưởng tới các chính phủ bảo thủ từng đối xử với họ như "công dân hạng hai" trong thời gian dài.
Trong một động thái khác đối lập với chính sách đấu tranh cho người bản địa của Morales, bà Anez đã chọn nội các mới với những chính trị gia đến từ vùng đồng bằng phía đông của đất nước, nơi dân số chủ yếu là người Bolivia đa nguồn gốc hoặc gốc châu Âu. Nhiều bộ trưởng của bà kiên quyết phản đối chính sách của Morales hoặc từng phục vụ trong các chính quyền bảo thủ trước đây.
Những thay đổi mạnh mẽ nhất diễn ra trong lĩnh vực ngoại giao. Chỉ trong vài ngày, Anez đã cắt đứt liên minh của Morales với các chính phủ cánh tả tại khu vực. Chính quyền lâm thời của bà trục xuất tất cả nhân viên ngoại giao Venezuela đại diện cho Tổng thống Nicolas Maduro với lý do "can thiệp nội bộ", đồng thời trả 725 công dân Cuba về nước, chủ yếu là bác sĩ, bởi lo ngại sự liên quan của họ với tình hình bất ổn. Cảnh sát Bolivia hôm 15/11 còn bắt 9 công dân Venezuela do nghi ngờ họ là đặc vụ an ninh bí mật.
Tân ngoại trưởng Bolivia Karen Longaric cũng cho biết nước này sẽ rời khỏi ALBA, tổ chức hợp tác kinh tế của các nước Mỹ Latin và vùng Caribe do Venezuela dẫn đầu, đồng thời đang xem xét rời Liên minh Các quốc gia Nam Mỹ (Unasur), tổ chức thiên về cánh tả.
Để đối phó với tình hình trong nước, bà Anez hôm 14/11 ban hành sắc lệnh miễn trừ truy tố hình sự cho quân đội khi làm nhiệm vụ duy trì trật tự công cộng. Ngay hôm sau, lực lượng an ninh đã nổ súng vào những nông dân trồng coca ủng hộ Morales tại thành phố Cochabamba. Đây là một trong những vụ đụng độ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi khủng hoảng chính trị nổ ra, khiến 9 người biểu tình thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Những nông dân ủng hộ Morales đối phó với hơi cay của lực lượng an ninh ở ngoại ô thành phố Cochabamba, Bolivia hôm 15/11. (Ảnh: Reuters).
Tân bộ trưởng truyền thông Bolivia Roxana Lizarraga, người thường xuyên lên án chính quyền Morales, cũng đe dọa "hạ bệ" các nhà báo "liên quan tới việc kích động nổi loạn", nói thêm rằng bà đã có danh sách những phóng viên gây rối.
Tân bộ trưởng nội vụ Bolivia Arturo Murillo, cựu thượng nghị sĩ cánh hữu, cũng bắt đầu nhiệm vụ mới của mình bằng cam kết săn lùng người tiền nhiệm Juan Ramon Quintana, thân tín của Morales đang phải lẩn trốn. "Chúng tôi sẽ săn lùng Quintana bởi ông ta là động vật uống máu người", Murillo phát biểu.
Trong khi đó, đảng Phong trào Xã hội chủ nghĩa (MAS) của Morales, phe vẫn chiếm đa số trong quốc hội, đang đề nghị chính phủ lâm thời bảo vệ họ khỏi sự tấn công để đổi lấy thỏa thuận về các cuộc bầu cử mới, dự kiến tổ chức vào tháng một năm sau. Việc đảng MAS tham gia tranh cử vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo tính pháp lý của quá trình bỏ phiếu.
Các chuyên gia đánh giá bà Anez dường như đã vượt quá nhiệm vụ tiếp quản chính phủ nhằm tổ chức cuộc bầu cử chọn ra lãnh đạo mới của đất nước. Thay vào đó, những động thái của bà đã định hình lại chính sách đối ngoại, đồng thời làm phức tạp hóa các cuộc đàm phán với đồng minh của Morales để hướng tới giải pháp dân chủ cho cuộc khủng hoảng. Một số người cho rằng bà Anez có nguy cơ làm suy yếu các quyền dân chủ thay vì mở rộng nó.
"Chính quyền lâm thời không được tín nhiệm rộng rãi và đang thúc đẩy những chính sách đáng chỉ trích. Họ dường như nghĩ rằng Bolivia cần một cuộc thanh trừng, không phải hòa giải", giáo sư Javier Corrales tại Đại học Amherst, bang Massachusetts, Mỹ, đánh giá.
"Việc họ kêu gọi sự ủng hộ từ các cử tri không phù hợp với một chính phủ chuyển tiếp. Điều họ đang nhắm tới là các thành tích chính trị. Họ muốn xóa sạch dấu vết của Morales", Fernando Molina, một nhà báo tại thủ đô La Paz của Bolivia, nêu ý kiến.

Theo VNE

Các tin cũ hơn