Suốt nhiều tuần qua, những cuộc biểu tình bạo lực nổ ra khắp Bolivia sau khi Tổng thống Evo Morales tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 20/10 để tiếp tục lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp.
Trong ba tuần sau đó, các thành viên lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Bolivia (UTOP) đã liên tục đụng độ với người biểu tình phản đối chính phủ mang theo gậy gộc, gạch đá và bom tự chế.
Tuy nhiên, đến tối 8/11, bên trong sân trụ sở UTOP ở La Paz, hơn 10 sĩ quan cấp cao đưa ra một quyết định chấn động: Họ sẽ không tiếp tục bảo vệ Morales và tham gia biểu tình kêu gọi ông từ chức. Ngày 9/11, toàn bộ lực lượng UTOP rời bỏ vị trí.
Evo Morales tại một cuộc họp báo ngày 10/11, trước thời điểm tuyên bố từ chức. (Ảnh: Reuters). |
Giới phân tích nhận định sự quay lưng của UTOP đã góp phần quan trọng khiến chính quyền Morales sụp đổ. Không có sự hỗ trợ từ cơ quan thực thi pháp luật, ông không thể kiểm soát các cuộc biểu tình sôi sục trên đường phố Bolivia.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, 5 sĩ quan cảnh sát UTOP giấu tên đưa ra hàng loạt lý do khiến họ rút lại ủng hộ đối với Morales, Tổng thống đã lãnh đạo Bolivia gần 14 năm.
Một số người phàn nàn chính phủ Morales đã áp dụng một mức lương cùng trợ cấp hào phóng cho lực lượng vũ trang, nhưng cảnh sát lại không được hưởng lợi ích tương tự. Số khác cho hay họ đơn giản chỉ cảm thấy mệt mỏi sau nhiều tuần đối đầu căng thẳng với người biểu tình kể từ khi Morales đắc cử Tổng thống ngày 20/10.
"Tới lúc nào đó, mọi chuyện là quá đủ", một sĩ quan nói.
Franklin Flores, nghị sĩ thuộc đảng của Morales, khẳng định chính quyền không bao giờ sử dụng cơ quan thực thi pháp luật cho mục đích chính trị và cảnh sát cũng được đối xử tốt.
"Tổng thống Morales luôn tôn trọng quân đội và cảnh sát", Flores nói. "Cảnh sát Bolivia, dưới chính quyền này, được trang bị xe mới, thiết bị mới và đồng phục phù hợp".
Ngay sau đó, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ Phủ Tổng thống ở thủ đô hành chính La Paz cũng quyết định không tiếp tục ủng hộ ông. Đây được coi là đòn giáng cuối cùng khiến Morales không thể vực dậy.
Theo nhà phân tích chính trị Franklin Pareja, giáo sư Đại học San Andres ở La Paz, Bolivia, việc đánh mất sự ủng hộ của cảnh sát đã đặt dấu chấm hết cho Morales.
Là Tổng thống người bản xứ đầu tiên của Bolivia, Morales giống như gương mặt biểu tượng cho phe cánh tả ở Mỹ-Latin. Ông được ngưỡng mộ vì có công dẫn dắt Bolivia trải qua thời kỳ tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định. Các chương trình phúc lợi xã hội của chính quyền Morales đã giúp hàng triệu người thoát nghèo.
Nhưng theo thời gian, khi nền kinh tế đi xuống do nhiều yếu tố, Morales dần làm mất lòng những người ủng hộ từng ca ngợi ông như người hùng. Theo giới quan sát, những dấu hiệu rắc rối đối với Morales xuất hiện từ nhiều năm trước cuộc bầu cử hồi tháng 10. Tỷ lệ tín nhiệm ông sụt giảm nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế đất nước chững lại. Morales còn bị chỉ trích vì đánh mất gốc rễ "người đàn ông của nhân dân", thay vào đó chỉ tập trung giữ ghế.
Morales xung đột với các nhóm bản địa về việc phát triển những vùng đất bộ lạc cũng như kế hoạch xây dựng một phủ Tổng thống mới đầy phô trương mà ông gọi là "Ngôi nhà lớn của Nhân dân"
Biểu tình phản đối chính quyền ở La Paz ngày 9/11. Ảnh: Reuters. |
Morales cũng thay đổi quy định trong hiến pháp về nhiệm kỳ Tổng thống, khiến những người phản đối giận dữ, cho rằng ông đang tìm mọi cách để thâu tóm và níu giữ quyền lực.
Một quả bom khác phát nổ vào rạng sáng 10/11. Nhóm giám sát bầu cử của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) công bố kết quả kiểm tra, cho thấy "những bất thường nghiêm trọng" trong cuộc bầu cử, bao gồm phiếu bầu ảo, phiếu bầu giả và "hành vi thao túng rõ ràng" quá trình kiểm phiếu. OAS yêu cầu hủy bỏ kết quả và tổ chức một cuộc bầu cử mới. Morales đồng ý nhưng các lãnh đạo đối lập từ chối.
"Morales muốn nói chuyện nhưng chúng tôi thì không. Đã quá muộn rồi", Susana Campos Elio, nghị sĩ đối lập từ La Paz, nhấn mạnh.
Morales sau đó nói OAS "làm việc cho đế chế Bắc Mỹ", nhưng những người ủng hộ ông bắt đầu "nhảy tàu". Juan Carlos Huarachi, lãnh đạo Trung tâm Lao động Bolivia, người mới vài ngày trước còn tập hợp các thợ mỏ để ủng hộ Tổng thống, giờ đây thúc giục Morales từ chức nhằm "ổn định lòng dân".
Hàng loạt nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền từ chức, trong đó có lãnh đạo hạ viện và thị trưởng một số thành phố lớn như Potosi, Oruro và Sucre, thủ đô hiến pháp của Bolivia.
Lo lắng, Morales tìm cách tập hợp các tướng quân đội, bao gồm cả Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Williams Kaliman, một đồng minh lâu năm. Ông gặp các quan chức quốc phòng tại Phủ Tổng thống, nhưng họ tỏ ra không nhiệt thành ủng hộ Morales.
Ngày 9/11, Kaliman ra tuyên bố khẳng định lực lượng vũ trang "sẽ không bao giờ đối đầu với người dân". Đến khoảng 17h, quân đội ra tuyên bố "khuyên" Morales đứng sang một bên để dập tắt bạo lực.
Hôm sau, Morales phát biểu trên truyền hình, thông báo từ chức. Ngày 12/11, ông bay tới Mexico tị nạn.
Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales xuống sân bay ở thủ đô Mexico City, Mexico hôm 12/11. (Ảnh: AFP). |
Theo VNE