Chiến tranh Lạnh chưa biến mất đi đâu cả - nhà báo Jennifer Harper cảnh báo trong bài viết trên tờ Washington Times. Nếu thực sự như vậy, cuộc chiến đó, ngược lại, còn đang trở nên “lạnh hơn”, thậm chí là “đóng băng”.
Hiện nay, Nga đang tích cực triển khai nhiều hoạt động tại Bắc Cực – khu vực có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên chưa khai thác khổng lồ, có các tuyến đường thương mại mới chạy qua. Gần đây, Matxcơva còn nối lại hoạt động tuần tra ở Bắc Cực bằng máy bay chiến đấu, củng cố các căn cứ quân sự ở Bắc Cực và thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa siêu thanh “Kinzhal”.
Ngoài ra, Nga cũng lên kế hoạch mua sắm các tàu phá băng mới và mạnh mẽ. Một trong số đó là tàu phá băng hạt nhân đầu tiên thuộc loại này – “Arktika”. Con tàu này đã hoàn thành thành công các thử nghiệm trên biển và dự kiến sẽ sớm được đưa vào hoạt động. Theo tác giả, Điện Kremlin có kế hoạch bổ sung thêm 4 tàu cùng loại tới Bắc Cực.
Tàu phá băng hạt nhân "Arktika" của Nga. (Ảnh: Reuters) |
Theo ấn phẩm Maritime Executive, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin “đang đặt cược vào biến đổi khí hậu và sự tan băng ở Bắc Cực”. Trong khi tình báo Đan Mạch thậm chí còn tin rằng, sắp tới sẽ chứng kiến sự gia tăng căng thẳng tại khu vực này, xoay quanh cuộc đối đầu giữa các cường quốc như Nga, Mỹ và Trung Quốc.
Một trong số thượng nghị sĩ Mỹ, thành viên đảng Cộng hòa đại diện cho Alaska, ông Dan Sullivan, cũng là người rất chú ý đến những thay đổi như vậy. Và theo sáng kiến của ông, phiên điều trần về “Cơ hội, khó khăn và thách thức gia tăng tại Bắc Cực” đã được kêu gọi. Theo lời vị chính trị gia, tại khu vực đang diễn ra “những thay đổi rất lớn”, do đó điều quan trọng là phải đảm bảo rằng, Washington không bị bỏ lại phía sau so với Matxcơva và Bắc Kinh.
Ông Sullivan đang phát triển một chiến lược để tăng cường vai trò của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ tại Bắc Cực, cũng như các hoạt động chung của đơn vị này với Hải quân. “Chúng tôi không kêu gọi thành lập một căn cứ lớn của Hải quân hay Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Chúng tôi chỉ đơn giản muốn rằng, các tàu phá băng, tàu tuần tra hay tàu khu trục của Hải quân chúng ta có thể ghé vào cảng biển thuộc quyền sở hữu của Mỹ tại Bắc Cực” - ông Sullivan nói với tờ Washington Times.
Quay trở lại với Nga, một số nhà phân tích nhấn mạnh rằng, đối với Matxcơva, Bắc Cực là tối quan trọng không chỉ vì tài nguyên và các tuyến đường hàng hải. Theo Marya Rozanova Smith, một chuyên gia về Bắc Cực tại Đại học George Washington, “trong nhiều khía cạnh, đối với Nga, số phận của họ được quyết định bởi yếu tố địa lý; điều quan trọng là phải hiểu rằng, Bắc Cực là một phần không thể tách rời của toàn vẹn lãnh thổ Nga và rằng, Nga coi mình là một quốc gia Bắc Cực”.
Theo các nhà phân tích, Bắc Cực là một niềm tự hào dân tộc đối với người Nga, tuy nhiên, chủ yếu là những thành tựu trong quá khứ. “Vậy người dân Nga ngày nay đang tự hào về điều gì?” – bà Rozanova Smith nói, đồng thời cho biết thêm rằng, từ góc độ kinh tế, khu vực này cũng có thể trở thành chìa khóa cho sự thịnh vượng tương lai của đất nước Nga.
Theo VTC