Sáng 4/2, Bộ Y tế công bố ca bệnh thứ 9 nhiễm virus corona. Người đàn ông này là nhân viên Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại Vũ Hán.
Những ngày qua, khi nhiều tổ chức, cá nhân phát khẩu trang miễn phí cho người dân thì các cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) lại treo biển “không bán khẩu trang, nước rửa tay”. Một tài khoản Facebook còn kêu gọi không nhập hàng, bán khẩu trang trên hội nhóm.
Trước tình trạng này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với công an vào cuộc kiểm tra, xử lý các trường hợp trên.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Minh Cường (Đòan luật sư TP.HCM) cho biết đối với hành vi găm hàng, không bán hoặc bán với giá cao, có dấu hiệu đầu cơ thì tuỳ mức độ, hành vi sẽ bị xem xét xử lý hành chính thậm chí khởi tố hình sự.
Thông báo "không bán khẩu trang, đừng hỏi" tại chợ thuốc Hapulico gây bức xúc dư luận. Ảnh: M.X.H. |
Khoản 2 Điều 10 Luật Giá, cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Khoản 1 Điều 11 Luật này quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá); phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định 109 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá cũng quy định tổ chức lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng và buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Với hành vi kêu gọi không nhập hàng, bán hàng là khẩu trang, luật sư Cường cho rằng trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh khá phức tạp, nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết thì hành vi liên kết ngừng nhập và bán khẩu trang của các nhà thuốc không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
"Về mặt đạo đức và pháp lý, việc các nhà thuốc nâng giá khẩu trang trong bối cảnh nguồn cung vô cùng khan hiếm còn có thể thông cảm, chứ đồng loạt không bán dựa trên sự kêu gọi, 'hùa' nhau, liên kết với nhau thì là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vi phạm pháp luật về cạnh tranh", vị luật sư nhận định.
Một tài khoản Facebook cũng kêu gọi không nhập hàng, bán khẩu trang trên hội nhóm. |
Trên cơ sở xem xét các yếu tố như mức độ gây hạn chế cạnh tranh do hành vi vi phạm gây ra, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, khả năng gây hạn chế cạnh tranh của các đối tượng vi phạm, thời gian thực hiện hành vi vi phạm, khoản lợi nhuận thu được... người thực hiện hành vi này bị phạt tiền với mức phạt tối đa 10% tổng doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm cũng sẽ bị tịch thu, bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, tùy mức độ, hành vi này còn có thể xem xét khởi tố hình sự về Tội vi phạm về quy định cạnh tranh theo Điều 217. Theo đó người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm hoặc phạt tiền từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng.
Theo Zing