Việt Nam có vaccine mới phòng viêm phổi, viêm màng não

Thứ sáu, 21/02/2020, 10:31
Hệ thống tiêm chủng VNVC là nơi đầu tiên tại Việt Nam cung cấp vaccine Menactra phòng các bệnh do não mô cầu khuẩn.

Ngày 22/2, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đưa vào sử dụng vaccine Menactra phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn não mô cầu tuýp A, C, Y, W như: viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết... Loại này thay thế cho vaccine phòng bệnh do não mô cầu khuẩn tuýp A, C ngưng sản xuất từ 2018.

Menactra đang được sử dụng tại 67 nước và việc đưa vào tiêm chủng tại Việt Nam được đánh giá là tin vui với hàng triệu người, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa có thuốc đặc trị lẫn vaccine dự phòng và cúm A cùng nhiều dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát. Ngay khi có thông tin vaccine mới, VNVC ghi nhận hàng nghìn người đã đăng ký từ nhiều địa phương trên cả nước.

Một khách hàng đưa con đi tiêm tại trung tâm tiêm chủng VNVC vào sáng 21/2. Menactra được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi.

Một khách hàng đưa con đi tiêm tại trung tâm tiêm chủng VNVC. Menactra được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi.

Chị Hòa Nhã (29 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM) cho biết chờ từ năm 2018, để tiêm phòng các bệnh do não mô cầu khuẩn tuýp A, C cho con, nay hơn 4 tuổi, nhưng vẫn không có. "Bây giờ vaccine mới không những phòng được hai tuýp A, C mà còn nhiều hơn nữa, vì thế tôi đăng ký tiêm cho con ngay", chị nói trong khi ngồi chờ tại phòng tiêm chủng.

Vaccine Menactra được chỉ định phòng các bệnh do não mô cầu khuẩn tuýp A, C, Y, W cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi. Sản phẩm của Sanofi Pasteur - một trong những tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới, với 100 năm kinh nghiệm sản xuất vaccine nói chung và 45 năm chế tạo vaccine phòng viêm não mô cầu nói riêng.

"Công nghệ sản xuất hiện đại giúp vaccine Menactra phòng nhiều tuýp vi khuẩn não mô cầu. Đồng thời lịch tiêm đơn giản, dễ nhớ, tính an toàn và hiệu quả cao, người dân thuận tiện hơn khi sử dụng. Trẻ 24 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi chỉ cần tiêm một liều là có thể bảo vệ trọn đời. Trẻ từ 9 tháng đến dưới 24 tháng sẽ tiêm phác đồ hai mũi, cách nhau ba tháng", Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha - Giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - nói.

Nhiều người cao tuổi đến trung tâm tiêm chủng VNVC để tiêm vaccine phòng bệnh.

Một khách hàng lớn tuổi tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, bệnh do não mô cầu khuẩn là nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis. Bệnh diễn biến phức tạp, dẫn đến viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não, viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết... Trong lâm sàng, thường gặp ba thể bệnh là: viêm màng não (50%), nhiễm khuẩn huyết (38%) và viêm phổi (9%).

Mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu, trong đó 135.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, hơn 600 trường hợp được ghi nhận mỗi năm, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm 14%. Riêng năm 1977, TP.HCM có 1.015 ca mắc bệnh do vi khuẩn não mô cầu tuýp C. Theo báo cáo từ Bộ Y tế, tính đến tháng 10/2018, có 32 ca viêm màng não do não mô cầu, trong đó hai ca tử vong.

"Hơn một tháng trước, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi 7 tháng tuổi trong tình trạng sốt cao suốt 12 tiếng. Sau khi nhập viện, trẻ xuất hiện thêm nhiều mảng ban đỏ bầm khắp người, lừ đừ vì sốt cao kéo dài, tử ban toàn thân, sốc. Bé được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết và não mô cầu khuẩn. Dù được điều trị tích cực hai tuần, bé thoát tình huống xấu nhất là tử vong nhưng chúng tôi phải cắt bỏ một số đốt ngón tay, chân, đồng thời tiếp tục điều trị ngoại khoa", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Bác sĩ Khanh cho hay, triệu chứng bệnh do não mô cầu khuẩn giống cảm, cúm thông thường nên khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Bệnh tiến triển nhanh, có thể gây ra các biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao. "50% ca tử vong nếu không chữa kịp thời. Ngay cả khi điều trị tích cực, bệnh vẫn có nguy cơ gây tử vong cao, tỷ lệ 10-15%. 10-20% ca may mắn sống sót nhưng chịu di chứng cả đời như khiếm thính, tổn thương não và thận, đoạn chi, các di chứng về hệ thần kinh hoặc để lại sẹo sâu do ghép da", bác sĩ nói thêm.

Để phòng bệnh do não mô cầu khuẩn, các chuyên gia khuyến cáo trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, nhất là người cao tuổi hay mắc các bệnh mạn tính... cần tiêm phòng sớm. Trong bối cảnh dịch Covid-19, cúm A... đe dọa sức khỏe cộng đồng và thời tiết thất thường, ô nhiễm, bụi mịn..., tiêm vaccine phòng bệnh nói chung và các bệnh do não mô cầu khuẩn rất cần thiết. Nếu không may mắc các bệnh lý này, việc điều trị sẽ kéo dài, khó khăn và tốn kém.

Bác sĩ Bùi Ngọc An Pha cho biết, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC nỗ lực mang đến người Việt nhiều loại vaccine mới chất lượng và cung cấp dịch vụ tiêm chủng an toàn với giá hợp lý. Qua việc đảm bảo quy trình tiêm chủng, nâng cao chất lượng dịch vụ và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trả góp Gói vaccine không lãi suất sẽ có thêm nhiều người, nhất là trẻ em được tiêm đầy đủ, đúng lịch, từ đó tăng khả năng ngừa dịch, đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Với 15 trung tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống kho lạnh bảo quản vaccine đạt chuẩn GSP... trên toàn quốc, VNVC trở thành hệ thống tiêm chủng hàng đầu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của trẻ em lẫn người lớn. Trung tâm cũng cung cấp nhiều loại vaccine thường khan hiếm như: sáu trong một (Infanrix Hexa, Hexaxim), năm trong một (Pentaxim), phòng các bệnh do phế cầu khuẩn Synflorix và Prevenar 13, bệnh do não mô cầu khuẩn, cúm mùa hay bệnh dại...

20h ngày 21/2, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức giao lưu trực tuyến "Vaccine mới phòng bệnh viêm màng não, viêm phổi do não mô cầu khuẩn và các bệnh dịch". Chương trình có sự góp mặt của bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM; Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh - Giảng viên bộ môn Miễn dịch - Sinh lý bệnh, Đại học Y Dược TP.HCM kiêm Phó giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Từ trái qua: bác sĩ Trương Hữu Khanh; thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh;hạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha.

Từ trái qua: bác sĩ Trương Hữu Khanh; thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh; Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha.

Theo VNE

Các tin cũ hơn