Mức độ tổn thương phổi do nCoV gây ra

Thứ bảy, 22/02/2020, 10:50
Kết quả sinh thiết phổi của một bệnh nhân tử vong do nCoV cho thấy các phế nang phổi bị tổn thương nghiêm trọng, phù phổi.

Theo một báo cáo trên tạp chí Lancet, dựa vào kết quả sinh thiết phổi của một bệnh nhân 50 tuổi tử vong, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra nhiều điểm tương đồng về đặc điểm bệnh lý giữa Covid-19 và SARS.

Các mẫu sinh thiết được lấy từ phổi của bệnh nhân này cho thấy tổn thương phế nang lan tỏa hai bên. Phổi phải hình thành màng trong còn phổi trái có biểu hiện bị phù phổi. Đây là các đặc điểm bệnh lý của Covid-19 rất giống với SARS và MERS. Hình ảnh X quang cũng thể hiện rõ sự phát triển nhanh chóng của viêm phổi và một số khác biệt giữa phổi trái và phổi phải. Ngoài ra, giảm bạch cầu là một đặc điểm phổ biến ở những bệnh nhân mắc nCoV và có thể là một yếu tố quan trọng liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh và tỷ lệ tử vong.

Kết quả sinh thiết từ gan của bệnh nhân này cũng cho thấy gan bị tổn thương ở mức độ tương đối. Tuy nhiên chưa rõ nguyên nhân do nCoV hay do các loại thuốc điều trị.

Các nhà khoa học không tìm ra sự thay đổi rõ ràng nào trong mô tim, có nghĩa là nCoV có thể không trực tiếp làm suy yếu tim.

Biểu hiện bệnh lý của mô phổi phải (A) và trái (B), mô gan (C) và mô tim (D) ở bệnh nhân bị viêm phổi nặng do nCoV gây ra. (Ảnh: Lancet)

Trước đó, ngày 14/1, bệnh nhân này bắt đầu có các triệu chứng ớn lạnh và ho khan nhưng không đi khám mà tiếp tục làm việc. Ngày 21/1, ông tới phòng khám chụp X-quang phổi và lấy mẫu bệnh phẩm họng. Ảnh chụp X-quang cho thấy có một vài bóng loang lổ ở cả hai bên phổi. Ngày 22/1 (ngày thứ 9 của bệnh), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc  đã xác nhận bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Ông lập tức được đưa vào khu cách ly và phải thở bằng oxy. Ôngđược điều trị kết hợp bằng nhiều loại thuốc khác nhau bao gồm thuốc chống nhiễm trùng alfa-2b, thuốc điều trị HIV lopinavir và ritonavir, và kháng sinh moxifloxacin nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp. Do khó thở và thiếu oxy nghiêm trọng, bệnh nhân đã được tiêm tĩnh mạch bằng thuốc methylprednisolone. Sau đó, ông hạ sốt từ 39°C xuống 36,4°C. Tuy nhiên, các triệu chứng ho, khó thở và mệt mỏi vẫn không thuyên giảm.

Ngày thứ 12 của bệnh, ảnh chụp X-quang phổi cho thấy có thêm nhiều bóng lan rộng ở cả hai bên. Ông đã từ chối hỗ trợ máy thở trong phòng chăm sóc đặc biệt nên nhân viên y tế cho ông thở bằng oxy dòng cao HFNC (với nồng độ 60%). Ngày thứ 13, các triệu chứng của bệnh nhân vẫn không cải thiện. Ngày thứ 14, ông cảm thấy càng khó thở hơn mặc dù đã được điều trị bằng oxy HFNC nồng độ 100%. Tim bệnh nhân ngừng đập dù các bác sĩ đã rất nỗ lực cứu chữa bằng cách cho ông thở máy xâm lấn, ép ngực và tiêm adrenaline. Ông qua đời ngày 27/1, sau hai tuần nhiễm bệnh.

Các phát hiện lâm sàng và bệnh lý này không chỉ giúp xác định nguyên nhân tử vong mà còn cung cấp những hiểu biết mới về cơ chế hoạt động của nCoV, từ đó có thể giúp các bác sĩ kịp thời vạch ra chiến lược điều trị cho những bệnh nhân nặng và giảm tỷ lệ tử vong.

Theo VNE

Các tin cũ hơn