Một cách nói bóng gió thường thấy trong các cuộc tranh luận ở Mỹ về tham vọng của Trung Quốc là Bắc Kinh không biết họ muốn tìm kiếm điều gì và các lãnh đạo chưa tính toán mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ tới đâu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng được tổng hợp và phân tích bởi các chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh thực sự nhắm đến vị trí cường quốc toàn cầu và có thể là vị trí số một thế giới trong thế hệ tiếp theo, theo Hal Brands, nhà phân tích của Bloomberg, giáo sư nổi tiếng của Trường nghiên cứu quốc tế tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ.
Kết luận này không phải dựa trên suy đoán. Các quan chức hàng đầu chính phủ và các thành viên của cơ quan chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ ràng điều này.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, hôm 22/4. (Ảnh:Xinhua). |
Chủ tịch Tập Cận Bình từng ám chỉ rất nhiều đến tham vọng này trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 19 hồi tháng 10/2017. Bài phát biểu đó đã thể hiện một trong những tuyên bố quyết đoán nhất về mục tiêu và chính sách của Bắc Kinh, cũng như cho thấy ông Tập hiểu rất rõ những gì Trung Quốc đã đạt được và phải có thêm những bước tiến gì trong tương lai.
Ông Tập tuyên bố Trung Quốc "đã vươn lên, giàu có và mạnh mẽ" và giờ đây "là nước tiên phong cho những quốc gia đang phát triển khác", đồng thời dùng "sự thông thái và cách tiếp cận của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề của nhân loại". Ông cam kết rằng tới năm 2049, Trung Quốc sẽ "trở thành lãnh đạo toàn cầu về sức mạnh tổng hợp quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc tế", cũng như sẽ xây dựng một "trật tự quốc tế ổn định" mà ở đó Trung Quốc sẽ hoàn toàn đạt được "trẻ hóa".
Theo giáo sư Hal Brands, đây là tuyên bố của một lãnh đạo rằng quốc gia của ông không chỉ tham gia vào các vấn đề toàn cầu mà phải thiết lập các quy định. Đồng thời, nó cũng cho thấy hai chủ đề cốt lõi trong các bài diễn thuyết về chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
"Đầu tiên là quan điểm hoài nghi sâu sắc về hệ thống quốc tế hiện tại. Các lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng cơ chế thương mại toàn cầu là yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển quân sự và kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, khi họ xem xét các yếu tố chính của thế giới mà Washington và các đồng minh đã tạo ra, họ hầu như xem đó là các mối đe dọa", ông Brands nói.
Trong quan điểm của Trung Quốc, các liên minh của Mỹ không bảo vệ hòa bình và sự ổn định, cản trở các tiềm năng của Trung Quốc và khiến các quốc gia châu Á thiếu công bằng với Bắc Kinh. "Họ cũng không xem việc phát triển nền dân chủ là điều tốt, mà xem đó là một mối đe dọa", theo Brands.
Trong lăng kính của Trung Quốc, các tổ chức quốc tế do Mỹ dẫn đầu dường như là công cụ để Washington áp đặt ý chí của họ lên các quốc gia yếu hơn. Bắc Kinh nhận ra một trật tự quốc tế tự do sẽ mang tới nhiều lợi ích nhưng không thích những nguyên tắc của nó, theo Nadege Rolland, thành viên cấp cao của Cục Nghiên cứu Quốc gia về châu Á ở thủ đô Washington, Mỹ.
Thứ hai, trật tự quốc tế phải được thay đổi rất nhiều, để Trung Quốc trở nên thật sự thịnh vượng, vững mạnh. Các lãnh đạo Trung Quốc có phần chưa rõ ràng trong việc mô tả thế giới mà họ muốn tạo ra, nhưng các phác thảo về nó ngày càng dễ hình dung hơn.
Liza Tobin, chuyên gia về Trung Quốc của chính phủ Mỹ, từng kết luận nếu ai đó nghiên cứu về tuyên bố của ông Tập và các quan chức hàng đầu khác, họ sẽ thấy "một mạng lưới quan hệ đối tác tập trung vào Bắc Kinh sẽ thay thế hệ thống liên minh của Mỹ" và thế giới sẽ dần nghiêng về Trung Quốc hơn là phương Tây.
Dựa trên một phân tích tương tự, Nadege Rolland đồng ý rằng Trung Quốc "khao khát bá chủ một phần", thống trị những khu vực rộng lớn ở phía nam bán cầu. Khi hướng tới vai trò lãnh đạo toàn cầu, Bắc Kinh muốn xây dựng một hệ thống mà ở đó các tổ chức quốc tế ủng hộ thay vì phản đối những chế độ quản lý hà khắc. Trong khi đó, nhiều học giả và chiến lược gia Trung Quốc đang bắt đầu chia sẻ cởi mở hơn về mục tiêu xây dựng "một trật tự kinh tế toàn cầu mới với Trung Quốc là trọng tâm".
"Có rất ít dấu hiệu cho thấy chân trời chiến lược của Bắc Kinh chỉ giới hạn ở phía Tây Thái Bình Dương hay thậm chí châu Á. Lời kêu gọi của ông Tập về 'một cộng đồng chia sẻ tương lai cho nhân loại' hồi năm 2019 cho thấy tham vọng tạo ra tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc", giáo sư Brands nhận định.
Giáo sư này nói thêm không cần phải tìm hiểu chi tiết để thấy được mục tiêu này sẽ yêu cầu tái thiết lập sự cân bằng địa chính trị hiện tại. Như ông Tập từng nhận xét cách đây vài năm, Trung Quốc phải kiên quyết hướng tới "một tương lai mà chúng ta sẽ giành được thế chủ động và có vị trí thống trị".
"Các lãnh đạo Trung Quốc thực sự luôn nói ít hơn những gì họ làm", giáo sư Brands cho biết.
Dù là chương trình đóng tàu hải quân được thực hiện với tốc độ đáng ngạc nhiên, nỗ lực kiểm soát các tổ chức quốc tế hiện có và tạo ra những tổ chức mới, vươn tầm sức mạnh quân sự tới Bắc Cực, Ấn Độ Dương và xa hơn nữa, mục tiêu thống trị ngành công nghiệp công nghệ cao của thế giới, Sáng kiến Vành đai và Con đường xuyên qua nhiều lục địa, Trung Quốc đều không có vẻ giống một quốc gia không có tham vọng địa chính trị lớn.
Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung cũng giống như Chiến tranh Lạnh nếu xem xét trên nhiều khía cạnh. Trong những năm 1970, một nhà nghiên cứu về Liên Xô hàng đầu của Mỹ từng kiên quyết khẳng định rằng Moskva đang trở thành một cường quốc nguyên trạng (tức là muốn duy trì hệ thống thứ bậc hiện hữu). Tuy nhiên, cảnh báo này có nghĩa phải "bỏ ngoài tai" những điều mà các lãnh đạo Liên Xô tuyên bố về việc cùng nhau tồn tại trong hòa bình, cũng như nỗ lực xây dựng sức mạnh quân sự và vị thế vững mạnh cho Thế giới thứ ba. Những dấu hiệu cảnh báo đã được chứng minh sau đó.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6/2019. (Ảnh: Reuters). |
Trung Quốc có vẻ không có một bản liệt kê từng bước cho mục tiêu trở thành bá chủ thế giới, giống những gì Liên Xô đã làm trong những năm 1970. Các lãnh đạo Trung Quốc không phải thiếu nhạy cảm với chi phí hoặc trở ngại: ông Tập có thể thấy được tầm quan trọng của việc thống nhất Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa ông sẽ liều mình xông vào cuộc chiến với Đài Loan.
Bắc Kinh thậm chí có thể chưa quyết định chọn cái nào trong hai con đường để có được tầm ảnh hưởng toàn cầu: thiết lập sự thống trị ở Tây Thái Bình Dương và mở rộng tầm ảnh hưởng từ đó, hoặc vượt qua vị trí của Mỹ trong khu vực bằng cách tăng cường sức mạnh chính trị và kinh tế khắp thế giới. Cuối cùng, Trung Quốc có thể không thực hiện được bất kỳ con đường nào. Có lẽ, vị thế của Trung Quốc sẽ được tăng cường nếu Covid-19 đủ khiến Mỹ và trật tự tự do vốn có suy yếu. Hoặc Trung Quốc cũng có thể gặp phải nhiều vấn đề nội bộ cùng làn sóng đối kháng từ bên ngoài khiến tham vọng của họ bị đình trệ.
Tuy nhiên, giáo sư Brands cho rằng tranh luận về điều Trung Quốc thực sự muốn làm đã lỗi thời, bởi các lãnh đạo Trung Quốc và các động thái của họ ngày càng cho thấy tham vọng của Bắc Kinh.
"Khi một đối thủ mạnh bắt đầu thông báo về tham vọng toàn cầu của mình, người Mỹ có lẽ nên xem xét những tham vọng đó một cách nghiêm túc", ông nói.
Theo VNE