Trung Quốc hôm 21/5 công bố dự luật an ninh Hong Kong, trong đó cấm những hành vi nổi loạn, ly khai và lật đổ. Theo tài liệu dự thảo luật, "các cơ quan an ninh quốc gia có liên quan của chính quyền trung ương sẽ thành lập trụ sở tại Hong Kong khi cần thiết, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia".
Các nhà đầu tư ngay lập tức thể hiện phản ứng đáng lo ngại trước kế hoạch của Bắc Kinh. HSI, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Hong Kong, hôm 22/5 giảm hơn 5%, mức giảm trong ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 7/2015. Đây dường như là dấu hiệu cho thấy luật an ninh có thể giáng đòn nặng nề lên nền kinh tế của đặc khu.
Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán HSI tại Hong Kong hôm 22/5, sau khi Trung Quốc công bố dự luật an ninh cho đặc khu. (Ảnh: Reuters). |
Nhờ những quyền tự do pháp lý và chính trị nhất định, cũng như không có các hạn chế về kinh doanh như Thượng Hải hay Thâm Quyến, Hong Kong được các công ty nước ngoài đánh giá là địa điểm hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, theo bình luận viên William Pesek của Nikkei, luật an ninh có nguy cơ khiến Hong Kong đánh mất vị trí nền kinh tế tự do thứ hai thế giới như lời ca ngợi của Quỹ Di sản. Tổ chức có trụ sở tại Mỹ này chỉ ra rằng Hong Kong có được vị thế như vậy nhờ các mức thuế không đáng kể, thêm vào đó là những khu vực miễn thuế, dòng vốn tự do và chế độ pháp trị minh bạch.
Nghiêm trọng hơn, Mỹ năm ngoái thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, yêu cầu Bộ Ngoại giao hàng năm phải xem xét mức độ tự trị của thành phố. Nếu đánh giá của Bộ Ngoại giao cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã áp đặt nhiều quyền kiểm soát hơn với đặc khu, Washington có thể tước trạng thái thương mại đặc biệt của Hong Kong, đặc quyền giúp thành phố không phải chịu các mức thuế mà Mỹ áp với Trung Quốc, đồng thời được hưởng những ưu đãi khác về kinh tế, thương mại.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Citi cho biết với việc hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động ở Hong Kong, mối đe dọa đối với trạng thái thương mại đặc biệt của thành phố "có thể ảnh hưởng tới lòng tin thương mại". Pesek cũng nhận định điều này có thể khiến Hong Kong mất sức hút như một cửa ngõ đầu tư vào Trung Quốc.
Kế hoạch áp luật an ninh với Hong Kong được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế thành phố chao đảo sau các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng hồi năm ngoái, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng như tác động của Covid-19. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hong Kong giảm 5,3% trong quý đầu tiên năm nay. Động thái của Bắc Kinh được cho là sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn, khi luật an ninh có thể tác động trực tiếp đến tự do kinh tế theo nhiều cách khác nhau.
Một trong những điểm gây lo ngại của dự luật là việc hình sự hóa "sự can thiệp từ nước ngoài", nhưng không nêu cụ thể đâu là mục tiêu đánh giá hay giới hạn của "hành động can thiệp" là gì. "Nếu bản báo cáo của Goldman Sachs về Hong Kong làm dấy lên nghi ngờ đối với dữ liệu GDP của Trung Quốc thì việc kinh doanh của họ có gặp rủi ro không", Pesek đặt câu hỏi.
Bình luận viên này còn nêu khả năng dự luật dẫn độ châm ngòi cho làn sóng biểu tình năm ngoái, cũng có thể được đưa ra thảo luận trở lại ở Hong Kong dưới sức ép của Bắc Kinh, gây lo lắng cho các công ty đa quốc gia hoặc nhóm khởi nghiệp. Họ có lẽ cũng e dè trước nguy cơ Bắc Kinh cải tổ hệ thống tư pháp và ngân hàng Hong Kong. "Những doanh nghiệp nước ngoài tạo ra hàng triệu việc làm cho đặc khu sẽ tự hỏi tại sao họ nên ở lại", Pesek nói.
Giới chuyên gia dự đoán phản ứng của cư dân Hong Kong với luật an ninh sẽ rất dữ dội, có thể khiến làn sóng biểu tình trỗi dậy một lần nữa. Hôm 24/5, hàng nghìn người chặn đường và hô khẩu hiệu phản đối chính quyền, khiến lực lượng an ninh phải triển khai xe bọc thép, vòi rồng và phun hơi cay.
Những cuộc biểu tình kéo dài hơn 6 tháng năm ngoái dẫn tới đợt suy thoái đầu tiên của Hong Kong sau một thập kỷ. Tình trạng bất ổn gây tổn hại nghiêm trọng tới doanh số bán lẻ tại đặc khu, nơi thu được 65% GDP từ tiêu dùng cá nhân. Ngành du lịch cũng chịu tác động sâu sắc, trong khi thị trường bất động sản sụp đổ, khiến giá nhà trung bình năm 2019 giảm 29% và đang tiếp tục lao dốc.
Theo Pesek, xu hướng đi xuống này có khả năng sẽ tiếp diễn sau khi luật an ninh mới có hiệu lực tại Hong Kong, đạo luật mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi là "cái kết" với quyền tự trị của đặc khu.
Theo VNE