Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP.HCM, cho biết biến thể Delta (B.1.167.2, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là có khả năng lây lan nhanh và làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine. Theo đó, một người nhiễm chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2 đến 4 người khác; chủng Alpha (B.1.1.7, phát hiện đầu tiên ở Anh) lây cho đến 7 người, còn chủng Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.
Kết quả giải trình tự gene virus cho thấy biến chủng Delta đang chiếm ưu thế trong đợt dịch thứ 4, đặc biệt ở các tỉnh miền trung và miền nam hiện nay. Chủng này khiến cho các tỉnh khu vực phía Nam ghi nhận nhiều trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn một ngày tiếp xúc phơi nhiễm, theo ông Lân.
"Chưa chắc chắn biến thể Delta gây bệnh cảnh nặng hơn, nhưng khi số mắc tăng cao, cũng như quá tải hệ thống y tế thì có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn", giáo sư Lân nói.
Biến chủng Delta phát hiện đầu tiên ở Yên Bái, sau lây nhiều nơi trong đó có Bắc Giang, địa phương dẫn đầu số ca cộng đồng trong đợt dịch thứ 4. Với gần 5.000 ca nhiễm từ 27/4 đến sáng 3/7, TP HCM đang xếp thứ hai cả nước. Số ca nhiễm chưa có dấu hiệu suy giảm, nhiều trường hợp không xác định được nguồn lây và yếu tố dịch tễ.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, một biến chủng mới khi xảy ra sẽ có một nhóm có độc lực cao, một nhóm có độc lực thấp hơn. Cụ thể, vòng đời một nhóm của virus chỉ trung bình 3-5 ngày, sau đó xoay chuyển liên tiếp chứ không đứng yên một trạng thái. Riêng các nhóm trong vòng đời tiếp của chủng Delta có biến đổi nhưng chỉ một số thay đổi nhỏ, không tạo thành biến chủng mới.
Bác sĩ Hùng phân tích, nhóm virus độc lực cao sẽ gây triệu chứng bệnh sớm, người nhiễm được phát hiện, cách ly điều trị riêng. Từ đó, nhóm này không có điều kiện để lây lan tiếp. Còn nhóm có độc lực thấp thường không biểu hiện triệu chứng bệnh, hoặc chỉ triệu chứng nhẹ, khó phát hiện. Điều này khiến người bệnh trong cộng đồng nhiều, virus có cơ hội lây lan, sinh sôi tiếp tục.
Theo bác sĩ Hùng, Delta là biến chủng có tốc độ lây lây nhiễm cao hơn nhưng lõi virus vẫn như cũ, khác biệt thường ở trên các gai virus. Số lượng gai virus chủng này có thể tăng, dẫn đến khả năng gắn kết vào các tế bào của vùng hầu họng mạnh hơn, xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm bệnh.
"Chẳng hạn với các chủng cũ, số lượng gai virus có thể ít hơn, các phản xạ như nuốt có thể làm cho virus không bám vào được tế bào vùng hầu họng nên không gây nhiễm bệnh", bác sĩ Hùng giải thích.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP.HCM, chiều 25/6, cho biết thêm nCoV sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện hai trạng thái, một là gia tăng độc lực ở thời gian đầu, nếu biến chủng; còn nếu không biến chủng tiếp thì độc lực giảm ở thời gian kế tiếp. Khi độc lực virus giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Điều này dẫn đến các ca chỉ điểm (ca phát hiện đầu tiên) hầu hết mắc bệnh mức độ nhẹ, nếu không đi khám sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu.
Cùng quan điểm, Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết biến chủng mới Delta khiến đợt dịch lần này phức tạp hơn. Khoảng 80% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc nhẹ dẫn đến khó biết được ai là người mang mầm bệnh trong cộng đồng, khiến nguy cơ lây nhiễm hiện hữu xung quanh. Người mắc bệnh nhưng không biết hoặc có khả năng tự khỏi nhưng đã lây bệnh cho những người khác trong thời gian mắc.
"Do đó, việc truy tìm F0 tuy cần thiết nhưng trong tình hình hiện nay thì gần như là vô phương", ông Nga nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng đang phun khử khuẩn tại chợ Bình Tân sau khi phát nhiều các ca mắc mới. Ảnh: Hữu Khoa
Phân tích dữ liệu dịch tại Bắc Giang và TP.HCM thời gian qua, của VnExpress, cho thấy trong 36 ngày bùng phát dịch, trung bình một ngày TP.HCM ghi nhận 118 ca; Bắc Giang ghi nhận 113 ca. Về đặc thù, Bắc Giang lây nhiễm trong khu công nghiệp còn TP.HCM và các tỉnh phía Nam lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh, khu công nghiệp, bệnh viện. Nhiều ổ dịch âm thầm lây nhiễm, không được phát hiện, không tìm được nguồn lây và đường dịch tễ để khoanh vùng.
Hiện, Sở Y tế TP.HCM tăng cường tổ công tác đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao như ga Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga..., giám sát phòng chống dịch trong khu công nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh. Phương châm là "thần tốc", "truy vết", "khoanh vùng rộng" và "cách ly hẹp".
Các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Tiền Giang, Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Ngãi tiếp tục mở rộng vùng giãn cách, cách ly xã hội khi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng.
Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần ý thức hơn tầm quan trọng của các biện pháp 5K để bảo vệ cho mình và người nhà trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp. Các tỉnh cần đẩy nhanh tiêm phòng vaccine cho người dân, nâng cao miễn dịch cộng đồng.
Theo VNE