Biến chủng Delta xâm nhập đã khiến dịch bệnh đồng loạt bùng phát tồi tệ chưa từng có ở khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia trong khu vực đã phải thi hành nhiều biện pháp khẩn cấp với hy vọng kiềm chế đà lây lan của virus, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực vẫn ở mức rất thấp so với Mỹ và châu Âu.
Indonesia là quốc gia hứng chịu làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Số ca mắc Covid-19 ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới liên tục gia tăng nghiêm trọng tới mức các chuyên gia y tế cảnh báo nước này có thể rơi vào thảm kịch tương tự Ấn Độ nếu không sớm thi hành các biện pháp hạn chế mạnh tay hơn.
Trong 11 ngày qua, có tới 7 ngày số ca mắc Covid-19 ở Indonesia phá kỷ lục trước đó. Hôm 1/7, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này ghi nhận 24.836 người mắc Covid-19, cùng 504 ca tử vong vì dịch bệnh. Cả hai chỉ số đều ở mức cao chưa từng có.
Tới nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 2,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 58.995 bệnh nhân tử vong.
Các bệnh viện trên khắp đảo Java đã quá tải từ lâu. Ở thủ đô Jakarta, một số đơn vị cấp cứu đã phải chuyển bệnh nhân tới các khu lều bạt đặt tại bãi đỗ xe để giải phóng phòng bệnh.
Khoảnh khắc nhân viên nghĩa trang nằm nghỉ ngay trên ngôi mộ ở Indonesia sau khi chôn cất bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Nguồn cung oxygen cho điều trị y tế tại Indonesia đã tăng gấp 3 lần trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Trong khi đó, giá oxygen đã tăng gần gấp 3, từ 50 USD/bình lên 140 USD/bình.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết 75% sản lượng oxygen dùng cho sản xuất công nghiệp sẽ được chuyển sang phục vụ điều trị y tế.
Tại Thái Lan, làn sóng dịch bệnh thứ 3 bắt đầu từ tháng 4 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồ thị diễn biến dịch bệnh tại Thái Lan vẫn tiếp tục leo dốc kể từ 12/6. Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Thái Lan liên tục trên mức 3.000 trường hợp kể từ 14/6.
Hôm 2/7, Thái Lan ghi nhận 6.087 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, cao thứ 2 chỉ sau "ngày kinh hoàng" 17/5. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng ghi nhận 61 trường hợp tử vong vì Covid-19, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong phá kỷ lục.
Trong khi đó, sau thời gian ngắn ngủi dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt, số ca mắc Covid-19 ở Malaysia đang một lần nữa quay đầu. Từ 25/6, số ca mắc mới mỗi ngày ở Malaysia liên tục hôm sau cao hơn hôm trước.
Hôm 2/7, Malaysia ghi nhận 6.982 trường hợp dương tính với virus corona cùng 72 ca tử vong.
Tại Myanmar, sự xuất hiện đồng loạt của 3 biến chủng Alpha, Delta và Kappa đặt nước này vào tình trạng báo động. Số ca mắc Covid-19 ở Myanmar đang tăng nhanh với tốc độ chóng mặt.
Nếu như ngày 6/6, Myanmar chỉ ghi nhận 64 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV2, thì đến ngày 1/7, số người mắc Covid-19 trong 24 giờ ở nước này đã tăng lên 2.070. Đây là ngày có số người mắc bệnh cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Báo cáo của chính quyền quân sự Myanmar cho biết tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở Myanmar trong ngày 1/7 lên tới 22%. Các chuyên gia y tế nghi ngờ số ca mắc Covid-19 thực tế ở Myanmar cao hơn nhiều do quy mô xét nghiệm ở nước này rất hạn chế.
Tới nay, ngoại trừ Singapore, Malaysia và Campuchia, tốc độ tiêm chủng ở các nước Đông Nam Á còn lại vẫn ở mức thấp so với Mỹ hay châu Âu.
Thái Lan hiện mới chỉ tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 9,67 triệu người. Trong số này, 6,91 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, tương đương 9,9% dân số. Số người đã được tiêm đủ liều vaccine là 2,76 triệu, tương đương 4% dân số.
Ở Indonesia, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 11,3%, trong khi số người đã tiêm đủ liều vaccine mới chỉ đạt 5,1%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng tại Philippines là 7,4%, còn ở Myanmar là dưới 5%.
Hôm 1/7, Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia bắt đầu áp đặt các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus corona. Theo đó, nước này siết chặt các hình thức di chuyển bằng mọi phương tiên. Nhà hàng bị cấm phục vụ tại chỗ. Các doanh nghiệp không thiết yếu phải dừng hoạt động.
Đảo Java, nơi chiếm gần 60% dân số của Indonesia, cùng đảo du lịch Bali bị đặt dưới các biện pháp khẩn cấp. Sau 3 tuần, nhà chức trách sẽ đánh giá lại để quyết định các biện pháp ứng phó dịch bệnh tiếp theo.
Một thiếu niên được xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Jakarta. Ảnh: Reuters. |
Tại Malaysia, lệnh phong tỏa toàn quốc, ban đầu dự kiến kết thúc ngày 29/6, đã được kéo dài vô thời hạn. Người dân ở thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor bị cấm ra khỏi nhà sau 20h trừ các mục đích thực sự thiết yếu. Nhà chức trách cho biết lệnh phong tỏa sẽ chỉ được dỡ bỏ khi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày giảm xuống dưới 4.000.
Trong khi đó, Thái Lan đầu tuần qua đã phải ban bố các biện pháp siết chặt kiểm soát mới. Thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác đã tạm đóng cửa các nhà hàng. Mọi hoạt động tụ tập ngoài trời trên 20 người đều bị cấm.
Hàng trăm công trường xây dựng, khu nhà ở cho công nhân ở thủ đô Bangkok và một số tỉnh lân cận đã bị đóng cửa nhằm ngăn dịch bệnh lan rộng, đồng thời công nhân bị yêu cầu cách ly tại chỗ. Dẫu vậy, hàng trăm công nhân vẫn kịp rời khỏi Bangkok trước khi lệnh cách ly có hiệu lực.
Bất chấp diễn biến dịch bệnh ở khu vực đang ngày càng "nóng", một số nước vẫn nuôi hy vọng sớm mở cửa nền kinh tế. Cũng tại Đông Nam Á, chúng ta sẽ chứng kiến hai cuộc "đại thử nghiệm" về việc chung sống với dịch: Singapore và Phuket.
Thái Lan là quốc gia đi đầu khi chào đón du khách quốc tế trở lại đảo du lịch Phuket từ 1/7 mà không cần cách ly nếu thỏa mãn một số điều kiện.
Theo kế hoạch "Phuket Sandbox", khách du lịch đến Phuket phải có giấy xác nhận nhập cảnh (COE) của Đại sứ quán Thái Lan đặt ở nước sở tại, và đã được tiêm đủ liều vaccine. Ngoài ra, du khách cũng cần kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng ba ngày trước đó.
Ngay trong tháng 7, dự kiến có tổng cộng 426 chuyến bay, với hơn 8.200 hành khách trong nước và 3.600 khách quốc tế đến Phuket.
Tại Singapore, các quan chức cũng đã bắn đi những tín hiệu đầu tiên cho thấy nước này đã sẵn sàng sống chung với Covid-19 để có thể mở cửa trở lại nền kinh tế.
"Chúng tôi đang xây dựng lộ trình, thời gian mở cửa trở lại dựa trên tỷ lệ tiêm chủng, thông tin chi tiết sẽ được công bố khi mọi thứ sẵn sàng", Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong cho biết hồi cuối tháng 6.
Singapore hiện là nước dẫn đầu Đông Nam Á về tỷ lệ tiêm chủng. Ít nhất 36,7% dân số Singapore đã được tiêm đủ liều vaccine Covid-19, trong khi hơn 57% người Singapore đã được nhận ít nhất một liều vaccine.