Ngày 3/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết thành phố đã có những thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng trước tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng nhanh.
Cụ thể, thành phố sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng. Trung tâm Y tế quận huyện và trạm y tế sẽ đảm trách lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm.
Các lực lượng này chỉ tập trung công việc của mình, không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả và công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.
Việc phân công lực lượng này nhằm đàm bảo 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng một giờ sau khi nhận được thông tin; các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và người trong ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.
Một khu vực dân cư bị phong tỏa do liên quan đến ca mắc Covid-19 tại quận Bình Thạnh. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tùy theo từng đối tượng sẽ có các nguyên tắc riêng. F1 sau khi được lập danh sách sẽ được chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận huyện để điều tra dịch tễ. Họ sẽ được làm test nhanh ngay và lấy mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR.
Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, ca nghi nhiễm này sẽ được xử lý như trường hợp đang chờ kết quả khẳng định rT-PCR.
Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của HCDC và có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ hoặc sớm hơn.
Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2-3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.
Về việc khoanh vùng, thành phố xác định khu vực khoanh vùng trong một giờ hoặc sớm hơn kể từ khi xác định có F0 trong cộng đồng.
Nhân viên điều tra dịch tễ sẽ tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.
Theo đó, để khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng, vùng cách ly y tế (khu vực phong tỏa) sẽ được thiết lập theo quy mô phù hợp với tình hình dịch bệnh như cụm dân cư, khu phố, dãy phố, thôn, tổ, đội, ấp, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị.
HCDC cho biết trong vòng một giờ sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19, hoạt động điều tra nhanh dịch tễ ca F0 sẽ được lực lượng chức năng tiến hành kết hợp đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý, thiết lập khu vực phong tỏa.
Đồng thời lực lượng chức năng cũng dựa vào kết quả xét nghiệm các đối tượng tiếp xúc để xem xét phạm vi phong tỏa. Nếu xét nghiệm lần đầu tất cả đều cho kết quả âm tính và các F1 đều được đưa đi cách ly thì nhà chức trách sẽ xem xét thu hẹp phạm vi phong tỏa.
Nếu kết quả xét nghiệm lần đầu phát hiện thêm ca bệnh, lực lượng chức năng cần điều tra lại tất cả các ca bệnh này để đánh giá nguy cơ. Chỉ định phong tỏa ít nhất 14 ngày hoặc kéo dài thời gian hơn (tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh) khi phát hiện có lây nhiễm trong cộng đồng.
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại khu vực phong tỏa. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tại khu vực phong tỏa cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly y tế theo quy định. Việc thực hiện cách ly tại từng hộ gia đình trong cộng đồng với nguyên tắc nhà cách ly với nhà.
Những người trong khu vực cách ly không ai được ra khỏi nhà, trừ người có nhiệm vụ hoạt động trong khu vực phong tỏa do Ban chỉ đạo chống dịch phường xã phân công.
Trước nhà để bàn đựng vật phẩm tiếp tế; dưới bàn là chỗ để chất thải và quy định thời gian để chất thải và thu gom chất thải trong vùng. Đồng thời, những nhà có người được chỉ định cách ly tại nhà cần dán bảng thông báo trước cửa nhà để phân biệt với các nhà khác trong khu vực phong tỏa.
Theo HCDC, các tổ Covid-19 cộng đồng trong khu vực phong tỏa sẽ được kích hoạt để làm cầu nối giữa người dân trong khu vực phong tỏa với bên ngoài, cũng như ghi nhận tình hình sức khỏe của người dân để báo cáo và kịp thời xử lý.
Theo bản tin tối 3/7 của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 922 ca mắc mới trong ngày. Trong đó, 8 ca nhập cảnh, 914 ca trong nước. Đây là ngày có số lượng bệnh nhân mới cao kỷ lục. Riêng TP.HCM ghi nhận 714 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân mới tại các tỉnh, thành phố khác là: Bình Dương (38), Phú Yên (37), Đồng Nai (32), Quảng Ngãi (16), Nghệ An (14), Đồng Tháp (12), Tiền Giang (12), Hưng Yên (10), Bình Định (5), Lâm Đồng (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bạc Liêu (3), Vĩnh Long (3), Bắc Ninh (2), Long An (2), Trà Vinh (2), Khánh Hoà (1), Bình Phước (1), An Giang (1), Đắk Lắk (1). Như vậy, tính đến 18h ngày 3/7, Việt Nam có tổng cộng 17.199 ca ghi nhận trong nước và 1.844 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 15.629 ca, trong đó có 4.869 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. |