3 thay đổi chiến lược của TP.HCM để kiểm soát dịch trước 10/7

Thứ bảy, 03/07/2021, 21:46
Thời gian giãn cách xã hội ngày càng dài ra, nhưng chu kỳ 1.000 ca nhiễm của TP.HCM đang ngắn lại. TP.HCM thay đổi chiến lược chống dịch để phù hợp tình hình mới.

Giai đoạn đầu, TP.HCM mất 51 ngày để vượt ngưỡng 1.000 ca nhiễm (từ 27/4 đến 16/6). Chu kỳ 1.000 ca nhiễm ngày càng ngắn lại. Cứ khoảng mỗi 4 ngày, số ca mắc lại tăng từ 2.000 lên 3.000, rồi 3.000 lên 4.000. Ngày 3/7, TP.HCM vượt mốc 5.000 ca nhiễm khi mới 2 ngày trước, số bệnh nhân vừa vượt ngưỡng 4.000.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình dịch tại TP.HCM "rất khó lường" khi số bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày tăng nhanh; dịch lan rộng ra các địa phương khác; và ca nhiễm cộng đồng có xu hướng tăng. Phân tích thêm về tình trạng này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định các biện pháp phòng chống dịch đã từng bước phát hiện thêm nhiều ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng.

Đặt mục tiêu kiểm soát dịch trước 10/7, thời gian qua, TP.HCM liên tục có nhiều thay đổi trong chiến lược, từ nhân lực, cách tổ chức đến phương pháp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. "Trong điều kiện, tình hình mới, phải khẩn trương thay đổi cách thức phù hợp tình hình", ông Phong nói.

Tái tổ chức lực lượng

Khi số ca nhiễm gần chạm ngưỡng 1.000, ngày 15/6, Thường trực UBND TP.HCM thống nhất giao Phó chủ tịch Dương Anh Đức gác hết mọi công việc để tập trung chống dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cũng bắt đầu đổi sang họp hàng ngày dưới sự chủ trì của ông Đức.

Trong điều kiện mới, phải khẩn trương thay đổi cách thức phù hợp tình hình.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Khi đó, vị phó chủ tịch vừa điều hành Tổ công tác mua và tiêm vaccine, chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng trên 800.000 liều trong 7 ngày; vừa chỉ đạo nâng công suất các khu cách ly tập trung, khu điều trị theo kịch bản mới khi số ca nhiễm tăng nhanh; vừa đi thị sát, kiểm tra việc phòng, chống dịch tại các điểm nóng nguy cơ cao.

Từ tuần giãn cách xã hội thứ 3, các cuộc họp nội bộ của ban chỉ đạo diễn ra đột xuất và thường xuyên hơn dưới sự chủ trì của Chủ tịch UNBD TP.HCM Nguyễn Thành Phong và sự tham dự của lãnh đạo Thành ủy TP.HCM. Khi đó, ca nhiễm mỗi ngày duy trì mức 3 con số. Chiến dịch tiêm vaccine xuất hiện những “chuệch choạc” bước đầu, theo nhận định của Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh. Phó chủ tịch UNBD TP.HCM Dương Anh Đức cũng thừa nhận việc giãn cách xã hội còn chưa nghiêm ở một số nơi.

TP.HCM thay doi chien luoc de kiem soat dich anh 2

TP.HCM điều động thêm 4 lãnh đạo làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: HMC.

28/6, ngày giãn cách xã hội thứ 29, số ca nhiễm tại TP.HCM vượt ngưỡng 3.000. Thành ủy TP.HCM điều động thêm Phó bí thư Thường trực Phan Văn Mãi tham gia ban chỉ đạo. Ngày 29/6, TP.HCM lập 22 tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cho 22 quận, huyện, TP; và 3 tổ công tác tương tự hỗ trợ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Ngày 1/7, khi số ca nhiễm vượt mốc 4.000, ông Nguyễn Thành Phong chính thức ký công văn bổ sung 4 Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.

Như vậy, Ban chỉ đạo có 7 phó ban gồm: Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM (Phó trưởng ban Thường trực); bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM; ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế.

Ông Phong giao Phó chủ tịch UNBD TP.HCM Ngô Minh Châu là tổng chỉ huy các vấn đề liên quan đến xét nghiệm. Ông Nguyễn Hữu Hiệp phụ trách toàn bộ vấn đề về cách ly. Trong khi đó, Phó chủ tịch UNBD TP.HCM Dương Anh Đức tập trung cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 sẽ diễn ra ngày 7-8/7.

TP.HCM thay doi chien luoc de kiem soat dich anh 3

TP.HCM trao quyền tự quyết cho các địa phương trong thiết lập khu vực phong tỏa. Ảnh: Chí Hùng.

Bên cạnh tái tổ chức lực lượng, TP.HCM phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương.

Ngày 28/6, Chủ tịch UBND TP.HCM chính thức chia 22 quận, huyện, TP thành 3 nhóm nguy cơ: Nhóm nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nơi có nguy cơ. Cùng với quyết định này, ông Phong cho phép chủ tịch UBND các địa phương toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn.

Các địa phương lập tức thể hiện sự chủ động trong công tác phòng chống dịch. Ngày 29/6, huyện Hóc Môn phong tỏa thêm 3 ấp khi địa phương này ghi nhận 295 ca nhiễm. Cùng ngày, quận Bình Tân yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động chợ truyền thống trên địa bàn.

Tại cuộc họp sáng 2/7, ông Phong tiếp tục yêu cầu các địa phương phân nhóm nguy cơ cao, rất cao và có nguy cơ đến từng phường xã, khu phố để có giải pháp phù hợp. Phó bí thư Phan Văn Mãi cũng khẳng định các địa phương có quyền tự quyết trong việc khu vực nào áp dụng chỉ thị nào.

Ông Nguyễn Thành Phong và ông Phan Văn Mãi đều nhấn mạnh tinh thần chủ động, tự quyết của các địa phương. Phó bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định sau chủ trương phân cấp, hoạt động phòng, chống dịch của thành phố đã mạch lạc, đồng bộ và hiệu quả hơn.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm

“Chậm và nhiều vấn đề còn phải khắc phục”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói về quy trình triển khai xét nghiệm của TP.HCM, từ tổ chức lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm đến phân phối giữa các phòng thí nghiệm và đặc biệt là khâu hợp mã để ra kết quả.

Trong báo cáo ngày 1/7, Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận tình trạng trả kết quả xét nghiệm chậm tại các khu cách ly, dẫn đến phát hiện ca bệnh trễ, nguy cơ lây nhiễm cao cho người cùng phòng, khiến người cách ly bức xúc.

Vấn đề không phải năng lực, mà là tổ chức xét nghiệm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Sở Y tế cho biết từ 26/5 đến 30/6, TP.HCM đã lấy hơn 1,4 triệu mẫu xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, TP mới chỉ sử dụng hơn 128.000 trên tổng số 252.000 bộ xét nghiệm nhanh. Ngoài ra, Sở cũng cấp hơn 169.000 bộ xét nghiệm nhanh cho các quận, huyện.

“Số lượng chúng ta sử dụng rất hạn chế”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Ông nhấn mạnh khuyến cáo của Bộ Y tế về việc tăng cường năng lực cũng như số lượng bộ xét nghiệm nhanh để cung cấp cho địa phương, đảm bảo phát hiện sớm, truy vết càng nhanh càng tốt.

Đồng tình với nhận định của ông Sơn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo phải đẩy nhanh thực hiện xét nghiệm nhanh, “không để tồn đọng”. Sở Y tế cho biết đang chuẩn bị kế hoạch sử dụng từ 100.000 đến 200.000 bộ xét nghiệm nhanh mỗi ngày, trong đơn vị y tế và thí điểm tại khu công nghiệp. Chủ tịch UBND TP.HCM Phong cũng khẳng định thành phố có 3 đơn vị cung ứng bộ xét nghiệm nhanh và nguồn cung đáp ứng nhu cầu.

“Vấn đề không phải năng lực, mà là tổ chức xét nghiệm”, ông Phong chỉ ra.

TP.HCM thay doi chien luoc de kiem soat dich anh 4

TP.HCM xét nghiệm diện rộng toàn cộng đồng bằng hình thức lấy mẫu PCR gộp 10 hoặc 15. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ngày 1/7, ngày đầu tiên nhiều địa phương tại TP.HCM tổ chức lấy mẫu tầm soát diện rộng cho người dân toàn địa bàn. Riêng TP Thủ Đức được giao lấy 600.000 mẫu/ngày, quận Bình Thạnh và Gò Vấp lấy 200.000 mẫu/ngày. Tất cả sử dụng phương pháp lấy mẫu PCR gộp 10 hoặc 15.

TP Thủ Đức đã không thể lấy mẫu trong sáng 1/7 như kế hoạch do sinh phẩm đến muộn. Còn quận Bình Thạnh phải lùi lịch xét nghiệm xuống buổi chiều do đội lấy mẫu chưa sẵn sàng.

Từ báo cáo của TP Thủ Đức, Thứ trưởng Sơn thẳng thắn nhận định nếu chỉ xét nghiệm PCR mẫu gộp trên địa bàn này thì “chắc chắn không đảm bảo được”. Do đó, ông đề nghị sử dụng hiệu quả bộ xét nghiệm nhanh thời gian tới. Ông nêu thêm tình trạng có khu vực bà con đã cách ly 21 ngày nhưng chưa được gỡ phong tỏa do trả kết quả xét nghiệm chậm.

Không chạy theo số lượng mà phải làm sao xét nghiệm để không bỏ sót F0.

Phó bí thư Phan Văn Mãi

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương cần tổ chức không gian xét nghiệm theo hướng giãn cách cả thời gian và địa điểm. Ông Sơn gợi ý thay vì lấy mẫu tại các trường học, tập trung lượng người lớn, gây ảnh hưởng đến thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 10, địa phương nên lấy mẫu ở đầu các con hẻm.

Từ góp ý của Thứ trưởng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhắc nhở các địa phương không để xảy ra ùn ứ tại các khu lấy mẫu cộng đồng.

Phó bí thư Phan Văn Mãi cũng cho biết ông nhận thông tin một vài quận, huyện đề nghị không ấn định thời gian xét nghiệm trong 1-2 ngày mà nên kéo dài để làm đầy đủ. Ông khẳng định mục tiêu 5 triệu mẫu và khoảng thời gian mà thành phố đưa ra chỉ là khung.

"Thực tế không chạy theo số lượng mà phải làm sao xét nghiệm để không bỏ sót F0. Không phải đạt được số lượng, thời gian làm thành tích”, ông Mãi quán triệt.

Tổ chức lại khu cách ly tập trung

Sở Y tế ước tính mỗi ngày có 300 đến 500 người mới nhập khu cách ly tập trung và cho biết đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tại đây. Cụ thể như khu cách ly thiếu camera giám sát; rác thải ùn ứ, gây nguy cơ lây nhiễm; công tác thu dung điều trị đang quá tải, hồ sơ chuyển viện nhiều thủ tục; một số trường hợp nhiễm bệnh vẫn chờ tại khu cách ly, gây tâm lý hoang mang cho người bệnh và người cách ly.

Chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn còn đầy bất cập.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình

Chiều 30/6 và 1/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chủ trì liên tiếp 2 cuộc họp để giải quyết vấn đề của các khu cách ly tập trung. Qua kiểm tra, ông Phong đánh giá một số khu cách ly chưa đảm bảo và “dứt khoát phải tổ chức lại”.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu sắp xếp tối đa 2 người mỗi phòng cách ly, phải có nhà vệ sinh cá nhân, có camera, Wi-Fi phục vụ người cách ly. Các địa phương không sử dụng trường học làm khu cách ly mà tận dụng khách sạn, nhà nghỉ, nhà tái định cư trên địa bàn. Các quận, huyện cũng cần thí điểm cách ly F1 tại nhà dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng khu công nghiệp phải sớm tiến hành vừa cách ly, vừa sản xuất.

Ông Phong cũng giao Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Nguyễn Hữu Hiệp (Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM) trực tiếp phụ trách toàn bộ vấn đề về cách ly. Thành phố cũng thành lập riêng một Ban quản lý khu cách ly tập trung do Bộ Tư lệnh TP.HCM làm tổ trưởng.

Về công tác điều trị, hiện, 5.000 giường tại thành phố đã gần hết công suất. TP.HCM chỉ đạo triển khai kịch bản hơn 10.000 giường và đang xây dựng kế hoạch 15.000 giường.

TP.HCM thay doi chien luoc de kiem soat dich anh 5

Các khu cách ly tập trung tại TP.HCM được đánh giá còn nhiều vấn đề tồn tại. Ảnh: Chí Hùng.

“Chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn còn đầy bất cập”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định.

Ông cho rằng ngay từ đầu dịch, TP.HCM đã lường hết các nguy cơ trong khu dân cư, khu công nghiệp, nhà trọ, bệnh viện, chợ và cũng có kế hoạch ứng phó. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá “trên thực tế vẫn chưa đạt”.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị TP.HCM rà soát lại bộ tiêu chí đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đã phù hợp với biến chủng mới (Delta) chưa. Các địa phương cần đánh giá tình hình và tùy diễn biến thực tế để áp dụng Chỉ thị 10, 15 hoặc 16. Nếu để xảy ra dịch thì người đứng đầu chịu trách nhiệm.

“Cần đánh giá tình hình để cố gắng làm sao quyết liệt cuối tháng 7, dịch giảm rõ, giảm sâu. Đến tháng 8 hết dịch”, Phó Thủ tướng đặt mục tiêu.

Theo Zing

Các tin cũ hơn