Bố trí bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương: Tránh cục bộ, tạo môi trường rèn luyện

Thứ hai, 05/07/2021, 07:04
Trong tuần qua, bốn tân bí thư tỉnh uỷ các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre, Lạng Sơn và Hưng Yên được Bộ Chính trị điều động, phân công, đều không phải người địa phương, thuộc diện lần đầu vào Trung ương, có người năm nay mới 46 tuổi. Theo các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, việc bố trí như vậy là đúng đắn, vừa hạn chế được tình trạng cục bộ, vừa tạo môi trường để cán bộ rèn luyện, vượt khó để trưởng thành.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương:

Đi lên từ cơ sở, trưởng thành từ thực tiễn

Bố trí bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương: Tránh cục bộ, tạo môi trường rèn luyện ảnh 1

Ông Lê Quang Thưởng

Việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau Đại hội XIII của Đảng thời gian qua được thực hiện khá bài bản, theo đúng phương hướng đã đề ra. Sau Đại hội, các chức danh trong bộ máy Nhà nước cũng đã được kiện toàn. Sau 3 tháng kiện toàn thì có thể thấy, những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn vừa qua, bước đầu đã phát huy được năng lực, sở trường và có những đóng góp quan trọng để thực hiện mục tiêu kép. Tới đây, Quốc hội khóa XV cũng sẽ họp và sẽ bầu ra các chức danh lãnh đạo khóa mới ở các cơ quan Nhà nước. Tôi mong rằng, việc bố trí các chức danh lãnh đạo, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tiếp tục được xem xét, bố trí một cách phù hợp, bảo đảm những người được bầu và phê chuẩn phải là những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước. Kiên quyết không bố trí những người trì trệ, không dám quyết, không dám làm vào bộ máy nhà nước.

Đối với việc thực hiện chủ trương bí thư tỉnh ủy, thành ủy không phải người địa phương thì đây là chủ trương rất đúng đắn. Như trong tuần qua, có rất nhiều cán bộ không phải người địa phương được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức bí thư tỉnh ủy. Điều này chắc chắn sẽ phát huy được hiệu quả, hạn chế được tình trạng bè phái, cục bộ. Cùng với đó, việc đưa những người lần đầu vào Ban Chấp hành Trung ương về cơ sở là rất đúng. Qua đó sẽ giúp họ rèn luyện, trưởng thành và đúc rút ra được nhiều bài học quý báu trong thực tiễn công việc. Nếu cán bộ đó năng động, dám nghĩ, dám làm, hết mình phụng sự người dân và doanh nghiệp thì chắc chắn kinh tế địa phương sẽ phát triển. Ngược lại, người nào không vượt qua được các thử thách ở địa phương thì sẽ khó phát triển. Đây cũng chính là cách xem xét, bố trí cán bộ theo thành tích.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp):

Công tâm, khách quan trong công tác cán bộ

Bố trí bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương: Tránh cục bộ, tạo môi trường rèn luyện ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Thời gian qua, số lượng bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương ngày càng nhiều hơn. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được đông đảo cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Trước tiên, cái được nhất của chủ trương này là giúp cán bộ lãnh đạo trưởng thành hơn khi về cơ sở. Cán bộ được điều động, luân chuyển về làm bí thư cấp tỉnh, cấp huyện, đa phần là những cán bộ trẻ, còn tuổi tái cử ít nhất thêm một nhiệm kỳ. Điều này giúp cán bộ tiếp cận với cơ sở, giúp hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Hầu hết các nhân sự này được đào tạo hết sức bài bản, có học vị cao. Khi được điều động, luân chuyển về làm bí thư tỉnh uỷ, họ sẽ nắm rõ tình hình cơ sở. Nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ có thể sẽ được bổ nhiệm ở những vị trí cao hơn. Như vậy, việc điều động, luân chuyển người đứng đầu không phải người địa phương chính là đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để họ trưởng thành hơn. Sau này, nếu làm lãnh đạo ở Trung ương sẽ toàn diện hơn, thuyết phục hơn, nắm được nhiều vấn đề hơn. Như vậy là rất tốt.

Ý nghĩa cực kỳ quan trọng khác là sẽ hạn chế tối đa những tiêu cực, góc khuất trong công tác cán bộ. Tư duy “một người làm quan, cả họ được nhờ” lâu nay vẫn tồn tại. Bố mẹ làm quan, con cũng phải làm quan. Tất nhiên, điều này không phải là tất cả, bởi có những nơi, người đứng đầu rất dân chủ, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ. Song những bất cập về công tác cán bộ, bè phái, cục bộ lâu nay vẫn tồn tại ở đâu đó. Nếu bí thư tỉnh uỷ, huyện ủy không phải người địa phương đó, không có dòng tộc ở đó, không quen biết quá nhiều ở đó, thì trong công tác cán bộ sẽ khách quan hơn, công tâm hơn, vô tư hơn.

Tuy nhiên cũng cần phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi nơi để bố trí người đứng đầu có phải người địa phương hay không. Không nhất thiết toàn bộ bí thư tại 63 tỉnh, thành, hay các quận, huyện đều không phải người địa phương. Có nơi cũng nên có bí thư là người của địa phương đó. Bởi nếu cán bộ đó là người của địa phương, sẽ nắm rõ địa bàn, nắm rõ từng cán bộ, nên họ có thể đưa ra những phương án, quyết sách hiệu quả, nếu như người đứng đầu cấp uỷ đó thực sự công tâm, khách quan. Mỗi phương án đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định. Chính vì vậy, Trung ương cũng như cấp uỷ cần hết sức cân nhắc để bố trí cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương đó.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương:

Phát huy năng lực người đứng đầu

Bố trí bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương: Tránh cục bộ, tạo môi trường rèn luyện ảnh 3

Ông Nguyễn Đức Hà

Các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ đã xác định rõ là, kết hợp luân chuyển cán bộ và bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Khóa trước chúng ta cũng đã đưa nhiều uỷ viên Trung ương Đảng, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng và các cán bộ trẻ về địa phương để rèn luyện, thử thách.

Sau Đại hội Đảng XIII thì Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lại tiếp tục đưa những ủy viên trung ương mới, nhất là những người chưa kinh qua thực tiễn ở cơ sở về địa phương làm bí thư các tỉnh ủy, thành ủy. Đây là chủ trương rất đúng và phát huy được hiệu quả rất cao trong thực tiễn. Đưa cán bộ trẻ về địa phương để rèn luyện, thử thách giúp cán bộ nhanh trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Qua đó giúp cán bộ trưởng thành và phát triển nhanh hơn. Ngược lại, nếu cán bộ năng lực và bản lĩnh hạn chế thì cũng sẽ sớm bộc lộ.

Trước đây cũng đã thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ về địa phương nhưng thực hiện chưa được chặt chẽ nên cũng xảy ra việc này, việc kia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ khóa XII đến nay, viêc luân chuyển cán bộ về địa phương đã được thực hiện một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ, bài bản. Điều động cán bộ trẻ lần đầu vào Trung ương vào vị trí đứng đầu địa phương thì càng tạo ra môi trường tốt hơn để họ phát huy năng lực của bản thân, cũng như tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó rèn luyện, thử thách năng lực, trình độ, bản lĩnh của cán bộ một cách tốt nhất. Đây là chủ trương đúng cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Trong tuần qua, nhiều ủy viên Trung ương Đảng đã được Bộ Chính trị điều động, phân công làm bí thư tỉnh ủy các địa phương. Cụ thể như: Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, 52 tuổi, quê Vĩnh Phúc, được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang; Chủ tịch HĐQT Viettinbank Lê Đức Thọ, 51 tuổi, quê Phú Thọ, được phân công làm bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Nguyễn Quốc Đoàn, 46 tuổi, quê Ninh Bình được phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa, 49 tuổi, quê Hà Nội, được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên.
Theo TPO

Các tin cũ hơn