Xăng tăng, chị em lại " méo mặt"

Thứ bảy, 21/04/2012, 16:27
Chuyển từ xe ga sang xe số, hoặc bỏ hẳn xe máy để đi xe đạp điện... là những cách trước mắt để chị em giảm bớt nỗi lo "nuôi xe" khi xăng tăng giá chóng mặt.

Các tin khác

>> Bão giá, chị em vẫn "sính" hàng hiệu
>>  Xăng tăng giá lên 23.800đồng/lít
>> Găm hàng chờ xăng tăng giá

Kể từ 8h tối qua, 20/4/2012, giá xăng đã bất ngờ tăng thêm 900đ/ lít. Như vậy, chỉ trong hơn một tháng đầu năm 2012, giá xăng có tới 2 lần tăng giá (ngày 7/3 trước đó). Và hiện giá xăng đã ở con số khủng nhất từ trước đến nay là 23.800 đồng/lít.

Đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này không chỉ tác động tới sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của người dân. Sau phút giây kêu than, lo lắng vì tin giá xăng tăng bất ngờ, các bà nội trợ và những chị em công sở cũng đã nhanh chóng lên kế hoạch "sống chung" với thời bão giá.

Kể từ 8h tối 20/4/2012, giá xăng đã bất ngờ tăng thêm 900đ/ lít (Ảnh: VnExpress)


“Méo mặt” tin xăng lại tăng giá

Gần cuối giờ tan sở hôm qua, tin đồn về xăng tăng giá vào 8h tối đã lan truyền khắp các phòng ban khiến nhiều chị em công sở đứng ngồi không yên. Dù công việc bận bịu là thế, nhưng chị em nào cũng tranh thủ bàn tán về "nguy cơ" xăng tăng giá. Dù còn chưa biết tin đồn có đúng hay không, nhưng ai cũng chẹp miệng than: “Vừa mới tăng tháng trước, giờ xăng lại tăng là sao?”. Sốt ruột nên kêu ca là thế, nhưng ai cũng hy vọng, đó chỉ là tin đồn chứ không phải sự thật. Tuy vậy, một số chị em nhanh nhẹn hơn vẫn tranh thủ rời công sở sớm ít phút để tạt qua cây xăng đổ đầy bình.

Vừa về tới nhà được một lúc, đang chuẩn bị cơm nước cho các con, chị Hạnh (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) bất chợt nhận được tin nhắn của đồng nghiệp: “Giá xăng tăng thật rồi. Khiếp, bão giá quá. H đã lên kế hoạch cụ thể về chi tiêu chưa? Có gì mai lên văn phòng cùng bàn nhé!”.Đọc tin nhắn xong, chị Hạnh đã sốt ruột từ chiều giờ lại càng sốt ruột hơn. Chị thở dài thườn thượt: “Mai ra chợ không biết còn mặt hàng nào tăng nữa đây? Các thứ cứ lần lượt tăng giá chóng mặt theo giá xăng cho mà xem”.

Tối qua, khi đang cùng cả nhà ăn cơm tối và xem ti vi, bà nội trợ P (Khâm Thiên, Hà Nội) cũng chính thức được biết giá xăng lại tăng thêm 900 đồng/ lít. Cả 5 thành viên nhà chị ai cũng phải sửng sốt trước thông tin vừa nhận được. Chị còn chưa kịp phàn nàn gì thì đã thấy chồng than thở trước: “Xăng vừa mới tăng tháng trước, tháng này lại tăng nữa. Giá xăng như vậy là quá cao so với mặt bằng chung rồi. Mẹ nó xem thế nào cố gắng dè xẻn chi tiêu nhé”. Trong lòng chị P ngổn ngang và bữa cơm cũng "nhạt" hơn vì trăm mối lo xuất phát từ giá xăng tăng…

Giá xăng tăng chóng mặt khiến nhiều chị em méo mặt vì lo ứng phó chi tiêu thời bão giá (Ảnh: Dân trí)


“Vật vã” với bài toán ứng phó 

Trước thông tin giá xăng lại tăng chóng mặt, những người nội trợ như chị P ngay lập tức phải nghĩ tới nhiều phương án để ứng phó. Lúc trước, vì đi làm xa 13km nên chị cũng muốn đi xe ga để có chiếp cốp to đựng đồ cho tiện, đỡ phải tay xách nách mang. Thế mà khi thấy chồng lo lắng, chị định ngày mai đi làm bằng xe số của chồng, hoặc bán xe ga đi dù chị mới mua được gần 2 năm nay.

“Dù biết quyết định bán đi thời điểm này sẽ lỗ, nhưng cứ tình hình giá xăng chóng mặt thế này, bỏ tiền ra mua xăng hàng tuần xót lắm. Lúc trước giá xăng chưa tăng, mỗi tuần chị đã phải bỏ ra 100 nghìn để đổ xăng. Giờ tăng thế này thì...”. - Chị P nhăn nhó nói.
 
Cũng theo chị P thì nếu đi xe số, chị sẽ tiết kiệm được hơn một nửa số tiền dành cho việc mua xăng. Xe ga kia của chị sẽ bán đi hoặc chỉ đắp chiếu để đấy chỉ khi nào cần thiết thì mới dùng đến. Cùng lắm, chị sẽ bàn với ông xã mua xe đạp điện để đi, "Cùng là xe cả. Đi xe đạp điện vừa nhẹ nhàng, vừa tiết kiệm hơn".

Suy nghĩ của chị P cũng là sự lựa chọn của nhiều chị em công sở khác khi phải đi làm xa. Thậm chí, nhiều chị em như chị Mai (Nguyễn Trãi, Hà Đông) còn dự định chuyển hẳn sang đi xe buýt đi làm cho tiết kiệm. Dù phải bỏ ra 40 phút mỗi ngày ngồi đợi xe buýt lúc đi và về nhưng chị vẫn chấp nhận. “Tính đi tính lại, tiền đi xe buýt vé tháng không tốn là bao. Một tháng đi xe buýt chỉ bằng tiền một tuần đổ xăng đi xe máy. Tối qua, sau khi biết tin xăng lại tăng giá, mình đã tính ngay đến phương án này. Hoặc nếu có đi xe máy đi làm thì giờ nhất định phải học cách sử dụng xăng tiết kiệm hơn như: không phanh gấp liên tục, tắt máy khi đợi đèn đỏ quá lâu, không lượn lờ mua sắm ngoài giờ làm việc như trước…”.

Giá xăng tăng - đồng nghĩa với nỗi lo sợ nhiều mặt hàng khác cũng sẽ đua nhau
tăng hoặc biến động giá?


Ngoài bài toán xiết hẹp chi phí đi lại để tiết kiệm tiền xăng mỗi ngày tối ưu nhất, những chị em nội trợ cũng rậm rịch lên kế hoạch chi tiêu để ứng phó với bão giá. Bởi với họ, giá xăng tăng đồng nghĩa với nhiều mặt hàng khác cũng sẽ đua nhau tăng hoặc biến động giá.

Vì cái tin tăng giá xăng buổi tối mà bà nội trợ Xuân trằn trọc mãi không ngủ được. Chị Xuân một mình nuôi hai con nhỏ, công việc thì bấp bênh, hàng ngày chị lại phải đối mặt với trăm khoản chi tiêu phát sinh. Mấy tháng nay giá xăng, điện, gas tăng giá và biến động liên tục khiến chị rất vất vả trong cách chi tiêu. Học tập cách chi tiêu thông minh của chị em trên mạng, chị cũng chịu khó săn hàng giảm giá, hàng khuyến mãi, hay lên kế hoạch đi các chợ đầu mối thay vì chợ cóc hàng ngày như thói quen trước đây để tiết kiệm. Thế nhưng hiện tại thì chị cũng chưa biết phải ứng phó thế nào, nỗi lo của chị là "Giá cả thực phẩm lại ùn ùn biến động theo giá xăng cho mà xem, trong khi lương thì vẫn vậy!".


Theo TTVN

Các tin cũ hơn