>>Hà Nội: Bé 8 tháng tuổi tử vong do thuốc cam chứa chì
>>98% mẫu thuốc cam nhiễm chì
>>Hoang mang vì thuốc cam nhiễm chì
BV quá tải vì xét nghiệm
Tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai (Hà Nội) sáng 20/4, phóng viên chứng kiến cảnh tượng chưa từng có trong hàng chục năm qua.
Hàng trăm ông bố bà mẹ bế con xếp hàng chờ đến lượt vào xét nghiệm máu để kiểm tra hàm lượng chì. Cũng chưa bao giờ Trung tâm này ưu tiên hẳn một quầy tiếp đón, phát số cho bệnh nhân đến làm xét nghiệm chì, đồng thời cũng dành riêng một phòng bệnh phục vụ công tác khám ngộ độc chì và lấy mẫu máu gửi xét nghiệm. Mới hơn 10 giờ, số phiếu được phát ra cho bệnh nhi làm xét nghiệm chì đã xấp xỉ 100, trong khi vẫn còn rất nhiều bệnh nhi khác chờ chưa đến lượt.
Các bác sĩ ở đây cho biết, khoảng 5 ngày qua, trung bình mỗi ngày đều có từ 50-70 trẻ được đưa đến khám, xét nghiệm chì. Mẫu máu của các bệnh nhân này được lấy gửi đến Viện hóa học và Y học vệ sinh lao động để làm xét nghiệm, sau 3 tuần sẽ trả kết quả.
Trò chuyện với nhiều phụ huynh đưa trẻ đến khám, chúng tôi thấy có một điểm chung là đa số trường hợp đã từng cho trẻ sử dụng thuốc cam.
Bế cậu con trai mới hơn 10 tháng tuổi chờ đến lượt xét nghiệm, chị Phạm Thị H., ở Lương Sơn (Hòa Bình) kể, lúc 9 tháng tuổi, con trai chị bị đi ngoài dữ dội hơn 1 tuần, đã đưa xuống BV Nhi Trung ương khám và uống đủ loại thuốc vẫn không khỏi. Nghe hàng xóm mách, chị đến nhà một thầy lang trong làng mua 6 liều thuốc cam đường ruột về cho con uống. Tuy nhiên, chỉ uống hết một ngày thuốc đã thấy con nôn thốc tháo nên chị quyết định không cho uống nữa. Nay cháu nhỏ đã khỏe mạnh, nhưng chị vẫn muốn đưa đi xét nghiệm máu xem có bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc nam hay không.
Phòng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc chì quá tải
Trong số các bệnh nhi được đưa đến khám, qua sàng lọc có khoảng 10% số trường hợp có biểu hiện ngộ độc nặng phải nhập viện theo dõi, điều trị và hầu hết trong số này đều do nguyên nhân sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại phòng bệnh dành riêng cho điều trị bệnh nhân ngộ độc chì, anh Dương Mạnh D., ở Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) đã phải túc trực suốt 2 ngày qua để chăm sóc con nhỏ mới 5 tháng tuổi.
Anh D. kể, cách đây 1 tuần, con anh bị loét miệng, viêm lưỡi, nước dãi hôi, bà nội cháu ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã mua mấy gói thuốc cam của một thầy lang gia truyền trong làng gửi lên, anh cho con uống 2 đợt, mỗi đợt 5 ngày thì thấy cháu có biểu hiện nôn, ho, kém ăn nên vội vã đưa đi BV Nhi trung ương khám, sau đó chuyển sang BV Xanh Pôn xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ chì trong máu của bé lên đến 87,5mg/100ml (cao gấp 4 lần cho phép) nên được chuyển sang Trung tâm chống độc điều trị.
Nguy hại cho thế hệ tương lai
Trao đổi với chúng tôi, TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, ngộ độc chì trước nay gặp không nhiều và đều ở bệnh nhân lớn tuổi, do đó ngay trong chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa của Đại học Y cũng phải vài năm gần đây mới có vài bài giảng về ngộ độc chì.
Hơn nữa, ngành y tế nước ta cũng chưa có phác đồ điều trị ngộ độc chì ở trẻ nhỏ nên hầu như các cơ sở y tế đều không điều trị được loại ngộ độc này. Điều trị ngộ độc chì ở người lớn có thể khỏi hoàn toàn nhưng với bệnh nhi, việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều, phải có phác đồ mới, liều lượng thuốc thải độc phải tăng giảm khác với người lớn bởi cơ thể trẻ còn rất yếu trong khi bản thân thuốc thải độc cũng là con dao 2 lưỡi.
Do lượng bệnh nhân đến đông nên hiện chỉ những cháu có biểu hiện nguy hiểm mới được giữ lại lâu, cháu nào nhẹ, đáp ứng điều trị thuốc tốt thì vài ba ngày là cho điều trị ngoại trú. TS. Phạm Duệ cho biết, điều trị ngộ độc chì thường mất rất nhiều thời gian, điều trị thành nhiều đợt, có bệnh nhân điều trị gần 1 tháng, thậm chí có bệnh nhân phải điều trị 2 năm vì chì đã nằm trong rất nhiều cơ quan của cơ thể, phải thải độc dần (cả xương, não...).
Điều nguy hiểm hơn là với trẻ nhỏ bị ngộ độc chì sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn bởi có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, thể chất sau này, đồng thời trí tuệ của trẻ cũng sẽ kém phát triển hơn, giảm khả năng học tập, ngu ngơ… Nếu số trẻ ngộ độc chì tăng cao, đó thực sự là điều rất đáng lo lắng.
Cũng theo TS. Phạm Duệ, rất khó để phát hiện trẻ bị ngộ độc chì bởi chỉ những cháu bị rất nặng mới có biểu hiện như bị co giật, hôn mê, có cháu thay đổi tính tình, quấy khóc, vài ba tuần thiếu máu, xanh xao, nhợt nhạt… còn lại đa phần không có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy, muốn chẩn đoán được ngộ độc chì nhất thiết phải xét nghiệm chì trong máu.
Trung tâm chống độc khuyến cáo, tuyệt đối không nên cho trẻ uống các loại thuốc cam mua từ các ông, bà lang, bán dạo hoặc bán ở chợ quê, nếu đã sử dụng nhiều thì nên đi xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu các loại thuốc cam được mua ở các nhà thuốc, cơ sở hành nghề có đăng ký, trẻ sau khi sử dụng không có triệu chứng bệnh gì thì cũng không nên quá lo lắng, không cần đi xét nghiệm.
Đình chỉ thêm một cơ sở bán dược liệu không phép |
Theo An ninh Thủ đô