Cô bé phát cháy mệt mỏi trước khi "phóng hỏa"

Thứ tư, 16/05/2012, 09:32
Bé Thùy nói rằng mỗi lần cảm nhận nhiệt độ cơ thể tăng rõ rệt là có vật xung quanh phát lửa.


>> Trường hợp 'bé gái phát cháy" là chưa từng có

>> Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải sẽ vào chữa cho bé gái phát cháy
>> Không khó xác định thật, giả việc "cô bé phát cháy"


11 tuổi, đang học lớp 5 ở một trường quốc tế tại quận 1, TPHCM nhưng trông Thùy có vẻ chững chạc hơn so với bạn đồng trang lứa. Khi các vụ cháy liên tục xảy ra, cô bé đã được bố mẹ trấn an và làm công tác tư tưởng nên tỏ ra khá bình tĩnh.

Thùy dáng người cao ráo, tươi tắn kể: "Bình thường trong người em chỉ hơi nóng nhưng khi chuẩn bị 'phóng hỏa' là em thấy mệt mỏi và cảm nhận được nhiệt độ cơ thể tăng lên rõ rệt".

"Có hôm em ngồi ghế tự nhiên thấy mệt mỏi và nóng nóng sau lưng, quay sang nhìn thấy áo mình đang cháy. Rồi hôm khác em đang ngồi nói chuyện với một người chị họ thì lưng áo của chị cũng bốc cháy", cô bé kể chuyện.

Em nói rằng trước đây em không hiểu tại sao mọi thứ bỗng dưng bốc cháy, nhưng hiện tại đã được bố giải thích về tình trạng đặc biệt của mình.

Tối 14/5, cơn mưa ngoài trời như trút nước chưa dứt thì trong nhà cô bé 11 tuổi "có khả năng phát năng lượng" lại xảy ra một vụ cháy tấm nệm lớn. Cũng như những lần trước, ngọn lửa không hiểu xuất hiện từ đâu rồi bùng lên dữ dội.

"Tất cả đồ đạc cách cháu trong vòng bán kính 20 m đều có thể bị cháy như thế. Thậm chí cháu đang ngồi chơi trên phòng khách mà chiếc xô nhựa đựng đầy nước trong nhà vệ sinh cũng tự nhiên phát lửa", ông bố thuật lại.

Một góc nhà bé Thùy bị cháy hôm 12/5 vẫn còn loang lổ. Ảnh: T.T.


Gia đình cho biết, từ nhỏ đến giờ Thùy phát triển bình thường về thể chất cũng như trí tuệ. Chỉ duy nhất một vụ việc tác động lớn đến sức khỏe xảy ra hồi bé được 3 tuổi, một lần được bố mẹ đưa về quê chơi thì bị tai nạn giao thông suýt mất mạng.

Bác sĩ điều trị hồi ấy cho biết, đầu bé bị va đập mạnh khiến xương đá ở tai trái vỡ làm 2 mảnh. Từ đó đến nay sức khỏe của cô bé đã hoàn toàn bình phục, chỉ khác người bình thường là em có cả thảy 3 "mảnh" xương đá ở tai.

"Tôi không biết tai nạn ấy có ảnh hưởng gì đến tình trạng hiện tại của cháu không. Từ hồi nhỏ đến giờ cháu rất ít bị bệnh", chú Vũ băn khoăn.

Hiện Thùy học khá giỏi, năm nào cũng xếp hạng trong top 3 xuất sắc nhất lớp. Cô bé rất hòa đồng nên được nhiều bạn bè yêu quý. Từ khi xảy ra 3 vụ hỏa hoạn liên tiếp ở trường, gia đình đã xin phép cho em nghỉ học 3 tuần ở nhà, song bạn bè vẫn luôn gọi điện hỏi thăm và rủ đi học.

Hiện tại bé Thùy đã trở lại lớp học bình thường. Nhà trường biết tình hình cũng đã trang bị thêm các bình chữa cháy và tăng cường nhân viên bảo vệ xung quanh.

Nằm trong một khu tập thể ở phường 2, quận Tân Bình, TP HCM, "dinh cư" của gia đình bé Thùy sống là một ngôi nhà 3 tầng khang trang được sơn màu kem. Mặc dù nhà đã được sơn sửa lại nhưng vẫn còn loang lổ vết cháy đen của vụ hỏa hoạn hôm 12/5 vừa qua.

Tay chỉ lên chiếc cầu thang bị cháy đã sơn lại, người bố vẫn chưa hết bàng hoảng bảo: "Những vụ trước cháy nhỏ nên gia đình có thể tự dập tắt được nhưng hôm vừa rồi lửa thực sự vượt quá khả năng nên chúng tôi đành phải gọi cứu hỏa". Phải đến 40 phút sau lực lượng cứu hỏa mới đến nơi và dập tắt ngọn lửa trong 10 phút.

Ông bố đã phải chuyển các đồ đạc có thể bắt nhiệt như tivi, tủ lạnh, quạt máy, xe máy, thậm chí còn tháo bỏ toàn bộ phích điện, ổ cắm, cầu dao để tránh hỏa hoạn. Cả nhà cũng phải "dọn" xuống ngủ dưới nền phòng khách thay vì phòng nhủ như trước. Khi ngủ, vợ chồng chú Vũ nằm hai bên để bé Thùy ở giữa và cũng không dùng chăn, nệm. Chìa khóa nhà lúc nào cũng được cắm sẵn vào ổ khóa để đề phòng bất trắc, mọi người kịp thoát thân.

Sau khi đưa con đến nhiều bệnh viện và trung tâm xét nghiệm mà vẫn chưa có kết quả, vợ chồng chú Vũ đã gửi thư đi khắp nơi để nhờ các nhà khoa học, nhà ngoại cảm, bác sĩ trong và ngoài nước giúp đỡ.

Chiều nay sẽ có hội đồng khoa học gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ đến nhà chú Vũ để tiến hành những nghiên cứu về xã hội học, dịch tễ học...

Ngoài ra cha mẹ của bé Thùy cũng nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà khoa học ngoại cảm ở Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Tại đây, ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Chủ nhiệm bộ môn thông tin, cho rằng nhiều khả năng nguồn nội năng (hay còn gọi là luồng hỏa xà) tồn tại trong cơ thể đã gây ra hiện tượng "phóng hỏa" ở cô bé 11 tuổi này.

Xét phương diện khác, thầy Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng bộ môn Vật lý - Điện tử trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết, hiện tượng con người phát ra năng lượng đốt cháy đồ vật là rất hiếm. Tuy nhiên trên thế giới từng ghi nhận một số trường hợp sau khi trải qua một biến cố hoặc tai nạn nào đó, người ta bắt đầu tích điện hay xuất hiện khả năng lạ thường. "Vì thế cần có một nghiên cứu dịch tễ học mới kết luận được trường hợp bé Thùy", thầy Hiếu nói.


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn