Căng thẳng vụ kiện của hai “tỉ phú kim cương“

Chủ nhật, 03/06/2012, 07:33
Vào ngày 23/5/2012, tại London, vương quốc Anh, tiếp tục diễn ra phiên tòa xét xử giữa các tỉ phú trước đây vốn là công dân Liên Xô. Đó là Arkady Gaydamak và “ông hoàng kim cương” Lev Levaev. Cả hai ông này giờ đều mang quốc tịch Israel.

>> Tại sao học đại học? Tỷ phú Mark Cuban: Vì tiền 
>> Tỷ phú tôm: Trắng tay sau 5 năm tích lũy 
>> Cuộc sống xa hoa của tỷ phú Nga Roman Abramovich 


Arkady Gaydamak
 

Bản thỏa thuận bí mật


Arkady Gaydamak kiện đòi Lev Levaev một tỉ USD vì kim cương Angola. Chuyện kiện cáo giữa hai người này giống như một kịch bản phim hình sự của Hollywood, trong đó có cả người đứng đầu cộng đồng Israel ở Nga, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Israel Mossad và cả một vị tướng châu Phi.


Cả Arkady Gaydamak và Lev Levaev hiện không mang quốc tịch Nga, nhưng phương tiện truyền thông vương quốc Anh vẫn gọi họ là “các tỉ phú người Nga”. Trong hai người này, Lev Levaev ít nhiều vẫn còn dính líu với nước Nga khi tỉ phú này đầu tư trong lĩnh vực xây dựng ở xứ sở bạch dương.


Gaydamak và Levaev trước đây là đối tác kinh doanh của nhau. Sở dĩ cả hai đang là bạn bỗng trở nên thành thù chỉ vì lợi nhuận khi cùng nhau kinh doanh kim cương. Còn nhớ vào tháng 12/2011, Gaydamak kể với phóng viên báo Kommersant, Nga, rằng ông và Levaev trước đây cùng làm ăn, duy trì mối quan hệ bằng niềm tin lẫn nhau.


Theo lời Gaydamak vào cuối thập niên 1990, ông soạn thảo kế hoạch kiểm soát việc xuất khẩu kim cương tại Angola. Vào khoảng thời gian này, Angola đang có nội chiến và những người nổi dậy mua vũ khí, đạn dược nhờ vào nguồn tài chính từ buôn bán kim cương bất hợp pháp.


Chính phủ Angola đồng ý với kế hoạch kiểm soát xuất khẩu kim cương của Arkady và thành lập hãng Ascorp, trong đó vốn của nhà nước là 51%. Arkady khẳng định, 24,5% cổ phiếu của Ascorp thuộc về ông. Dù vậy, do phía Pháp đang truy thu thuế của Arkady nên ông quyết định ghi tên người bạn Lev Levaev là chủ sở hữu của số cổ phiếu này. Lợi nhuận (cổ tức) sau đó sẽ được chia đều giữa hai người.


Đáng nói là giữa Arkady và Levaev khi ghi danh cổ phiếu đều không làm hợp đồng đúng với trình tự pháp luật quy định, mà chỉ có một bản thỏa thuận ký vào cuối năm 2001. Và sau đó họ gửi cho người đứng đầu cộng đồng Do Thái ở Nga là Berl Lazar giữ giúp. Arkady giải thích rằng, khi đó ông và Levaev làm bản thỏa thuận phù hợp với các quy định của tôn giáo, từ trước đến nay nó có hiệu lực và được tôn trọng trong “thế giới kim cương”.


Kết quả là Levaev nắm trong tay một kế hoạch đầy triển vọng về xuất khẩu kim cương của Angola. Trong khi đó, Arkady dựa vào số liệu từ hải quan Angola, khẳng định trong vòng 12 năm qua (hơn 10 năm kể từ khi ký thỏa thuận), “người bạn” của ông - Levaev, đã xuất khẩu lượng kim cương trị giá 6 tỉ USD. Trong khi đó, Levaev chỉ tính tiền từ năm 2005 (theo thông tin của báo The Guardian, Anh, trong giai đoạn năm 2000 - 2003, mỗi tháng Levaev thu lời 3 triệu USD).


Giờ đây, Arkady kiện và đòi Levaev phải trả cho ông số tiền một tỉ USD. Tất nhiên, “người bạn một thuở” phủ nhận mọi chuyện và từ chối đáp ứng yêu cầu của “ông bạn vàng”.
 

Lev Levaev


Từ bạn trở thành thù

Bản thỏa thuận giữa Arkady và Levaev là bằng chứng duy nhất và chỉ có một bản. Tuy thế, vào ngày 23/5/2012, David Wolfson - luật sư của bên nguyên - tuyên bố tại tòa thượng thẩm London rằng, bản thỏa thuận đó hoặc bị mất hoặc đã bị thủ tiêu.


Theo lời vị luật sư này, Berl Lazar đã né tránh và không giải thích vì sao bản thỏa thuận lại biến mất. Báo The Guardian viết, người đứng đầu cộng đồng Do Thái ở Nga tuyên bố, chiếc phong bì đựng bản thỏa thuận có thể bị hủy một cách tình cờ trong một tình huống xấu nào đó. Còn Berl Lazar từ chối đến London với tư cách là nhân chứng.


Dù tình huống có vẻ vô vọng, nhưng Arkady dường như có con át chủ bài giấu trong tay áo: Tỉ phú này nhận từ người bạn của mình - cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Israel - Mossad, một “văn bản nào đó”. Arkady không cho biết đó có phải là bản sao bản thỏa thuận với Levaev hay không. Nhưng với văn bản này, đã xuất hiện cơ hội để Arkady có thể “lôi” Levaev ra tòa.


Tuy Arkady không nêu đích danh người bạn làm việc cho Mossad, người cung cấp cho ông văn bản quan trọng, nhưng một số nguồn thông tin cho biết, trước đây, Arkady có quan hệ khá thân thiết với Danny Yatom - cựu lãnh đạo Mossad và một sĩ quan của Mossad là Avi Dagan. Hai người này có quan hệ với cả Arkady và Levaev, một số tờ báo đưa tin.


Khả năng thắng kiện của Arkady không mấy sáng sủa. Thậm chí tình hình còn có vẻ xấu đi, khi có văn bản mà nhà kinh doanh này tứ chối cổ tức của mình từ việc buôn bán kim cương. Arkady thừa nhận mình có ký văn bản này bởi vào mùa hè năm 2001, tướng Angola - Manuel Helder Vieira Dias, một người rất có thế lực buộc ông làm vậy. Manuel còn nói là văn bản này chỉ là hình thức và không có tính ràng buộc pháp lý đối với Arkady. Cũng cần nói thêm, Arkady có quốc tịch Algola và cùng lúc là công dân Pháp, Israel và Canada.


Vụ kiện cáo giữa Arkady và Levaev khá giống vụ Roman Abramovich - Boris Berezovsky, cũng là hai doanh nhân Nga sống tại Anh và từng đưa nhau ra tòa. Giữa Abramovich và Berezovsky cũng có “tình bạn” trong kinh doanh và hai người kiện cáo nhau vì hãng dầu khí “Sibnefti” và hãng khai thác kim cương “Rusala”. Berezovsky khẳng định, Abramovich đã bán cổ phần của hai người tại hai hãng vừa nêu và đòi bồi thường 5,5 tỉ USD. Còn Abramovich chứng minh, Berezovsky chỉ là người bảo trợ chính trị và được trả công chứ chưa bao giờ nắm cổ phiếu của “Sibnefti” và “Rusala”. Theo hãng tin Nga RIA-Novosti, tòa án Anh sẽ ra phán quyết vụ án này không sớm hơn tháng 6/2012.


Vào đầu tháng 5/2012, tòa thượng thẩm London bắt đầu xét xử hai cựu công dân Liên Xô khác: Mikhail Chernyi nay là doanh nhân Israel kiện đối tác kinh doanh là tỉ phú Nga Oleg Deripasky. Chernyi nói mình là đối tác của tỉ phú Deripasky tại “Rusala” và Deripasky đã “cướp” của mình 20% cổ phiếu ở hãng này. Deripasky khẳng định, Chernyi chưa bao giờ nắm giữ cổ phiếu của “Rusala” và chỉ nhận được tiền do “bảo kê”.


Câu hỏi đặt ra là, tại sao những nhà kinh doanh là cựu công dân Liên Xô không khởi kiện tại Nga hay tại Israel mà lại tại vương quốc Anh. Cụ thể là tại tòa thượng thẩm London? Bởi, tòa thượng thẩm London nổi tiếng có tính công bằng. Như vậy, các doanh nhân tỉ phú sẽ được hưởng lợi khi đứng trước một tòa án khách quan. Và trên hết, họ hy vọng vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo, nhanh chóng. Chẳng hạn, sau khi ra phán quyết vụ án Roman Abramovich - Boris Berezovsky, tòa án sẽ không mất thời gian với hình thức “bảo trợ chính trị” giữa các đối tác trong kinh doanh. Qua đó có thể đi sâu vào giải quyết các vấn đề khác.


Theo PL

Các tin cũ hơn