Cư dân mạng xôn xao lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2012

Thứ bảy, 02/06/2012, 14:31
Hiện tượng tung tin “vịt” lộ đề thi đã trở thành một thực tế diễn ra trong nhiều năm trở lại đây, làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức, chỉ đạo kỳ thi, đặc biệt là gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của phụ huynh và học sinh.


>> Tác giả cuốn "cây lêu" từng là Vụ phó Vụ Giáo dục
>> 'Tôi thấy giáo dục ở nhà trường là vô ích'
>> Kỳ vọng giáo dục


Chỉ cần gõ google từ khóa: “Lộ đề thi tốt nghiệp 2012” không ít người bất ngờ vì có tới 2.570.000 kết quả trong vòng 0,25 giây. Điều đó cho thấy cư dân mạng đang "sốt sình sịch" với... chợ đề thi. Có hai loại đề thi: Thứ nhất, đề thi được làm giả y như thật, có thể khiến cho không ít thí sinh bị dao động, thứ hai đề thi được “bịa" theo tiêu chí hài hước, giúp giảm stress cho các sỹ tử.
 
Đề thi chính xác 100%
 
Nắm bắt được tâm lý nói chung của các sĩ tử trong sự lo lắng đối với môn lịch sử, cư dân mạng đã truyền tải nhau đề thi môn lịch sử được trình bày và có cấu trúc đề y như thật. Kèm theo đó là các đường link dẫn đến đề thi gây chú ý bởi các topic như: Hot Hot, Lộ đề thi tốt nghiệp môn sử 2012, Anh em đọc nhanh kẻo toi, Thông báo! Đề thi sử lấy từ mail của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ai cần thì download về dùng.

Không chỉ môn lịch sử, môn ngữ văn cũng bị gắn chuyện "rò rỉ" thông tin. Nicknam Boy Tuổi Rồng đã viết trên diễn đàn voz.vn như sau: Mình mới nghe được thông tin này từ 1 người bạn thân, con em trong ngành giáo dục, nó kêu chính xác 100%. Câu1: Nêu những hiểu biết của bạn về tác giả Hêmingue. Câu2: Nghị luận về vấn đề internet hiện nay. Câu3: Phân tích hình tượng bà cụ Tứ trong tác phẩm "Vợ nhặt".
 
Thời gian này, rất nhiều học sinh lớp 12 nhận được tin nhắn rác “bật mí” về đề thi tốt nghiệp có nội dung như: Đề văn năm nay vào “Chiếc thuyền ngoài xa”, nghị luận xã hội biến đổi khí hậu trái đất, hay đề Lịch sử vào Chiến dịch Việt Bắc, Chiến tranh thế giới lần thứ hai”. Sĩ tử có nick name Doremon (học sinh THPT Đống Đa) chia sẻ: "Những tin nhắn kiểu như thế này ít nhiều gây hoang mang cho em".

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông là công việc thường niên. Mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo là cố gắng tìm ra các giải pháp tối ưu nhất để bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp diễn ra an toàn, nghiêm túc và công bằng, hiệu quả. Trong khi những tin tức lộ đề thi thường xuất hiện trên các mạng xã hội chuyên ngành “chém gió" hay những tin nhắn từ số điện thoại lạ, nick ảo, là những tin không được kiểm chứng xác thực, không tin cậy về độ chính xác.

Hơn nữa, tình trạng các sĩ tử hàng đêm thức để “canh đề” với ước nguyện “trúng tủ” hay sa đà vào các diễn đàn tìm hiểu đề thi sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đó là tình trạng "học tủ" sớm muộn gì cũng "tủ đè". Bên cạnh đó điều này còn dẫn đến tình trạng suy giảm sức khỏe, trí óc khi kỳ thi đang cận kề.
 
Như vậy, các bậc phụ huynh có con em đi thi và các thí sinh không nên dễ tin vào tin đồn lộ đề thi tốt nghiệp THPT, mà nên tập trung vào việc học cũng như làm bài thi nghiêm túc.

Một đề thi giả môn Lịch sử được trình bày theo kết cấu y như một đề thi thật


 
Chế đề thi gây cười
 
Hiện tượng "chế" đề thi nhằm mục đích gây cười hiện đang được giới trẻ đón nhận và tỏ ra thích. Đề thi môn lịch sử được đăng trên Hội những người không đỡ nổi những người khó đỡ, một cộng đồng mạng hoạt động khá rầm rộ trên Face book như sau: Tại Hội nghị Diên Hồng, khi Tướng quân cất tiếng hỏi: “Có đánh không?”. Các Bô lão đồng thanh hô: “Đánh Đánh”. “Đánh” ở đây là đánh cái gì ? Đáp án được đưa ra: A. Đánh lô, đề, B. Đánh vợ, C. Đánh phỏm, tiến lên, D. Đánh cầu lông, bi-a. : “Trong trận chiến trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã làm gì để răn đe kẻ thù và khích lệ quân ta?” có các đáp án: A: Hát rock, B: Hát rap, C: Đọc thơ, D: Hát chèo, E: Múa. Hay: “Trong chiến tranh thế giới thứ 2, đã có bao nhiêu người thiệt mạng, hãy kể tên, tuổi khi họ thiệt mạng, nghề nghiệp và nơi sinh”.
 
Nhiều đề thi văn được "chế" rất nhí nhố: Trong ca khúc "Thu Cuối" có đoạn: "Trong bao nhiêu ngu ngơ, vu vơ mùa lá vắng. Thật nhẹ nhàng dù mùa thu không còn yêu anh nữa... ýe..ye..ye..yè !!!" Em hãy phân tích tâm trạng của cô gái sau khi chia tay người yêu qua cụm từ "...ýe ye ye yè !!!"
 

Đề thi môn Ngữ văn không liên quan gì tới chương trình cơ bản


Cư dân mạng còn sáng tạo ra những câu hỏi không ăn nhập gì cùng kiến thức cơ bản như: “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có họ hàng như thế nào vs Hồ Quỳnh Hương?” bao gồm các đáp án: A. Hồ Xuân Hương là chị họ con ông chú em rể của ông nội Hồ Quỳnh Hương, B. Hồ Xuân Hương là em họ con ông bác anh rể của bà ngoại Hồ Quỳnh Hương, C. Chị em sinh ba (cùng với Hồ Ngọc Hà), D. Chịu, ko biết.
 
Dẫu biết rằng các đề thi bịa kiểu trên chỉ là “vô thưởng, vô phạt” không gây hại đến ai, chỉ mang tính chất giải trí nhưng nếu nghĩ sâu hơn, các sĩ tử sẽ thấy mục đích chính của các webside chính là hút lượng khách click vào để phục vụ mục đích riêng hoặc có ý đồ lừa đảo.

Thậm chí nếu không cẩn thận khi truy cập vào các đường link download sẽ có nguy cơ nhiễm virus rất cao… người truy cập có thể bị đánh cắp dữ liệu quan trọng trong máy tính. 


Theo Giaoduc

Các tin cũ hơn