Quảng Nam: Gia đình sản phụ nghi ngờ kết luận của BV

Thứ bảy, 02/06/2012, 13:15
Sau cái chết của sản phụ Lê Thị Nguyệt (SN 1979, giáo viên trường THCS Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam), Sở Y tế Quảng Nam đã có kết luận do “thuyên tắc ối” nhưng gia đình nạn nhân vẫn chưa thỏa mãn và còn nhiều bức xúc.

>>Quảng Nam: Lại thêm một sản phụ tử vong khi sinh
>>Tai biến liên tục, sản phụ bất an
>>Bất lực điều tra nguyên nhân sản phụ chết trên bàn sanh?
>>TP.HCM: Một tháng 3 sản phụ tử vong

Theo người nhà nạn nhân, vào khoảng 3h sáng 6/5, chị Nguyệt bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ nên được gia đình chuyển thẳng lên Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (đóng tại TT Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam) để chờ sinh.

Đến khoảng 6h sáng, các bác sĩ thông báo chị Nguyệt phải mổ vì thai 38 tuần, vỡ ối non, có vết mổ cũ. Tuy nhiên, đến khoảng 11h thì gia đình nhận được tin dữ chị Nguyệt đã tử vong, chỉ cứu được con.

Sau khi xảy ra sự việc, gia đình nạn nhân đã gửi đơn đến công an huyện Điện Bàn yêu cầu điều tra, làm rõ. Công an huyện Điện Bàn đã tiến hành điều tra, trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Nam đến khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân chết của chị Nguyệt là “tắt mạch phổi do nước ối”.
 

PV làm việc với ông Trần Công Ân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức
 

Sở Y tế Quảng Nam cũng đã thành lập Đoàn thanh tra và kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Nguyệt là "thuyên tắc ối”.

Tuy nhiên, người nhà nạn nhân vẫn rất bức xúc và chưa thỏa mãn với kết luận trên.

Theo anh Lê Văn Khánh, em trai của chị Nguyệt: "Tại sao chị tôi chết vào khoảng 7h sáng nhưng mãi đến 11h bệnh viện mới thông báo cho người nhà biết”?. Tại sao trong khoảng thời gian đó, chúng tôi xin chuyển viện, bệnh viện lại không cho? Phải chăng bệnh viện cần thời gian để thay đổi hồ sơ bệnh án?”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Ân, Giám đốc bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức cho biết: "Sở dĩ đến khoảng 11h bệnh viện mới thông báo cho người sản phụ nhà vì lúc đó chị Nguyệt chết lâm sàng, chúng tôi hy vọng với nổ lực của mình sẽ cứu được bệnh nhân.

Khi xảy ra sự cố, bệnh viện đã huy động khoảng 10 bác sĩ loại 1 của bệnh viện tập trung vào cứu bệnh nhân. Đến khi không thể cứu được nữa chúng tôi mới thông báo".
 

Con của chị Nguyệt
 

Chịu trách nhiệm mổ chính trong ca này là bác sĩ Võ Văn Chính. Nói về chuyên môn của mình, bác sĩ Chính cho biết: “Tôi không tự đánh giá chuyên môn của mình nhưng bệnh viện đã công nhận và tin tưởng giao cho tôi thực hiện ca mổ. Còn về bằng cấp tôi đã tốt nghiệp cao học và đã thời gian công tác tại bệnh viện Ninh Thuận rồi mới chuyển về đây”.

Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức đã thương lượng với gia đình là hỗ trợ 300 triệu đồng để gia đình có điều kiện nuôi cháu bé. Tuy nhiên phía gia đình nạn nhân không chấp nhận và yêu cầu bệnh viện phải nuôi cháu bé mới sinh tại bệnh viện đến 18 tháng tuổi và hỗ trợ 500 triệu đồng.

Khi được chúng tôi hỏi: “Bệnh viện không sai phạm tại sao phải thương lượng?” thì bác sĩ Ân cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra bệnh viện đã xuống nhà để chia sẻ những mất mát với gia đình và thấy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Với lương tâm của mình, chúng tôi muốn chia sẻ những khó khăn với gia đình bệnh nhân”.

Sau nhiều ngày thương lượng, cả hai bên vẫn chưa đi đến sự thống nhất.

Theo bác sĩ Ân, nếu hai bên không thỏa thuận được thì bệnh viện sẽ nhờ tòa án giải quyết.

Được biết, ngoài đứa bé mới sinh chị Nguyệt còn có đứa con trai mới 5 tuổi. Chồng chị là bộ đội, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

 

Theo Dantri

Các tin cũ hơn