|
Một số bất động sản ở con đường này đều là của bà Phấn đang cho người khác thuê làm kho xưởng, trường mẫu giáo... Ảnh: T.T. |
Người nhà cho biết, bà Phấn 66 tuổi (tên thường gọi là bà Năm) qua đời vào một đêm đầu tháng 2 năm ngoái sau một cơn đột quỵ, song đến lúc ấy vẫn chưa có ai biết thực hư khối tài sản bà để lại.
Mãi sau khi lo hậu sự cho bà xong, kiểm tra két sắt người nhà mới phát hiện số tài sản rất lớn trong nhà mà không có di chúc bà để lại. Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh phải lập một vi bằng, kiểm kê số tài sản trong két sắt của bà gồm: gần 20 sổ tiết kiệm hàng trăm nghìn USD và nhiều tỷ đồng, nhiều thẻ ngân hàng hạng VIP; gần 100 cây vàng, kim cương, nữ trang, nhiều giấy chứng nhận sở hữu đất đai... ước trị giá cả nghìn tỷ đồng.
"Bao nhiêu năm ở đây, hàng ngày tiếp xúc với bà Năm, chính tôi cũng ngỡ ngàng vì không ngờ bà lại có số tiền lớn như thế. Tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn những tài sản được lấy ra từ két sắt", ông Cảnh làm bảo vệ ở nhà bà Phấn kể lại.
Ông Cảnh vẫn nhớ như in nữ chủ nhân của mình thuở sinh thời lúc nào cũng giản bị bộ đồ bà ba ở nhà, khi đi ra đường bà thường mặc quần tây áo sơ mi chạy chiếc xe Dream II cũ. Bà Năm không lấy chồng, sống với một người phụ nữ và một người giúp việc trong căn nhà dát đá màu xám do chính tay bà thiết kế ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP HCM. Bà nhận một con nuôi.
Hiện nay trong ngôi dinh thự kiên cố ấy chỉ có cô con gái nuôi của bà tên là Huệ và 2 người hầu cận của bà Năm sinh sống. Sau khi người phụ nữ mất đi không để lại di chúc, xảy ra tranh chấp giữa cô con nuôi và dòng họ của mẹ về quyền thừa kế khối tài sản khổng lồ kia.
Để đảm bảo an ninh, gần đây ngôi dinh thự được canh chừng cẩn mật hơn, có đến 4 vệ sĩ và 6 con chó bécgiê làm nhiệm vụ bảo vệ và không cho người lạ tiếp cận cô chủ.
Ở sát vách nhà bà Phấn, ông Điền là cậu họ và cũng là công nhân làm bún thuê lâu năm cho bà Phấn kể, từ trước giải phóng bố mẹ của bà di cư từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Trà Vinh sinh sống. Sau đó gia đình gồm 12 người này lại dắt díu nhau đến Sài Gòn, định cư ở quận Tân Phú và lập nên những xưởng bún thủ công mang tên "Phúc Kiến".
Bà Phấn (giữa) trong một buổi tiệc thân mật với dòng
tộc. Ảnh người nhà cung cấp.
Sau khi cha mẹ qua đời, bà Phấn tiếp tục mở rộng sản xuất, mỗi ngày tiêu thụ từ 4 đến 5 tấn gạo, bà không chỉ làm bún mà còn tự nghiên cứu chế biến nui, mì vàng khô... mang nhãn hiệu "Ông Thọ".
Toàn bộ sản phẩm bỏ mối cho các điểm kinh doanh ở Chợ Lớn, chợ Bà Chiểu tại TP HCM và một số chợ miền Trung. Đến năm 1978 xưởng bún của bà Năm đã có hơn 100 công nhân.
"Bà không bao giờ la mắng, ai nào làm sai bà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Hồi đó làm bún vất vả lắm, nhất là lúc trời chuyển mưa, bà ấy phải chạy khắp nơi hò hét công nhân thu gom bún để khỏi ướt. Được cái bà hiền lành tốt bụng nên ai cũng yêu mến và nghe lời. Sau này bà Năm tuổi già sức yếu không theo nghề bún nữa thì kêu công nhân lại cho tiền họ mua đất, cất nhà hoặc cấp vốn làm ăn", ông Điền kể.
|
Một trong những mảnh đất thuộc sở hữu của bà Phấn đang được cho thuê. Ảnh: T.T. |
Ông Điền học hết lớp 10 nên được bà Năm giao nhiệm vụ làm kế toán xưởng bún. Năm 1987 cũng chính ông đã cùng bà chủ đến bệnh viện Hùng Vương để xin con nuôi. "Chúng tôi đến nói chuyện với bệnh viện thì biết có một đứa trẻ vừa bị cha mẹ bỏ rơi cách đây 2 ngày. Lúc bà Năm nhìn đứa trẻ nhỏ thó và ghẻ lở không có ấn tượng gì, nhưng nó thấy bà thì toét miệng cười. Bà ấy đến bên cô bé bảo 'cười với bà thì bà mang về nuôi nhé!'. Thế là bà mang nó về chăm sóc, trị bệnh...".
Người con nuôi ấy được bà Năm đặt tên là Huệ, mang họ Thạch của bà. Sống trong vòng tay yêu thương chăm sóc của mẹ nuôi và hai người vú nuôi, bé Huệ gọi cả 3 người là "má".
Riêng bà Năm rất cưng Huệ, đến nỗi mãi khi bà mất cô vẫn tưởng mình là con ruột của bà. Khi cô tròn 18 tuổi, người mẹ cho con đi du học ở Đức. Dự định học 6 năm nhưng Huệ mới hết năm thứ 3 thì mẹ qua đời, cô trở về nước lo hậu sự rồi ở lại Việt Nam luôn.
"Nhiều khi con bé hỏi sao con có nhiều má quá mà không có ba, bà Năm chỉ cười trừ giải thích một cách vu vơ. Mãi đến sau này khi bà mất đi con bé mới biết mình là con nuôi", ông Điền nhớ lại.
Bà Phấn có cả thảy 9 anh chị em, hầu hết gia cảnh sung túc, làm ăn khấm khá, riêng chỉ một người anh bị bệnh tâm thần đã qua đời.
Những người sống quanh bà chủ này đều khẳng định "cả cuộc đời bà Năm rất hay làm từ thiện, bỏ tiền xây viện dưỡng lão ở Tây Ninh, ủng hộ trẻ em nghèo, người khuyết tật và ủng hộ đồng bào miền lũ".
"Con cháu hay có ai đến kể khổ xin tiền bà cũng cho ngay. Hào phóng với mọi người nhưng bà lại sống khắc khổ, chi tiêu tằn tiện, không bao giờ đeo trang sức. Bà theo đạo Cao Đài nên ăn chay trường quanh năm với nước tương, đậu hũ. Bà ra đi quá đột ngột nên ai cũng thương, người đến viếng đông nghẹt kẹt cứng đường đi", ông Điền cho biết.
Một người thân trong gia tộc họ Thạch kể, sự ra đi đột ngột của bà Năm để lại nỗi đau lớn cho gia đình. Trước đây khi chưa phát hiện ra khối tài sản khổng lồ trong két sắt của bà thì anh em con cháu sống với nhau rất hòa thuận.
"Sau khi lo chôn cất cho bà Năm xong thì xảy ra chuyện. Do tranh chấp tài sản mà một năm qua anh em con cháu trong nhà không còn nhìn mặt nhau nữa. Gia đình ai cũng buồn vì chuyện này", người này trầm tư nói.
Cô con gái nuôi năm nay 25 tuổi, hiện vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ việc. Còn bà Năm dù đã đi xa nhưng khối tài sản khổng lồ bà để lại đang vướng vào khả năng tranh chấp quyền thừa kế giữa con gái nuôi và họ hàng, bởi gia tộc cho rằng trong đó có sự đóng góp của anh em bà con từ nước ngoài.
Tên của những người liên quan đã được đổi
Theo VNE