Sửa ai, ai sửa?

Thứ hai, 22/08/2011, 00:00
Em gái tôi là một người cam chịu. Chồng đối xử thế nào cũng không thấy nó phản kháng, chỉ khóc một mình.

Nó hầu hạ chồng chả thiếu việc gì, vậy mà không hề được đáp lại chút quan tâm, chăm sóc nào. Lâu lắm mới có cảnh chồng chở vợ con đi chơi. Những lúc như thế, nó hớn hở nom phát... ghét. Vì ở chung một khu nhà của ba mẹ, nên chúng tôi thấy rõ. Góp ý thì nó bảo: “Số phận cả, chị ạ! Em mà làm hỏng nữa thì các cháu nó khổ”. Chúng tôi chỉ cho nó thấy các ông chồng tốt xung quanh, nó bảo: “Liệu có tốt thật ở trong nhà không, hay bề ngoài vậy thôi. Phận ai nấy hưởng. Chẳng thể thay đổi được thì chịu cho yên…”. Tôi giận lắm, nhưng chồng tôi lại bảo: “Cô ấy biết “thu xếp” với số phận!”.

Vì quan niệm này mà vợ chồng tôi cãi nhau. Tôi cho là anh ấy bênh vực đàn ông. Sao có những việc rõ ràng thế mà nhiều người cứ giữ quan điểm cũ?

Lê Thị Thu Hạnh (Q.3, TP.HCM)

Ảnh: SS

Thưa chị Thu Hạnh,

Trước hết, chắc chị đồng ý với tôi là không nên “lấy” mâu thuẫn của người khác biến thành mâu thuẫn của gia đình mình. Đúng, sai chưa thấy giải quyết được, lại thêm chuyện cãi nhau vô ích. Tôi nói vô ích vì rất khó bắt người khác (cả cô em và chồng chị) thay đổi quan điểm. Chỉ có thể bày tỏ suy nghĩ cùng nhau để người ta nhận ra, tự họ quyết định thay đổi suy nghĩ của họ trong điều kiện có thể được.

Cô em gái nếu đến lúc không chịu được nữa, ắt phải “bùng nổ”, tự giải quyết, điều chỉnh mối quan hệ. Bản chất mâu thuẫn nội tại quyết định hành vi của họ. Chẳng ai làm thay, sống thay họ được. Sai trái của chồng cô ấy đã rõ, nhưng cô ấy quyết định hy sinh, chịu đựng vì con. Người ngoài nghe muốn giận điên lên vì thương xót, vì thấy bất bình. Nhưng “đương sự” lại lựa chọn sự chịu đựng. Với ta, như thế khó chấp nhận, nhưng với cô ấy, đó là một ứng xử thực tế để con thuyền êm trôi. Vậy chị và những người thân khác trong gia đình chỉ nên thương yêu giúp đỡ, phân tích khuyên nhủ, có thể can thiệp khi em gái chị phải chịu những hành xử quá giới hạn (như bị chồng bạo hành chẳng hạn) như thế là giữ cho đời sống cô em gái được dễ chịu và cải thiện dần.

Về mặt đạo đức của người em rể đáng phê phán ấy cần có sự phản ứng từ chính vợ anh ta và sự góp ý của người thân. Góp ý, nhận xét, tỏ thái độ một cách tinh tế khác với sự khó chịu, tấn công đả kích, kết tội. Nghe câu này ai cũng thấy đúng, nhưng trong thực tế lại thường thấy những câu “góp ý” thế này: “Chú sống kiểu chồng chúa vợ tôi thế là không được. Em gái tôi vô phước mới lấy phải chú. Cái con ấy ngu mới chịu, chứ người khác đã bỏ chú tám đời”, “Sao không mặc xác “nó” mà hầu hạ dữ vậy. Lấy chồng thế phí một đời”… Dù rằng “nội dung” có khi đúng, nhưng chẳng bao giờ lọt lỗ tai người trong cuộc. Sự khinh bỉ, hằn học ghét bỏ của người xung quanh chỉ làm cho tình hình gia đình họ tồi tệ thêm. Anh chồng tìm lý lẽ phản kháng theo kiểu của mình, người vợ càng đau buồn hơn, bế tắc hơn. Thậm chí, có gia đình mở “hội nghị gia đình” góp ý đàng hoàng, lý lẽ đầy đủ, nhưng không phải dễ đâu. Có khi tiến bộ được vài hôm, rồi lại đâu vào đấy, hoặc “rút vào bí mật”, tinh vi hơn. Với kẻ cộc cằn thô lỗ thì nguy hiểm lắm, họ sẽ càng cư xử với vợ tệ hại để chứng minh “ta đây chả sợ ai”…

Có nhiều người xót cho con em mình, “tư vấn” kiểu đối phó: “Mày cứ về trễ cho tao, cho nó đón con. Khỏi nấu cho nó ăn luôn…” hay là: “Bỏ nó đi cho nhẹ nợ…” tất cả đều chỉ làm rối thêm tình hình.

Chị nên làm gì? Nên coi đây là vấn đề tự thân của họ, họ phải thấy không thể sống kiểu đó lâu hơn nữa (hiện nay thì em gái chị chưa thấy điều này). Người ngoài cuộc giúp bằng cách thương yêu, chỉ dẫn chuyện tốt có thể làm, trò chuyện lắng nghe cả người em rể xem chú ấy nghĩ gì, vì sao chú ấy sống như vậy… Người ta bảo trong gia đình đừng cãi chuyện đúng, sai (có người bảo ai sai thì phải sửa chứ không lẽ người đúng lại chịu thua?). Trong gia đình, sự hòa  hợp với nhau quan trọng hơn. Mong rằng chị và chồng chị có thể phân tích câu chuyện trong tâm thế khác, đừng cố sống chết “tôi đúng, anh phải thua mới được”, như thế sẽ tạo thành sự đối kháng. Đôi khi, “đối phương” không bao giờ chịu nói “tôi sai rồi”, nhưng họ lẳng lặng tự chấn chỉnh, vậy là hay rồi.

Theo PNCN

Đinh Thị Mười

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn