Chuyện ngại kể ở trung tâm hỗ trợ sinh sản

Thứ hai, 25/06/2012, 07:50
Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản  bệnh viện Phụ sản Trung ương chính là bức tường làm việc được trang trí bằng rất nhiều những tấm ảnh của các thiên thần nhỏ - sản phẩm của các ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Rất nhiều bức ảnh của các bé đã thành công nhờ thụ tinh trong ống nghiệm.

 
Bán nhà, giải hạn để... có con
 
Bác sỹ Hoàng Thị Minh Phương, người đã sát cánh bên các bệnh nhân từ ngày đầu thành lập trung tâm cho biết: Nhiều gia đình thụ tinh thành công đã tìm đến xin các bác sĩ nhận làm cha (mẹ) đỡ đầu cho con mình.
 
Không ít cặp vợ chồng đã quá tuổi sinh đẻ cũng mong có con dù lớn tuổi. Chị Vũ Thị Minh Hạnh (42 tuổi) ở Thanh Hóa đã từng chạy chữa khắp nơi thậm chí không ngần ngại mời thầy cúng về giải hạn. Từ việc xây nhà mới rồi làm lễ cưới giả với chi phí lên tới vài chục triệu đồng chị Hạnh cũng không nề hà nhưng giấc mơ về tiếng cười trẻ thơ vẫn xa lắc.

Thế rồi nhờ bác sỹ Nguyễn Việt Tiến, viện trưởng Viện phụ sản Trung ương kiêm trưởng khoa Hiếm muộn, một bé trai khôi ngô ra đời nặng 3,1kg. Anh chị quyết định lấy chữ Việt là tên đệm của bác sĩ Tiến làm tên đệm cho cậu con trai Phạm Việt Hưng. Trải qua 3 lần không có kết quả vợ chồng anh Thảo chị Minh (Hà Nội) đã phải quyết định bán đi căn nhà tại Kim Mã cùng hai chiếc xe máy để lấy tiền chữa trị.

 
Đáng tiếc nhiều người vợ khó khăn trong việc sinh nở lại không nhận được sự động viên, chia sẻ của người chồng. Chị Phương đã từng chứng kiến cảnh một người vợ nấc nghẹn trong khi đức ông chồng oang oang chì chiết vợ ngay giữa phòng khám: “Cây không ra hoa còn đốn được, vợ thì làm thế nào đây”.
 
Nhiều người không ngần ngại dọa vợ: “Nếu làm mà không có kết quả thì ly dị, chi phí cho việc này chia đôi, mỗi người gánh một nửa đấy nhé. Thậm chí nhiều ông còn vừa lôi xềnh xệch vợ vừa nói: “Tiền chữa chạy đấy để tôi lấy thêm vợ hai còn hơn”.
 
Đối với các quý ông khi biết nguyên nhân hiếm muộn từ phía mình hầu như đều rất sốc. Vì sĩ diện nên họ không chấp nhận sự thật.

Cách đây không lâu, có một cặp vợ chồng là giảng viên đại học được xác định nguyên nhân do tinh trùng yếu. Thế nhưng anh chồng cứ khăng khăng cho rằng các bác sĩ nhầm lẫn và nhất định đổ lỗi sang cô vợ gầy gò đang nước mắt ngắn nước mắt dài đứng bên cạnh.

 
Nhiều cơ hội thành công đang mở ra
 
Theo bác sĩ Ngô Thị Minh,  thạc sĩ mô phôi Trung tâm hỗ trợ sinh sản bệnh viện Phụ sản Trung ương: Đây là trung tâm đầu tiên ở Việt Nam thực hiện nuôi bằng kỹ thuật blastocyst (kỹ thuật nuôi noãn trong ống nghiệm). Trên thực tế phòng lab của trung tâm được trang bị đầy đủ trang thiết bị như: Tủ nuôi, nhiệt độ ổn định 37oC và trong môi trường phù hợp nhất, gần giống như trong buồng tử cung của người phụ nữ đảm bảo công tác cấy nấm, khuẩn định kì hàng tháng.
 

Chi phí một ca thụ tinh nhân tạo rất cao
 
Đặc biệt tin vui dành cho những bệnh nhân điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm là: Trung tâm đang áp dụng phương pháp chuyển phôi ngày 5 tỷ lệ thành công lên tới 50% - 60%. Phương pháp này thực thiện theo quy trình trong 3 ngày nuôi cấy nếu xác định có trên 4 phôi tốt bác sĨ sẽ tiến hành chuyển sang kỹ thuật nuôi ngày 5.

Chuyển phôi ngày 5 thích hợp cho một số trường hợp và tỉ lệ có thai có thể cao hơn so với chuyển phôi ngày 3 trong nhóm bệnh nhân có tiên lượng tốt, niêm mạc đạt quy trình như kích thước phải lớn hơn hoặc bằng 8mm. Nguyên nhân do ở giai đoạn này phôi đã vào tử cung nên khả năng lựa chọn phôi tốt, chứng tỏ sự vượt trội của phôi và phù hợp với sinh lý hơn. 

 
Mặt khác đối với những bệnh nhân được chỉ định áp dụng kỹ thuật phôi ngày 5 thì giúp giảm thiểu số lượng phôi khi tiến hành đặt xuống chỉ còn 2 - 3 phôi nhưng tỷ lệ thành công lại hứa hẹn cao hơn, tới 50% - 60%. Biện pháp này nhằm tránh đa thai cho bệnh nhân, giảm áp lực tâm lý cho sản phụ. Dụng cụ dùng để chuyển phôi là loại catheter mềm cũng giúp làm giảm cơn co tử cung, không gây tổn thương niêm mạc giúp tăng tỷ lệ thành công.
 
Hiện trung tâm đang tiến hành kỹ thuật chẩn đoán di chuyền trước làm tổ trên cơ sở lấy một phôi bào để chẩn đoán di truyền để lựa chọn phôi có di  truyền bình thường. Chỉ định này cho phép bố mẹ có mang gen tiềm ẩn một bệnh lý được biết trước có thể sinh ra đời một trẻ hoàn toàn không mang gen bệnh. Với phương pháp này có thể tránh được việc phải chấm dứt thai kỳ, bỏ thai kỳ - một việc làm không mong muốn dễ gây chấn động đến tâm lý nhạy cảm của người mẹ.
 
Bên cạnh đó, trung tâm đang triển khai hỗ trợ bệnh nhân bằng kỹ thuật ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương noãn) áp dụng cho các trường hợp: Tinh trùng kém, tắc ống dẫn trứng, vô sinh không rõ nguyên nhân mở ra nhiều hi vọng mới cho các bệnh nhân hiếm muộn.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh hiện nay trang thiết bị đều phải nhập ngoại rất đắt tiền nên mặc dù rất thông cảm với hoàn cảnh bệnh nhân nhưng phía bệnh viện hiện vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị.

Chi phi khá cao
 
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Phương cho biết: “Gánh nặng về chi phí cho một ca thụ tinh ống nghiệm khá cao, có khi lên tới 40 triệu - 60 triệu đồng trong đó nặng nhất là tiền thuốc, mỗi lần mua 5 - 6 triệu đồng dùng trong khoảng 4 ngày. Nhiều cặp vợ chồng lúc mới đến thì kinh tế còn khá giả nhưng qua 4, 5 lần chạy chữa thai chưa đậu mà tài sản đã khánh kiệt.


Theo Nguoiduatin

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn