Báo động “văn hóa mạng xã hội” trong giới trẻ

Chủ nhật, 24/06/2012, 08:02
Xa rời đời sống thực, “chửi bới” người thân, văng tục “thả ga” trên mạng xã hội là thực trạng đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay. Đã đến lúc “văn hóa mạng xã hội” cần được bàn đến một cách nghiêm túc.


>> Facebook sắp cho phép sửa bình luận 
>> Hà Nội: Cháu xưng “tao” gọi bà ngoại là “chúng mày”
>> Trên mạng chửi bậy mới vui!


Trầm cảm vì Facebook

Thay vì gặp nhau ngoài đời thực để thăm hỏi, nói chuyện thì không ít bạn trẻ suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính để nói chuyện. Mọi nhu cầu giải trí, giao tiếp đều được mạng xã hội thỏa mãn…

Lượng bạn bè đông đảo trên Facebook đã thay thế cho bạn bè trong đời thực, mặc dù phần lớn bạn bè trong “friends list” đều là những người họ chưa từng gặp gỡ và trò chuyện ngoài đời.

Không ít người trẻ có biểu hiện “nghiện” khi việc sử dụng mạng xã hội trở thành thói quen và việc biểu hiện cảm xúc cũng lệ thuộc mạnh mẽ vào mạng. Đây cũng là một bệnh lý về tâm thần của người “nghiện”. Thậm chí, nếu không sử dụng mạng xã hội để giao tiếp thì những người này sẽ có trạng thái nôn nao, khó chịu, buồn bã.
 


Nguyễn Văn Thành, sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải 2, kể: “Nhiều khi tự dặn mình hôm nay phải học bài, nhưng rồi lại bị lôi cuốn vào mạng xã hội như một “con nghiện”. Trò chuyện với một vài người bạn, tham gia “chém gió” ở một diễn đàn nào đó, thử các tiện ích thú vị trên Facebook... cho đến khi sực nhớ việc phải làm thì thời gian đã trôi nhanh không ngờ”.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ em và thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian để vào các trang mạng xã hội cũng là lúc những thói quen như ăn uống, ngủ nghỉ, kết bạn, giao tiếp... bắt đầu thay đổi.

Nguy hại hơn, trẻ có xu hướng kết bạn và chơi theo một nhóm cô lập. Đó là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Dần dần, một số bạn trẻ mất các kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống trong đời thực.

Rất nhiều bậc phụ huynh than phiền về thái độ ứng xử của con mình. “Về đến nhà, có khi còn đeo cặp sách trên vai cháu đã vội mở máy tính và cười một mình. Không còn thói quen kể chuyện trường lớp, bạn bè cho bố mẹ nghe nữa.

Dần dần, cháu trở nên ù lì, khách đến nhà cháu chỉ chào hỏi cho qua rồi đi về phòng của mình”, bà Nguyễn Thanh Nga, một phụ huynh ở TP.HCM tỏ ra lo lắng.

Gần đây, câu status “chửi bà ngoại” của nick name Q.A trên Facebook đang gây xôn xao dư luận. Chỉ vì bị ép học trong kì nghỉ hè mà cô bé này sẵn sàng dùng những câu từ “chợ búa” để mắng bà ngoại và hàng loạt những câu chửi thề trong các lời nhắc về người thân trong gia đình.

“Không thể chấp nhận được thái độ và cách ăn nói này. Với những người đã sinh ra và nuôi nấng mình, có ấm ức đến mấy thực sự mình cũng không nghĩ đến việc phát ngôn như vậy.

Một số bạn trẻ ngày nay đã thiếu suy nghĩ khi sẵn sàng đăng lên những phát ngôn phản cảm, thô tục, thiếu văn hóa”, Nguyễn Tường, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng bức xúc.

Comment “bẩn”, cuồng “like”

Không cần biết đó là chủ đề gì, nội dung ra sao, những thành viên tự xưng “vua chém gió” (theo cách gọi của cộng đồng mạng) sẵn sàng xông vào cuộc tranh luận và sử dụng những comment “bẩn” vô tội vạ.

Thực tế phần lớn bạn bè trong “friends list” Facbook của giới trẻ là những người lạ ở ngoài đời, trong số này có những ông “vua chém gió” tha hồ “dụng võ” ở bất kỳ “trạng thái” của ai.

Ở những diễn đàn mở, các phần tử này cũng không ngại quăng những bình luận không hề liên quan đến nội dung đề ra nhằm chọc phá. Thậm chí có những bình luận tiêu cực, dùng lời lẽ thô tục. Điều này khiến cho nhiều bạn trẻ cảm thấy phiền phức và bị xâm phạm đời tư. Rất nhiều trường hợp chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhưng lại gây ra những cuộc tranh cãi kịch liệt, dẫn đến thù hằn nhau.

“Mình rất thích mạng xã hội Facebook, nhưng cũng rất bực mình vì một số người “rơi từ trên trời xuống” cứ vào “like” và bình luận tùy tiện trên trang cá nhân của mình. Phản đối hay đồng tình không phải là vấn đề người viết muốn hướng tới, mà quan trọng hơn là văn hoá khi bình luận. Thật đáng tiếc khi phải loại một số thành viên ra khỏi danh sách bạn bè”, Lê Hồng Hà, 21 tuổi, chia sẻ.

“Sự phát triển của mạng xã hội là khách quan nhưng tiếp nhận như thế nào là tùy thuộc vào chủ quan mỗi người. Gia đình và nhà trường cũng cần quản lý việc sử dụng internet của con em.

Lắng nghe xem các em đang thực sự cần gì và chia sẻ những tâm tư, cảm xúc với các em thay vì để các em phụ thuộc vào mạng xã hội. Xa lánh đời sống thực để trở thành các “cư dân mạng” là thực trạng xấu trong giới trẻ hiện nay. Nên biết cách tiết chế thời gian và cả cảm xúc cho thế giới ảo”.

Tiến sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Thị Phương Trang, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.



Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn