Lo ngại nông sản Trung Quốc độc hại, người tiêu dùng gần như chuyển hẳn sang tìm mua các loại rau củ quả trong nước, khiến lượng tiêu thụ nông sản nội tăng vọt. Giá vì thế cũng đội lên khá cao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM), cho biết, nếu như trước đây trung bình mỗi tối, lượng rau củ quả có nguồn gốc từ Trung Quốc về chợ có thể lên tới hàng trăm tấn, nhưng hiện nay chỉ còn vài chục tấn.
Tuy nhiên, nhờ nguồn cung từ các hợp tác xã, nhà vườn tại các địa phương trong nước về chợ tăng liên tục nên đủ bù đắp lượng thiếu hụt từ nguồn hàng nhập khẩu.
Nhu cầu tăng mạnh khiến giá nhiều loại rau củ về các chợ đầu mối của TP HCM cũng tăng theo. So với thời điểm cách đây 10 ngày, có loại rau đã tăng giá tới 15 – 20%.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, các loại rau trồng ngắn ngày như cải bẹ xanh, xà lách, cải ngọt… tăng 1.500 – 2.000 đồng/kg, mướp đắng (khổ qua) tăng từ 3.500 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 6.000 đồng lên 8.000 đồng/kg, nhóm hàng hành tỏi, khoai tây cũng tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg…
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương kinh doanh rau tại khu nhà lồng B chợ đầu mối Thủ Đức, nhờ vừa rồi giá xăng giảm khiến cước vận tải giảm theo, nên mức tăng các loại rau củ được hạn chế bớt, nếu không mức tăng còn mạnh hơn nhiều.
Do lo sợ rau Trung Quốc nhiễm độc, người tiêu dùng quay về với rau trong nước khiến giá rau tăng đột biến.
Cũng theo chị Lan, do lo sợ hàng Trung Quốc nên khi lấy hàng về bán, nhiều tiểu thương tại các chợ nhỏ hết sức cẩn thận hỏi rõ nguồn gốc nên các chủ vựa ở chợ mất thêm thời gian giải thích.
“Chẳng hạn như cải thảo phải giải thích là hiện bên Trung Quốc trái mùa, không có hàng, chỉ có cải thảo Đà Lạt thôi. Giải thích cặn kẽ vậy họ mới yên tâm lấy hàng về bán”, chị Lan nói.
Không chỉ sốt ở các chợ, tại các vùng trồng thời gian gần đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng cháy hàng. Ông Trần Đức Quang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Hương – TP Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết hiện các loại rau tại hợp tác xã chuyên cung ứng cho thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… đều không có hàng để bán, rau trồng được đến đâu tiêu thương đặt hàng trước đến đó. Nhiều vườn lái tới tận nơi mua cả rau non.
Tình trạng “sốt” rau, theo ông Quang bắt đầu từ hơn một tháng nay, một phần do cuối tháng 4 vừa qua tình hình mưa lũ liên tục tại Đà Lạt khiến nhiều diện tích trồng rau của các hợp tác xã ảnh hưởng nặng nề, ngay cả những diện tích trồng trong nhà lồng, nhà kính cũng bị ảnh hưởng bởi nước lũ làm lở đất, trôi đất. Phần khác, nhu cầu thu mua của các đầu mối cũng tăng mạnh khiến nhiều nhà vườn cung ứng không kịp.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, tâm lý lo ngại mức độ an toàn từ rau quả Trung Quốc thường xuất hiện sau mỗi lần có thông tin cảnh báo trên truyền hình và báo chí, người tiêu dùng có xu hướng chuyển qua dùng rau quả trong nước. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian lắng đi, tình hình lại “đâu vào đấy”.
Theo bà Hà, để giá rau trong nước ổn định, nguồn cung không bị khan hoặc thừa cục bộ, các nhà vườn trong nước phải được liên kết chặt chẽ với các đầu mối cung cấp tại thành phố, nếu không thì khi tình hình lắng xuống, rau nhập lại về bình thường thì rau trong nước lại khó khăn như đã từng diễn ra.