Đường vào xóm phao lầy bùn đất quyện với đủ loại phế thải bốc mùi khó chịu. Nhưng ở đó có hàng chục nhà nổi, chắp vá bằng tấm bạt xanh, bạt đỏ mục nát, những mảnh gỗ cũ, bồng bềnh trên sông nước.
Trong cái lều nổi lụp xụp rộng hơn 15m2, chị Nguyễn Thị Thuận tâm sự: Nơi đây có hơn 60 nhân khẩu với 14 hộ, chủ yếu là dân các tỉnh lẻ. Người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào nghề bắt cá, bắt tôm, nhặt rác, làm thuê đủ mọi việc.
Chồng chị Thuận thở dài, nói: Ở đây, nước sinh hoạt phải mua ở trên bờ, mỗi tháng hết 150.000 đồng, "đều như vắt chanh", còn điện đóm thì cứ 4.000 đồng một số, phải mua dây kéo từ trên phố xuống. Nhiều khi phải múc liều nước ở dưới sông lên ăn.
Người dân lấy nước từ sông Hồng để dùng hằng ngày.
Cuộc sống của những người dân bị đánh đồng với sự nhếch nhác. Cuộc sống ấy hệt như những chiếc bè tạm bợ mà họ đang sống, nước lên thì bập bềnh, nước xuống thì nhà xiêu vẹo.
“Cái khổ đã thành thói quen, nên ở lâu cũng quên mất cảm giác khổ” - chị Thuận chia sẻ. Như để an ủi cho mình, chị Thuận chỉ tay về phía cái chòi nhỏ nằm khuất bên trong bãi lau sậy, nói: “Đó là nhà của ông Cường, ông lão sống lủi thủi một mình cho đến lúc mất”.
Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng khi nói về trẻ em nơi đây, chị Thuận đầy tự hào, mang tập giấy khen của các con khoe chúng tôi: “Bố mẹ vất vả mưu sinh, nhưng bù lại 2 con Út Hiên, Tuấn Tài của vợ chồng tôi ngoan ngoãn, học giỏi, nhiều năm đều đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường Phúc Xá. Đó là niềm tự hào không chỉ của gia đình tôi, mà còn là niềm tự hào của cả xóm bãi”.
Rời xóm phao ven sông Hồng, chúng tôi mong rằng những mầm non như con của chị Thuận sẽ thắp lên hy vọng thay đổi cuộc sống nơi đây.